Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vay hàng chục triệu cúng 'lợn ba đầu' để mong thoát nghèo

Bất chấp số nợ ngân hàng chưa trả được, các hộ dân người Ca Dong ở Quảng Nam vẫn giữ tập tục bỏ hàng chục triệu đồng để làm lễ cúng, ăn uống trong suốt nhiều ngày nhằm mong thần linh phù hộ mùa màng bội thu, hết bệnh tật…

Ngày đầu tháng 4, không khí tại các bản làng ở xã vùng cao Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) nhộn nhịp hơn hẳn. Đây là mùa những người dân Ca Dong tổ chức lễ cúng “lợn ba đầu” nhằm cầu mong mùa màng bội thu, gia đình gặp nhiều may mắn, hết bệnh tật…

Trong căn nhà bằng ván lụp xụp, ông Nguyễn Văn Cường (47 tuổi) hối hả chuẩn bị những vật dụng cho ngày lễ sắp đến. “Nó cũng như đâm trâu vậy. Cúng lợn ba đầu ngoài cầu may mắn còn để thể hiện sự giàu có nữa. Ở đây không phải nhà nào muốn cũng làm lễ được”, ông Cường hồ hởi khoe. Căn nhà người đàn ông Ca Dong này dường như trống hoác, chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài hàng chục ché rượu và 3 con lợn mới mua để chuẩn bị làm lễ cúng.

Bản làng với những căn nhà lụp xụp của người Ca Dong chênh vênh trên ngọn núi.

Bản làng với những căn nhà lụp xụp của người Ca Dong chênh vênh trên ngọn núi.

Những người già ở đây không lý giải được ý nghĩa của việc cúng “lợn ba đầu”, họ gọi đây là phong tục và truyền từ đời này qua đời khác. Ngôi làng nơi ông Cường ở chỉ vỏn vẹn hơn 20 hộ sinh sống giữa lưng chừng núi, nhưng năm nay có đến 5 hộ tổ chức lễ này.

Lễ thường diễn ra vào tháng 4, khi người dân bắt đầu mùa rẫy mới. Trong buổi lễ, ngoài 3 con lợn để chặt lấy đầu làm lễ cúng, gia chủ phải chuẩn bị hàng trăm lít rượu cần, gà, vịt… để toàn bộ dân trong bản và họ hàng xa đến ăn uống trong 4 ngày. Xong màn cúng bái là chuỗi ngày ăn uống, hát hò. Sau khi ăn lễ ở nhà này sẽ đến lượt nhà khác làm lễ để khỏi trùng ngày.

“Vào những ngày lễ, dân làng ở đây chẳng phải nấu cơm. Cứ nhà nào tổ chức cúng lợn ba đầu là đến ăn uống no say. Uống thâu đêm suốt sáng rồi hát hò, rất vui”, Hồ Văn Tĩnh (19 tuổi) cười nói. Mỗi lần tổ chức lễ này, gia chủ tốn khoảng 20 triệu đồng.

Ông Cường vốn đang là cán bộ thôn. Mặc dù đang nợ ngân hàng 30 triệu chưa trả được nhưng ông vẫn bỏ 20 triệu đồng để làm lễ cúng.

Ông Cường vốn đang là cán bộ thôn. Mặc dù đang nợ ngân hàng 30 triệu chưa trả được nhưng ông vẫn bỏ 20 triệu đồng để làm lễ cúng.

Theo ông Cường, gia đình ông thuộc diện cận nghèo. So với nhiều hàng xóm thì cận nghèo vẫn thuộc hàng “đại gia” bởi ở xã Trà Vinh này có đến 80% là hộ nghèo, phải nhận hỗ trợ từ nhà nước. Giống nhiều hộ dân khác, gia đình ông Cường đang nợ ngân hàng 30 triệu đồng suốt nhiều năm nay chưa trả được. Tuy nhiên, ông Cường nói rằng, việc nợ nần không phải chuyện lớn.

“Phải cúng để xua đuổi cái đen đủi trong nhà đi. Cả gia đình không đau ốm rồi mùa màng cũng bội thu. Lúc đó có tiền thì muốn trả ngân hàng đâu có khó”, ông Cường cho hay. Đây là lần đầu tiên ông Cường tổ chức cúng “lợn ba đầu”. Để có số tiền 20 triệu làm lễ cúng, gia đình ông Cường đã phải dành dụm suốt nhiều năm. Tuy nhiên, người đàn ông đang là cán bộ thôn này cho hay, trong buổi lễ sẽ còn nhiều chi phí phát sinh khác. Số tiền đó ông sẽ đi vay mượn, miễn là dân làng được ăn uống no say.

Khác với ông Cường, gia đình Hồ Văn Kiến (36 tuổi) đã hơn 10 lần tổ chức lễ cúng “lợn ba đầu”, nhưng vẫn chưa thấy may mắn, cái nghèo vẫn bám riết. Lần này, Kiến đang nợ ngân hàng 24 triệu nhưng vẫn quyết phải cúng để cầu may mắn và hơn hết là thể hiện mình giàu có. Kiến và nhiều người cho rằng, gia đình nào càng nhiều lần làm lễ cúng thì quyền lực trong làng cũng tăng lên.

“Hai ngày nữa là nhà mình làm lễ. Bất kỳ ai, không kể quen biết hay họ hàng đều đến ăn uống được. Khách đến thoải mái, chẳng phải mang quà cáp gì đâu”, anh Kiến nói và cho hay số tiền gần 20 triệu để làm lễ lần này đã tích góp nhiều năm.

Trong căn nhà trống hoác của ông Cường, giá trị nhất là những ché rượu đã chuẩn bị sẵn cho ngày lễ. Mỗi vỏ ché được ông Cường mua hơn 300.000 đồng sau đó về chế rượu.

Trong căn nhà trống hoác của ông Cường, giá trị nhất là những ché rượu đã chuẩn bị sẵn cho ngày lễ. Mỗi vỏ ché được ông Cường mua hơn 300.000 đồng sau đó về chế rượu.

Theo lãnh đạo xã Trà Vinh, mỗi năm đồng bào Ca Dong có 4 lễ lớn. Ngoài cúng “lợn ba đầu” còn có Tết mừng lúa mới, cúng máng nước và ăn lúa thừa. Mỗi lần lễ diễn ra, người dân ăn uống say sưa trong suốt thời gian dài. Ngoài ra, trong năm còn có đám tang, cưới hỏi, người dân tổ chức ăn uống linh đình suốt nhiều ngày.

“Chỉ riêng tục cúng lợn ba đầu, mỗi năm toàn xã tốn hơn 100 con lợn, chưa kể các gia cầm bị giết để phục vụ dân làng. Cán bộ xã nhiều lần tuyên truyền nhưng dường như không tác dụng”, một cán bộ xã nói.

Người Ca Dong với gần 30.000 nhân khẩu, được xem là một nhánh của dân tộc Xê Đăng. Họ sống chủ yếu ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My của Quảng Nam. Không giống người Xê Đăng sống trên đỉnh núi cao chót vót, những bản làng Ca Dong thường được dựng ở lưng chừng hoặc dưới chân núi.

Do không được xếp vào danh sách 54 dân tộc, nhiều năm nay các già làng Ca Dong thường tìm đủ mọi cách để chứng minh bản sắc. Họ chứng minh sự khác biệt giữa văn hóa, ngôn ngữ, tập quán của cộng đồng Ca Dong đối với người Xê Đăng để mong được công nhận là một dân tộc riêng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Tin mới nhất