Sắc màu Cuộc Sống

Tình người trong cơn lũ

Ngô Bá Lục
Chia sẻ

Mảnh đất miền Trung lại đang oằn mình trong cơn lũ lụt khủng khiếp, và chuẩn bị chống chọi với cơn bão lớn đang tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Lúc này, cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung, cùng chia sẻ yêu thương, đùm bọc.

Tôi lại nhớ về bài thơ Miền Trung của nhà thơ Hoàng Trần Cương, có đoạn:

Miền Trung

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người…

Đúng vậy, dải đất miền Trung, cây cỏ thì “nghèo” mà sao “giàu” bão lụt đến thế! Năm nào bão lụt cũng đổ bộ về đây, năm nào cũng thiệt hại, năm nào cũng có người chết, năm nào cũng bao nhiêu gia đình mất nhà cửa, của cải tan tành theo cơn lũ. Thật xót xa!

Miền Trung là thế! Nằm ở vùng đất “đặc biệt”, nơi được coi là “rốn bão”, người dân cũng đã quen với hình thái địa lý này, quen với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, đã có nhiều sáng kiến để “sống chung với bão, lũ” - nhưng có bao giờ là đủ, bởi sự cuồng nộ của thiên nhiên, có lẽ là sức mạnh không có gì ngăn cản nổi!

Miền Trung được coi là vùng "rốn bão" của cả nước. Dải đất nhỏ hẹp này thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Miền Trung được coi là vùng “rốn bão” của cả nước. Dải đất nhỏ hẹp này thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Và vì thế, mảnh đất “miền Trung mỏng và sắc như cật nứa” ấy luôn phải oằn mình chịu đựng những cú vụt thẳng tay của “Mẹ thiên nhiên”, xác xơ, hoang tàn sau mỗi trận cuồng phong. Nhìn hình ảnh cả một vùng mênh mông nước ngập nóc nhà, những người già, trẻ nhỏ phải dỡ ngói trèo lên mái nhà tránh nước, những con lợn, con trâu, con bò chết trương vì gia đình không kịp chạy lũ trong đêm tối,… ai cũng thấy xót xa.

Bên cạnh hành động kịp thời của Chính phủ trong việc chỉ đạo khắc phục thiệt hại sau bão lũ, những tấm lòng của người dân cả nước chắc chắn sẽ làm ấm lòng những người con miền Trung đang gặp nạn. Hàng loạt tổ chức xã hội và cá nhân đã lên tiếng kêu gọi quyên góp, giúp đỡ bằng tiền và hiện vật để ủng hộ đồng bào miền Trung.

Tối hôm qua tôi đọc được thông tin, MC Phan Anh cùng gia đình đã ngay lập tức chuyển 500 triệu tiền mặt ủng hộ đồng bào miền Trung.

3

Trên trang cá nhân, MC Phan Anh kêu gọi cộng đồng ủng hộ bà con vùng “rốn lũ” miền Trung.

Tôi cũng đọc được thông tin ca sỹ Hồ Ngọc Hà đã xin huỷ sô diễn (và được Ban tổ chức đồng ý) để về Quảng Bình - quê hương của cô, hỗ trợ đồng bào bão lụt.

Rồi Hoa hậu hoàn vũ Phạm Hương cũng kêu gọi mọi người cùng với FC của mình quyên góp để ủng hộ bà con đang phải oằn mình chống lũ.

Và rồi Tuấn Hưng, một trong những ca sỹ liên tục làm từ thiện, cũng đã hoãn chuyến đi vùng cao, ưu tiên miền Trung trước, để kịp thời sẻ chia, giúp đỡ bù lại phần nào những mất mát mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu.

Lần này, Tuấn Hưng tiếp tục kêu gọi bạn bè ủng hộ miền Trung bão lũ.

Lần này, Tuấn Hưng tiếp tục kêu gọi bạn bè ủng hộ miền Trung bão lũ.

Bên cạnh đó, những nghệ sỹ như Phương Thanh, Đại Nghĩa, Phạm Trần Thanh Duy,… và nhiều nghệ sỹ khác cũng đã lên tiếng, để chia sẻ và kêu gọi sự chung tay đóng góp của mọi người, hướng về miền Trung ruột thịt.

Trên mạng xã hội, có nhiều, rất nhiều những cá nhân, nhóm bạn trẻ đã tổ chức quyên góp để ủng hộ bà con. Họ gom sự ủng hộ của mọi người rồi vào tận rốn lũ miền Trung tiếp sức cho những người dân nơi đây. Quả thật, nhìn những dòng chia sẻ trên mạng, những hình ảnh mọi người khắp nơi hối hả quyên góp,…ai cũng thấy ấm lòng. Và tôi tin, những người dân miền Trung dù còn khốn khó, thiếu thốn trăm bề sau cơn bão lũ nhưng cũng sẽ cảm nhận được tình yêu thương, đùm bọc của cộng đồng; để thấy mình không đơn độc, để có thể mạnh mẽ hơn để tiếp tục chống chọi với những tháng ngày gian khó phía trước.

Bất giác, tôi lại nhớ tới những cái tượng đài ngàn tỉ, những công trình quảng trường, cổng chào,… đồ sộ và vô cùng tốn kém tiền của, cho dù đó là tiền ngân sách nhà nước, hay huy động từ các nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Tôi thấy thật xót xa! Mặc dù việc nào ra việc ấy, những công trình tượng đài nên có, để ghi nhớ công ơn và nhắc nhở thế hệ sau biết ơn thế hệ trước; Những cổng chào dựng lên thể hiện thẩm mỹ và tầm vóc của một địa phương nào đó, nâng tầm vị thế để thu hút đầu tư cũng như khách du lịch,… Nhưng, tôi cứ ước ao, giá như những công trình ấy được thiết kế làm sao cho “vừa phải”, tiết kiệm tối đa chi phí để hiệu quả sử dụng tối ưu thì tốt biết mấy. Chúng ta sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ, bổ sung vào những quỹ phòng chống thiên tai của Chính phủ, hoặc chuyển đến các quỹ bảo trợ của các tổ chức xã hội thì tốt biết mấy, thiết thực biết mấy và nhân văn biết mấy!

Cổng chào Quảng Ninh - công trình được đầu tư nghìn tỷ liệu đã phù hợp với mức sống của người dân?

Cổng chào Quảng Ninh - công trình được đầu tư nghìn tỉ liệu đã phù hợp với mức sống của người dân?

Nhưng đấy là “giá như”, là “ước ao” của tôi thôi. Còn hiện tại, tôi cũng vẫn đang cùng rất nhiều bạn trẻ trên mạng, hay các tổ chức, cá nhân trong xã hội lên tiếng, kêu gọi hoặc tham gia quyên góp, ủng hộ bà con miền Trung, dù chỉ là 50 ngàn đồng, hay một thùng mì gói, hoặc một bộ sách giao khoa còn mới,… đều có ích cho những người dân khốn khó hiện vẫn đang đêm ngày chống chọi với thiên nhiên.

Xin được mượn đoạn cuối của bài thơ Miền Trung (Hoàng Trần Cương) như một lời chia sẻ, đến với không chỉ những người dân vùng bão lụt, mà cả những người con xa xứ, hãy trở về miền Trung, lúc này:

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về

Đừng để mẹ già mong….

Ca khúc Thương ơi điệu ví (Nhạc Lê An Tuyên, ca sỹ: Thành Lê)

Chia sẻ

Bài viết

Ngô Bá Lục

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất