Học đường

Chàng sinh viên đi học bằng đôi tay người khác: 'Cha mẹ già, em phải tự lo'

Theo Thanh Niên
Chia sẻ

Đi đứng không được, mọi sinh hoạt đều nhờ vào gia đình, nhưng chàng sinh viên khuyết tật Trịnh Ngọc Tiến đã vượt qua tất cả, hiện là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Phú Yên.

Trịnh Ngọc Tiến bên em trai, người hay giúp đỡ Tiến trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: ĐỨC HUY

Cả nhà tiếp sức

Nhà của Tiến nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề biển nên cuộc sống cũng chả dư dả mấy. Và cha của Tiến là anh Trịnh Văn Nhân cũng vậy, anh làm nghề đi biển thuê nên cuộc sống gia đình đầy cơ cực, vất vả.

VIDEO: Chuyện học của chàng sinh viên khuyết tật

Tiến là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em trai. Khi chào đời, Tiến bình thường như mọi đứa trẻ khác. Nhưng sau một lần bị sốt cao, co giật, Tiến liệt cả người. Và cũng từ đó, cuộc sống của Tiến phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình.

Hễ nhắc đến cuộc đời của Tiến thì chị Nguyễn Thị Như (mẹ ruột Tiến) không tài nào cầm được nước mắt. “Cứ cố gắng, cố gắng mãi thì thời gian trôi nhanh”, chị Như rớm nước mắt.

Mỗi lần đến trường, Trình Ngọc Tiến đều được ẵm trên tay người thân. Ảnh: ĐỨC HUY

Thời gian đầu khi Tiến vào bậc tiểu học, chị Như phải thức khuya, dậy sớm hơn hơn thường lệ vì vừa chăm con, vừa đi làm. Chị Như bộc bạch: “Sáng dậy thật sớm, đưa con đi học rồi về lo cơm nước, nhà cửa. Cũng may, tôi làm công cho sở sở chế biến hải sản gần nhà nên cũng tranh thủ được”.

Và Tiến khi trở về nhà. Ảnh: ĐỨC HUY

Hình ảnh người mẹ đẩy chiếc xe lăn hằng ngày đưa con đến trường đã quen thuộc với nhiều người trong xóm. Mặc dù tàn tật không đi lại đường, nhưng Tiến lại chăm học nên khiến chị Như càng quyết tâm hơn.

Chị Như tâm sự: “Hình như cháu cũng ý thức được nên buổi sáng vệ sinh xong thì không đi bậy nên rất sạch sẽ. Khi vào lớp 1, cháu học có phần khó khăn hơn các bạn khác, nhưng lại rất chăm học. Một số thầy cô khuyên bảo nên đưa cháu sang Trường Niềm Vui (trường dạy trẻ khuyết tật), nhưng tôi vẫn quyết tâm cho cháu học bình thường”.

Nhiều lần đưa con đến trường, chị Như bị hiểu lầm rằng đang “lợi dụng trẻ em” đi bán vé số dạo hoặc là đi xin, nhưng chị Như bỏ qua tất cả lời nói đó để chắp cánh ước mơ cho con.

Tiến đi học phải có 2 người đưa đi bằng xe máy. Ảnh: ĐỨC HUY

Và Tiến đã không phụ lòng mẹ, từ lớp 1 đến lớp 5, Tiến đều là học sinh khá, giỏi nên chị Như càng có thêm động lực để đưa con đến trường. “Mẹ đã chịu cơ cực, dầm mưa, giãi nắng để đưa em đến trường nên em phải cố gắng thật nhiều”, Tiến tâm tình.

Và khi Tiến vào cấp 2, cấp 3 và đại học thì chuyện học của Tiến càng vất vả hơn. Chị Như cùng chồng và con trai thứ 3 là Trịnh Ngọc Tiền thay phiên nhau chở Tiến trên xe máy đến trường, sau đó lại bồng Tiến vào lớp học.

Tiến tâm sự: “Người ta đi học thì tự đến trường, còn em thì phải thêm 2 người đưa đón. Hằng ngày, cha mẹ phải bế em từ cổng vào lớp học và ngược lại, ròng rã suốt thời gian em học tập. Đó là động lực, thôi thúc nên em quyết tâm học tập để sau này có cuộc sống tự lập, không phụ thuộc quá nhiều vào người thân”.

Tiến đang thực tập tại Sở TT-TT tỉnh Phú Yên. Ảnh: ĐỨC HUY

Và cũng nhờ cả gia đình tiếp sức nên Tiến có nghị lực phi thường để vượt qua tất cả mọi khó khăn. “Mọi người trong gia đình vì em thế này mà em không cố gắng, và nếu như em không học hành tới nơi tới chốn thì sau này có thể là gánh nặng gia đình và xã hội”, Tiến chia sẻ như vậy.

Ước mơ cháy bỏng

Tôi hỏi vì sao Tiến lại chọn ngành công nghệ thông tin? Tiến tâm sự: “Đó là cả ước mơ về cuộc sống về sau của em. Em mong muốn sau này có cuộc sống tốt hơn không phụ thuộc nhiều quá vào gia đình. Sau này, ba mẹ có già đi, anh em cũng có cuộc sống gia đình riêng thì em phải tự lo được cho tương lai của mình. Em mà không biết lo thì chính bản thân em sẽ khổ”.

Chị Như - mẹ của Tiến cũng trải lòng: “Tôi chỉ có tâm nguyện duy nhất là cầu mong cháu Tiến ra trường tìm được việc làm thích hợp, phù hợp với sức khỏe, có thu thập ổn định. Và công việc đó cũng là niềm vui của cháu thì xem như vất vả bấy lâu nay của gia đình là không lãng phí”, chị Như bày tỏ niềm mong ước công việc về sau của Tiến.

Thầy Trần Lăng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, cho biết Tiến được xét tuyển vào đại học với loại hình chính quy ngành công nghệ thông tin.

“Tiến bị tật nguyền nên đi lại rất khó khăn, nhưng em đã đến trường trên đôi tay gia đình và bạn bè trong lớp. Và chính sự giúp đỡ đó mà em Tiến đã vượt qua 4 năm học đại học với sự đam mê và yêu thích của bản thân. Và phải nói Tiến là một người có nghị lực, lạc quan và luôn nỗ lực để hoàn thành chương trình học tập”, thầy Lăng chia sẻ.

Vừa là người thầy đã từng dạy Tiến, vừa lãnh đạo của nhà trường, thầy Lăng đã nhiều lần tâm sự với cùng với Tiến. Cậu sinh viên cũng không ngại ngần chia sẻ ước mơ của mình với thầy giáo. Mỗi lần như vậy, thầy giáo lại động viên: “Tiến cố gắng rèn luyện ý chí để sức khỏe ngày càng tốt hơn. Em yêu đời thì sẽ có cuộc sống như mọi người khác. Nghị lực của Tiến là phi thường”.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Thanh Niên

Tin mới nhất