Học đường

Áp lực học hành online, nữ sinh mắc trầm cảm tự hành hạ cơ thể phải nhập viện tâm thần

Phương Linh
Chia sẻ

Một nữ sinh ở Hà Nội năm nay lên lớp 12, do áp lực học hành, nữ sinh xuất hiện tình trạng tiêu cực, có biểu hiện cáu gắt và tự thực hiện hành vi cắt tay, hành hạ cơ thể.

Thông tin trên Infonet, BS Trần Thị Sáu - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân đến khám ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Theo BS Sáu, đa số các em đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải ở nhà lâu ngày. Trong đó, có trường hợp bị rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng, đến mức tự hành hạ cơ thể mình.

“Một nữ sinh năm nay lên lớp 12 ở Hà Nội đến khám vì có hành vi gây tổn thương trên cơ thể. Cụ thể, nữ sinh này dùng dao cắt tay chảy máu, đáng nói là hành vi này lặp đi lặp lại chứ không phải là lần đầu tiên”, BS Sáu cho hay.

Ảnh minh họa

Trao đổi với tờ Doanh nghiệp & Tiếp thị, BS Sáu cho hay, nữ sinh này đã có biểu hiện lo âu, buồn chán và dùng vật sắc nhọn tự cắt vào tay. Gia đình sau đó đã gọi điện xin ý kiến tư vấn của bác sĩ, và tình trạng của nữ sinh đã được cải thiện.

Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu năm học mới cũng là lúc Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội nên học sinh phải học online. Sau 1 thời gian học online, nữ sinh này tiếp tục xuất hiện tình trạng buồn chán, suy nghĩ tiêu cực… Tiếp đó, nữ sinh xuất hiện các biểu hiện hay cáu gắt và bắt đầu lặp lại hành vi cắt tay, hành hạ cơ thể.

Gia đình sau đó đã đưa nữ sinh đến BV Tâm thần ban ngày Mai Hương thăm khám. Tại bệnh viện, nữ sinh chia sẻ với bác sĩ mỗi khi làm đau bản thân như vậy, em cảm thấy tư tưởng thoải mái hơn.

Trên thực tế, tình trạng của nữ sinh này chỉ là một trường hợp điển hình của trẻ em chịu hậu quả do áp lực dịch bệnh gây ra. 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Đinh Thị Quỳnh Liên (Giáo viên tư vấn tâm lí tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, cô đã lắng nghe khá nhiều tâm sự của các học trò. Có trường hợp cho biết bản thân khó nói chuyện với các thành viên trong nhà; có em buồn do người thân qua đời vì Covid-19, hoặc do ảnh hưởng từ dịch khiến kinh tế sa sút, cha mẹ từ đó trở nên dễ nổi nóng…

Cũng qua đây, nữ giáo viên đưa ra lời khuyên: Những bậc làm cha, làm mẹ cần đặt mình vào vị trí của các con, dành thời gian lắng nghe tiếng lòng và những băn khoăn của con em để sớm tìm ra hướng giải quyết. Trong thực tế, khá nhiều người thấy con bày tỏ sự lo lắng nhưng lại không quan tâm, cho rằng đó là việc nhỏ. Thế nhưng, cần biết rằng, tâm lí của các em rất dễ bị xáo trộn, thậm chí trở nên trầm cảm.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, cộng với việc học online thường xuyên, bố mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, bố mẹ không nên đặt kỳ vọng quá lớn ở con cái, tránh tạo áp lực cho con. Hãy cho con cái một không gian sống và học tập thoải mái nhất để con được phát triển toàn diện. 

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh

Tin mới nhất