Sắc màu Cuộc Sống

Tiệm tạp hóa 'siêu cổ điển' của cụ bà gần 90 tuổi đang được 'săn lùng' vì chứa cả 'bầu trời' tuổi thơ

Long Quyền
Chia sẻ

“Giờ già rồi, các con không cho bán hàng nữa đâu nhưng tiếc vẫn giữ lại bán. Bán hàng thì có người đến chơi, các cháu đến mua hàng cho vui cửa, vui nhà. Nó cũng là những kỷ niệm suốt bao nhiêu năm buôn bán nên không muốn bỏ đi”, cụ Bùi Thị Tâm (88 tuổi), hơn 60 năm bán tạp hóa chia sẻ.

Những ngày gần đây, nhiều cư dân mạng tỏ ra vô cùng thích thú săn lùng tiệm tạp hóa của cụ Bùi Thị Tâm. Mọi người săn lùng không phải vì tiệm tạp hoá ấy sang chảnh, hào nhoáng, tráng lệ mà vì sự cổ kính, giản dị, đơn sơ còn nguyên vẹn, hệt như những năm tháng thời kỳ bao cấp.

Tiệm tạp hóa "siêu cổ điển" của cụ Tâm.

Chính những nét đơn sơ, giản dị ấy khiến nhiều người nhớ đến ký ức tươi đẹp của tuổi thơ. Thời điểm mà tiệm tạp hóa như chứa đựng cả thế giới của con trẻ.

Tiệm tạp hóa “siêu cổ điển” hơn 60 năm của cụ bà 88 tuổi

Tìm về làng Chản, (xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) khi hỏi đến tiệm tạp hóa cụ Tâm thì ai ai cũng biết. Đối với nhiều người nơi đây, tiệm tạp hóa đặc biệt ấy như một miền ký ức của nhiều thế hệ. Nhiều người trẻ tuổi hiện nay vẫn tìm đến đây để check-in, chụp hình tìm lại những kỷ niệm trong ký ức một thời thơ ấu.

Tiệm tạp hóa còn giữ được những nét cổ điển nguyên sơ như mấy chục năm trước đây.

Trong nhà, cụ Tâm đang lụi hụi sắp xếp lại những đồ đạc trong tủ hàng bày bán. Thấy có khách đến, cụ nở nụ cười hiền hậu chào đón rồi mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà cụ Tâm đang sống là nhà của con trai út, người con đi làm xa nên cụ ở trông nhà cho con và bán tiệm tạp hóa.

Dù sống ở nhà con trai nhưng cụ Tâm lại thích ăn ở riêng, không ăn chung với các con: “Tôi thích ở riêng vì tôi già rồi, ăn uống nhiều khi không hợp lớp trẻ. Tôi thích ở một mình ăn lúc nào thì ăn, chơi đâu thì chơi, ngủ lúc nào thì ngủ, dậy lúc nào thì dậy, không vướng bận đến ai là thoải mái nhất. Các con lúc nào cũng muốn chăm sóc nhưng mình thích sống như thế cho tự do, thoải mái”, cụ Tâm chia sẻ.

Cụ Tâm tự tay đóng những vật dụng cần thiết để bán hàng.
Cụ không muốn cải tạo hay đổi mới điều gì vì nơi đây chứa nhiều kỷ niệm theo năm tháng.

Thời còn trẻ, khi mới đôi mươi, cụ Tâm buôn bán đủ nghề để kiếm thu nhập. Từ những mặt hàng rau củ quả đến những gánh bánh đúc, bánh giò cụ đều đã từng bươn chải.

Buôn bán khắp nơi đến khi chồng mất, cụ Tâm chuyển qua mở quán bán tạp hóa, bán nước và bia rượu: “Hồi ấy, bán bia rượu thanh niên họ đến ăn nhậu say xỉn rồi đánh chửi nhau nhiều quá nên các con tôi không cho bán nữa. Từ đó tôi chỉ bán tạp hóa, bán nước cho đến bây giờ”, cụ Tâm kể.

Quầy bán tạp hoá vô cùng đơn giản, bình dị của cụ Tâm.
Hồi còn trẻ, cụ Tâm cũng buôn bán đủ mọi mặt hàng.

Suốt hơn 60 năm gắn liền với tiệm tạp hóa, cụ Tâm coi công việc này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống: “Giờ già rồi, các con không cho bán hàng nữa đâu nhưng tiếc vẫn giữ lại bán. Bán hàng thì có người đến chơi, các cháu đến mua hàng cho vui cửa, vui nhà.

Mình cũng vì thế mà thấy khoẻ hơn, cứ ngồi một chỗ buồn chán với cả việc bán hàng này cũng chứa nhiều kỷ niệm của tôi lắm. Nó cũng là những kỷ niệm suốt bao nhiêu năm buôn bán nên không muốn bỏ đi”.

Cụ Tâm là một người vô cùng vui vẻ, hoà đồng và yêu đời.

Đã từng một thời làm “bà trùm tạp hoá” trong khu vực bởi sự độc quyền, uy tín nhưng giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, cụ Tâm chỉ còn bán các mặt hàng như gói chè, gói thuốc lá, bánh kẹo cho các cháu nhỏ.

“Trước đây chỉ có một mình tôi bán trong vùng nên đắt khách lắm, giờ nhiều người bán rồi mình không còn cạnh tranh các mặt hàng hiện đại bắt kịp thời đại được. Giờ chủ yếu bán chè, bán thuốc lá là chính còn bánh kẹo cho các cháu chúng nó cũng không thích nữa rồi vì mình toàn đồ cổ điển”, cụ Tâm cười nói.

“Tôi sẽ giữ tiệm như vậy và bán cho đến khi không còn đi được nữa”

Suốt hàng chục năm buôn bán, cụ Tâm vẫn giữ nguyên vẹn tiệm tạp hóa của mình như những ngày đầu. Mọi thứ vẫn giản dị, cũ mèm. Cụ Tâm bảo không muốn cải tạo, xây mới hay mua thùng hàng mới vì nơi đây, những vật dụng đều chứa nhiều kỷ niệm không muốn từ bỏ.

Việc bán tạp hoá giúp cụ cảm thấy vui vẻ, khoẻ mạnh hơn mà đem lại một nguồn thu nhập nho nhỏ cho riêng cụ ở tuổi già.
Cụ Tâm "khoe" mặt hàng mạnh nhất hiện tại của cụ là chè và thuốc lá.

“Tôi cứ thế này tôi bán hàng thôi chứ không cải tạo nũa, giờ già rồi. Hết hàng thì gọi điện người ta mang đến chứ tôi có đi đâu được nữa đâu”, cụ Tâm nói.

Bán tạp hóa hàng chục năm nên cụ Tâm cũng có nhiều kỷ niệm. Nhiều khi khách hàng mua chịu xong quên không trả tiền, có người cố tình quỵt tiền không trả. Với những lần như vậy, cụ Tâm chỉ ngậm ngùi cho qua chứ không muốn hơn thua vì số tiền cũng không lớn.

“Nhiều khi người ta có cây thuốc lá không dùng hay những nhà có công việc đám cưới không dùng hết đồ đạc còn mới thì cũng nhờ mình bán hộ. Tình làng nghĩa xóm nên tôi bán hộ hết chứ không suy nghĩ gì cả. Mình làm sao cứ vui vẻ là chính thôi”, cụ Tâm chia sẻ.

Cụ Tâm cho rằng sẽ giữ "cửa hàng" tạp hoá này và bán hàng cho đến khi không còn đi được nữa.

Giờ đây, dù không cạnh tranh được với các tiệm tạp hóa lớn nhưng cụ Tâm vẫn tự tin về các sản phẩm chè, thuốc lá của mình: “Chè, thuốc tôi vẫn bán mạnh lắm, các quán hiện đại bây giờ người ta cũng có nhưng vì tôi bán hàng tôi chỉ lấy lãi ít thôi, bán hàng tốt, bán chè ngon, giá mềm nên người ta vẫn hay quay lại mua của tôi.

Giờ chỉ hay bị ế các bánh kẹo cho các cháu nhỏ vì giờ quán to họ nhập các kẹo thời hiện đại, các loại kẹo mới mẻ nên các cháu sẽ thích hơn. Mình chỉ bán kẹo truyền thống bim bim kẹo mút cổ điển”, cụ Tâm cười nói.

Giờ đây, nhiều người vẫn thường đến tiệm tạp hóa của cụ Tâm để mua đồ rồi chụp ảnh. Ai cũng mong “lục tìm” lại những ký ức tuổi thơ bên tiệm tạp hóa cổ điển.

Chia sẻ

Bài viết

Long Quyền

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất