Học đường

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam

Nhật Minh - CTV
Chia sẻ

Tết đến xuân về, ai mà chẳng mong được đoàn tụ bên mâm cơm gia đình chiều 30, được gặp mặt những người anh em thân thiết đã xa nhau vì kế mưu sinh cả năm trời ròng rã. Ấy thế mà đối với những cô cậu du học sinh thì điều này dường như trở thành mơ ước xa xỉ, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng như hiện nay.

Tết Nguyên Đán luôn là một trong những khoảng thời gian đáng mong đợi nhất trong năm bởi lẽ, đây là kỳ nghĩ kéo dài, là cơ hội quý báu trong năm để những người con xa nhà có thể về thăm lại gia đình, quê hương tổ tiên sau một năm dài làm việc vất vả. 

Tuy nhiên điều này lại trở thành nỗi ám ảnh của các cô cậu du học sinh bởi khoảng cách địa lý luôn là trở ngại lớn nhất ngăn cản việc đoàn viên vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Đáng nói hơn là trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội như hiện nay.

"Tết xa nhà rất khác với hương vị Tết ở Việt Nam"

Tết - Từ ngữ nghe giản dị nhưng sao lại chất chứa nhiều trạng thái cảm xúc đến thế, vui có và buồn cũng có. Đã 4 năm xa quê hương để thực hiện hoài bão của mình, bạn Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1994, hiện đang làm nghiên cứu ngành Tài chính tại Đại học Kinh doanh Columbia, New York, Mỹ) đã có những trải lòng của mình trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 1
Nguyễn Trung Hiếu - Chàng trai trẻ đã có 4 năm đón Tết xa nhà đã có những trải lòng về những ngày trước và trong Tết Nguyên Đán

Hiếu tâm sự, bốn năm sang Mỹ cũng là bốn năm mà 9X đón những cái Tết xa nhà. Thông thường, Tết Nguyên Đán thường rơi vào khoảng tháng 2 nên các du học sinh đã bắt đầu vào kỳ học mới. Trong suốt những năm tháng theo học nơi đất khách, Trung Hiếu cũng đã về Việt Nam hai lần nhưng đều là vào dịp Tết Dương lịch. “Quả thực, nhiều lúc mình rất nhớ hương vị Tết tại Việt Nam và rất mong sớm được đón một cái Tết tại quê nhà”, Hiếu nói. 

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 2
Xa quê hương đã khá lâu, chính vì thế nên 9X rất nhớ hương vị Tết quê nhà

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa Tết quê nhà với nơi xứ lạ quê người, du học sinh chia sẻ rằng Tết ở đây rất khác với hương vị Tết truyền thống ở Việt Nam và rất khó để có thể tìm được một cành đào hay một cây quất ở đây. Mỗi khi đến Tết việc đầu tiên mà cá nhân chàng trai trẻ cũng như không ít các bạn du học sinh khác thường nghĩ tới đó là ra chợ Việt để tìm mua một chiếc bánh chưng. 

“Năm đầu tiên ăn Tết xa nhà thực sự đáng nhớ với mình. Khi đó mình mới qua Mỹ được 5 tháng và cũng không quen quá nhiều anh chị em người Việt Nam ở Mỹ. 

Mình còn nhớ như in khoảnh khắc giao thừa năm đó mình gọi về cho gia đình khi vừa tan lớp xong. Mình chỉ có khoảng vài chục phút để gọi về cho gia đình và bạn bè trước khi phải quay lại lớp. Năm đó Tết với mình chỉ là một mâm cỗ các anh chị em ăn với nhau để đón một cái Tết xa nhà. 

Năm thứ 2 thì mình đón Tết cùng hội sinh viên Việt Nam tại đại học Brandeis. Tết năm đó cũng thật ý nghĩa với mình khi mình vừa quay trở lại từ Việt Nam và được nhìn thấy những cành đào, cành mai, được xem múa lân, và được thưởng thức hương vị từ những món ăn Tết”, Minh Hiếu trải lòng. 

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 3
Trung Hiếu (ngoài cùng bên trái) cùng những người bạn của mình tại Mỹ

Chia sẻ về những khó khăn do dịch COVID-19, Minh Hiếu cho rằng do tình hình dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng ở cả Việt Nam lẫn Mỹ nên dự định về Việt Nam ăn Tết của anh chàng cũng như nhiều bạn bè khác khó trở thành hiện thực. 

Tuy nhiên một điều thú vị đó chính là mặc dù không được về thăm quê hương nhưng Hiếu cùng bạn bè của mình sẽ tham gia chương trình Tết của Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Thay vì mỗi một thành phố tổ chức một chương trình riêng thì năm nay, cả cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ sẽ cùng nhau đón chung một cái Tết và hy vọng rằng, đây sẽ là một cái Tết đáng nhớ với bản thân anh chàng và nhiều du học sinh xa nhà khác.

8X đời đầu và 3 lần ăn Tết “tha hương”

Một du học sinh khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự chính là Nguyễn Phúc Bình, 8X đời đầu và cũng vừa tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại ĐH Macquarie, Sydney, Australia. 

Từ đầu năm 2017, trong lúc “đỉnh cao sự nghiệp” tại Việt Nam thì Phúc Bình quyết định bỏ lại tất cả sau lưng để tự thử thách bằng việc sang Australia du học, đồng thời làm mới bản thân.

 Anh Bình dùng đã toàn bộ số tiền tích lũy trong hơn 10 năm đi làm ở Việt Nam "đặt cược vào ván cờ” này. May mắn, anh hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của gia đình khi quyết định đi du học ở tuổi 35. 

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 4
Quyết định đi du học khi đã ở độ tuổi U35, thế nhưng Phúc Bình vẫn mang trong mình sức trẻ, sự nhiệt huyết vốn có của những người con đất Việt, luôn khao khát chinh phục những điều mới lạ

Nhắc đến Tết Nguyên Đán, anh Phúc Bình cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc sống xa nhà từ năm 2017 tới nay, anh chỉ mới về Việt Nam ăn Tết đúng 1 lần và từng có “kinh nghiệm” 3 lần đón Tết xa nhà. 

Anh Bình chia sẻ, trong tâm thức người Việt, Tết là dịp để mỗi người có cơ hội để đoàn tụ gia đình, tuy nhiên Tết xa quê thì thực sự là điều gì đó không thể tả được bằng lời. 

“Nói như  thế nào nhỉ, nó có gì đó lạ lạ khi lần đầu ăn Tết xa quê nhưng lần thứ 2 thì thật sự là chỉ có 1 từ ‘chán’. Vì sao ư, vì bên này không có Tết, người Việt và người Hoa thì giữ phong tục nên họ cũng đón Giao thừa và nghỉ ngày Mùng 1, thế nhưng phong tục này chỉ duy trì được ở những người lớn tuổi chứ giới trẻ vì bận việc học, việc làm nên họ cũng không có thời gian để tổ chức hay gìn giữ nét văn hóa này. 

Do đó, lần đầu tiên đón Tết xa nhà thì mình rất buồn và nhớ nhà, nhớ bạn bè và thèm cảm giác được ăn chơi nhưng lần 2 lần 3 thì cũng quen dần vì cũng đã tự định trước các công việc cần làm nên cũng chỉ dành một ít thời gian cho Tết”, 8X bồi hồi kể lại cảm xúc trong những lần bất đắc dĩ phải đón Tết xa nhà.

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 5
8X đã có một lần đón Tết tại Việt Nam và ba lần khác phải bất đắc dĩ đón Tết xa nhà kể từ thời điểm quyết định đi du học vào năm 2017

Về việc chuẩn bị một cái Tết xa nhà thì anh Bình cho biết, trong những năm gần đây do quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia khác, trong đó có Australia khá bền chặt do vậy gần như mọi sản vật hàng hóa của Việt Nam đều có mặt tại khắp các chợ cộng đồng người Việt. Cũng chính từ đó nên việc mua sắm Tết đối với kiều bào và du học sinh ở Australia không có gì quá đỗi khó khăn.

Bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu, dưa hành, cà pháo tôm chua, nem chua chả lụa, mứt gừng, mứt dừa, ô mai, rồi cũng mai, đào, cúc, vạn thọ, nói chung tất cả những mặt hàng đặc trưng cho ngày Tết Việt Nam đều  xuất hiện tại Australia. Điều này cũng khiến cho nỗi nhớ khi xa nhà, xa quê hương mỗi độ Tết đến xuân về của các du học sinh cũng vơi đi phần nào. Thậm chí không chỉ xuất hiện các mặt hàng được bày bán sẵn mà còn có rất nhiều dịch vụ thức ăn giao tận nơi như gà cúng, thịt kho tàu, dưa giá, canh khổ qua,... cũng có mặt. 

