Hay tin thành phố Hà Nội sẽ giải tỏa khu đất ở ngõ 61 phố Đinh Tiên Hoàng, ngay bờ hồ Gươm, hàng chục hộ dân trong ngõ buồn vui lẫn lộn. Cuộc sống hiện tại của họ tuy ở trên đất “kim cương”, một bước ra trung tâm, 2 bước tới cơ quan, bệnh viện, dù vậy cũng đối mặt không ít bất tiện khiến người muốn được ở mãi, kẻ mong sớm được chuyển đi.

Nghiễm nhiên mang “danh” người phố cổ, ở nơi đắc địa chỉ cần đun một ấm nước mang ra đầu ngõ bán cũng đủ nuôi cả nhà, nhưng sự chật chội, ngột ngạt khiến nhiều người nói rằng khó thở. Trong ngõ, nhà cửa san sát, có những người không gian riêng chỉ vài mét vuông, sáng ra nhiều người vẫn phải xếp hàng dùng chung nhà vệ sinh công cộng.
Lối đi là khoảng không nhỏ nhoi trong ngõ mà ánh nắng có thể rọi xuống mặt đất cũng bị mỗi người chiếm dụng một tý đặt cái này, bày cái nọ. Có người còn tận dụng những đường dây điện ngang dọc qua ngõ để làm mắc phơi quần áo, khiến không gian càng thêm nhếch nhác.
Được mất khi rời đất “kim cương”
Trò chuyện với phóng viên, bà Nga (53 tuổi) không giấu được buồn, mắt đỏ hoe. Bà sinh ra ở cạnh hồ Gươm, vẫn nhớ như in hình ảnh hồi bé cùng đám bạn đuổi nhau dưới những gốc hoa sữa. Lớn lên, bà Nga lại đi làm ngay cạnh nhà, vì vậy mà hầu như câu chuyện cuộc đời của bà mọi chi tiết đều gắn liền với tháp rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc.
Bà Nga nói rằng sinh ra ở đây, nghiễm nhiên được mang danh “người Tràng An, dân phố cổ”. Cái danh đó không sinh ra lợi, nhưng khiến những người như bà rất tự hào, vô cùng trân trọng.

Làm dân phố cổ quá nửa cuộc đời, bà Nga đã quen cảnh ba thế hệ, gần chục con người cùng sống trong căn nhà chỉ vài chục mét vuông. Với bà, thay đổi thì tốt, còn không thay đổi thì vẫn vậy, sinh ra đã thế nên chẳng cần thích nghi.
Khi nghe chủ trương cua thành phố sẽ di dời những người trong ngõ sang Đông Anh tái định cư, bà Nga buồn, lo lắng và tiếc lắm. Dù biết đến nơi ở mới không gian sẽ thoáng đãng, không khí trong lành hơn, cuộc sống nhẹ nhàng hơn, nhưng bà Nga lo việc mình sẽ đi làm xa, con cái đi học xa, gặp nhiều bất tiện. Hơn nữa, bà biết khi rời khỏi bờ hồ Gươm, con cháu mình sẽ mất đi niềm tự hào là người phố cổ.
“Đồng thuận, ủng hộ chủ trương cải tạo không gian ven hồ Gươm của thành phố. Nhưng tiếc lắm, cả tháng nay tôi bồi hồi không ngủ được khi nghĩ việc con cháu mình sau này không còn là người Hà Nội gốc. Mấy ngày gần đây, tôi đã cố gắng quay phim lại tất cả những khoảng khắc cuộc sống gắn với mảnh đất này, để lưu giữ lại kỷ niệm”, bà Nga có nhà cạnh hồ Gươm chia sẻ.
Cùng sống trong ngõ 61 phố Đinh Tiên Hoàng, bà Oanh (56 tuổi) chẳng mặn mà gì với mảnh đất này, đi cũng được, mà ở cũng được. Bà Oanh là người nơi khác, về làm dâu phố cổ từ năm 1989.

Gần 40 năm qua, 4 thành viên gia đình bà Oanh chen nhau trong căn nhà bé như hộp diêm quanh năm khó thấy mặt trời. Căn nhà có gác lửng, nhưng để tiết kiệm đất chồng bà Oanh không làm cầu thang mà chỉ chuẩn bị chiếc thang rời, ai có nhu cầu lên xuống thì để thang, không lại cất cho rộng nhà.
Như nhiều người trong ngõ, vợ chồng bà Oanh kiếm sống bằng nhiều nghề, bán trà đá, hàng rong, đồ lưu niệm. Nhà gần bờ hồ, khách đông, nên làm gì gia đình cũng đủ sống.
Nói về chủ trương cải tạo khu vực bờ hồ Gươm, bà Oanh ủng hộ. Cũng như bà Nga, bà Oanh tin nơi ở mới sẽ rộng rãi, trong lành hơn. Nhưng cũng như nhiều người trong ngõ, bà Oanh chung nỗi sợ nơi mới liệu có dễ kiếm tiền như ở cạnh bờ hồ.

“Nơi đây đã quá chật chội rồi, không thể mãi thế được. Tôi tin thay đổi sẽ tốt hơn, chỉ trăn trở sinh kế ở nơi sắp đến. Mong rằng chính quyền thành phố sẽ có phương án hỗ trợ việc làm hợp lý”, bà Oanh bộc bạch.
Mong chờ việc di dời được triển khai sớm
Bà Hằng (83 tuổi) bước từng bước cẩn thận trên lối hành lang hẹp bằng gỗ dẫn vào nhà. Không phải vì chân bà yếu, mà vì hành lang yếu đã sập một lần, ai đi qua cũng phải nhẹ chân. Không riêng hành lang mà cả ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng, ai cũng lo lắng, nhưng không ai sửa sang được gì.

“Sàn nhà mình là trần nhà khác, vách nhà mình cũng là vách nhà hàng xóm, nên muốn làm gì cũng khó”, bà Hằng chia sẻ.
Là hàng xóm với bà Nga, bà Oanh, ở mảnh đất này còn lâu hơn hầu hết những người đang sống trong ngõ, nhưng bà Hằng không nhiều lưu luyến. Theo bà Hằng, mảnh đất này đã quá chật chội, ngột ngạt, người trẻ có thể chịu đựng để kiếm tiền, còn với người già cuộc sống ở đây từ lâu đã không phù hợp. Nhất là những ngày cuối tuần, bà rất muốn được yên tĩnh, thư giãn nhưng phố đi bộ lại luôn ồn ào, sôi động.
Bà Hằng cho biết, vợ chồng bà vốn không phải người phố cổ mà là viên chức công tác gần hồ Gươm. Năm 1958, gia đình bà được thành phố cho thuê nhà tập thể chính là nơi bà đang ở. Năm 2001, thành phố Hà Nội thanh lý khu tập thể, bà Hằng mua lại căn nhà với giá 9 triệu đồng, diện tích 27 m2, nằm ở tầng 2.
Sau mấy chục năm phải xếp hàng mỗi sáng để đánh răng, xách nước và đi vệ sinh, gần đây bà Hằng mới mua được căn hộ 13 m2 ngay bên dưới căn hộ của mình. Bà cải tạo mặt bằng mới thành khu bếp và vệ sinh khép kín, một lối cầu thang dốc đứng nối 2 tầng nhà.
“Là khách nhưng ở đây đã nhiều năm, tất nhiên có sự thân thương, luyến tiếc. Dù vậy, tôi vẫn mong chủ trương cải tạo sớm triển khai, chỉ cần chính quyền sắp xếp nơi ở mới hợp lý, đền bù thỏa đáng.

Bà Thanh (70 tuổi) là chủ nhân đời thứ 5 của mảnh đất hiếm hoi có khoảng sân trong ngõ 61 phố Đinh Tiên Hoàng. Ngôi nhà của bà Thanh cũng thuộc diện bề thế nhất, rộng 60 m2.
Dù vậy, bà Thanh nói rằng vẫn thấy rất vui khi hay tin chính quyền sẽ giải phóng mặt bằng toàn bộ con ngõ. Bà Thanh đang mưu sinh bằng việc bán trà đá, người phụ nữ mong vẫn sẽ giữ được nghề khi chuyển sang Đông Anh sinh sống.
"Tôi ủng hộ chủ trương của thành phố, chỉ cần được bồi thường xứng đáng và đảm bảo cuộc sống", bà Thanh nói.
Tháng 3 vừa rồi, thành phố Hà Nội công bố chủ trương cải tạo phía đông hồ Gươm, di dời 40 hộ dân trên diện tích 2,1 ha, trong đó có những gia đình sống trong ngõ 61 Đinh Tiên Hoàng.
Thành phố sẽ áp dụng chính sách đền bù cao nhất đối với các hộ dân nằm trong bị ảnh hưởng bởi dự án. Các hộ đủ điều kiện sẽ được bố trí đất tái định cư ở huyện Đông Anh. Các hộ không được tái định cư bằng đất sẽ được ưu đãi mua nhà tái định cư.