“Nói chung là mọi thứ cho ngày Tết đều có thể mua sắm được đất nước này, duy một thứ không mua được đó chính là hương vị Tết Việt Nam”, Phúc Bình nói trong nghẹn ngào.

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 6
Phúc Bình cho biết tất cả mọi thứ đặc trưng của ngày Tết Việt đều có thể mua được tại Australia, duy chỉ có hương vị ngày Tết truyền thống là thứ không thể nào mua

Năm đầu tiên phải ăn Tết xa nhà vì COVID-19 của nữ du học sinh Singapore

Bên cạnh những du học sinh phải đón một cái Tết xa nhà thì vẫn còn đó một số du học sinh ở các quốc gia thuộc khu vực Châu Á hay gần hơn là Đông Nam Á, thường xuyên được chào đón khoảnh khắc năm mới bên người thân nhờ vào khoảng cách địa lí tương đối gần, đường bay thuận lợi. 

Điển hình như trường hợp của nữ sinh Trần Thùy Dung (sinh năm 1998, hiện đang học song song hai ngành Kỹ sư Điện tử và Kinh doanh ở Nanyang Technological University, Singapore).

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 7
Sau nhiều năm được đón Tết bên gia đình thì trong dịp Tết Nguyên Đán tới đây, Thùy Dung sẽ phải đón chào thời khắc Giao thừa ở nơi đất khách quê người

Và cũng do khoảnh cách địa lí cùng với giấy tờ thủ tục cũng tương đối dễ dàng nên mặc dù đã sang Singapore từ năm 2013 đến nay, tuy nhiên năm nào Thùy Dung cũng tranh thủ dịp Tết Nguyên Đán để đoàn tụ bên gia đình và người thân. Thế nhưng mọi thứ dường như đảo lộn kể từ năm nay khi dịch COVID-19 khiến việc di chuyển qua lại giữa Việt Nam và các quốc gia khác khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì thế nên dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 này, Thùy Dung phải cảm nhận cái Tết xa gia đình đầu tiên của mình.

Thùy Dung cho biết hiện tại ở Singapore, để về được Việt Nam thì du học sinh phải có sự đồng ý của trường và Bộ giáo dục ở đây, sau đó gửi thư lên Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore mới được mã chấp thuận để đặt vé máy bay trên các “chuyến bay giải cứu”. Về đến Việt Nam lại còn phải cách ly thêm 2 tuần, mà ở đây thì nghỉ Tết Nguyên Đán chỉ được 2 hôm nên dự định của cô nàng là sẽ ở lại đón Tết với bạn bè ngay tại Singapore.

Chia sẻ về những ngày Tết Nguyên Đán sắp tới của Mình, Dung cho biết ở Singapore cũng có có nhiều khu chợ bán hàng Việt nên việc tìm được bánh chưng, giò chả và mứt cũng khá dễ. Hơn thế nữa, do Singapore cũng gần Việt Nam nên bố mẹ cô nàng gửi thức ăn sang cũng mau. 

Tết xa nhà của những du học sinh Việt Nam Ảnh 8
Đây sẽ là năm đầu tiên mà Thùy Dung đón Tết Nguyên đán ở nơi "đất khách"

Mỗi độ Tết Nguyên Đán, Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore cũng hay có những các hoạt động gói bánh để đón Tết, các Hội học sinh Việt Nam ở “đảo quốc sư tử” cũng hay tổ chức ăn uống, gặp mặt nên mình nghĩ thức ăn, đặc biệt là những món truyền thống trên mâm cơm gia đình ngày Tết sẽ không thiếu.

“Năm nay thì mọi người nhà mình cũng hơi buồn khi hay tin mình không thể về được, và mình cũng thế. Nhưng đây là thực trạng chung của mọi người trong đợt COVID-19 này nên mình cũng không quá buồn. Bố mẹ mình hay gọi điện thoại trực tiếp cho mình lắm, ngay cả lúc ăn cũng gọi, thế là cảm giác như ăn với cả nhà đó mà”, Thùy Dung tâm sự khi được hỏi về cảm giác của gia đình và bản thân khi sắp tới đây phải đón Tết xa vòng tay yêu thương của gia đình, người thân, bạn bè.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh - CTV

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất