Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha

Hằng năm, cứ đến lễ Vu Lan, những người con lại có dịp thể hiện lòng thành kính đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đây cũng được xem là ngày lễ đặc biệt, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Nghĩ về công sinh thành của cha mẹ, con trực trào nước mắt

Với mỗi người, còn cha còn mẹ trên cuộc đời này là điều hạnh phúc không gì sánh bằng. Cha mẹ không chỉ là người sinh ra chúng ta, mà còn là những người đã dành trọn tâm huyết để nuôi dưỡng và giáo dục chúng ta từ khi còn nhỏ. Do đó, lòng hiếu thảo không chỉ là một trách nhiệm, mà là một cách chúng ta thể hiện sự biết ơn và trân trọng đối với công lao đó.

Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm cũng dịp Vu Lan báo hiếu lại về, đây là lúc gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân - Thiện - Mỹ và về với đạo của người làm con.

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 1
Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 2
Hàng ngàn người dân có mặt tại lễ Vu Lan tổ chức ở chùa Kim Sơn Lạc Hồng - Lạc Hồng Viên (xã Mông Hoá, TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình).

Có mặt tại lễ Vu Lan được tổ chức ở chùa Kim Sơn Lạc Hồng - Lạc Hồng Viên (xã Mông Hoá, TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình) tối ngày 16/8 (tức ngày 13/7 âm lịch), hàng trăm tăng ni, phật tử, người dân đã không giấu được niềm xúc động.

Đôi mắt đỏ hoe cùng nỗi nghẹn ngào khi nhắc về mẹ cha, bà Dương Thị Nhượng (60 tuổi, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy bà cùng nhiều phật tử đã vượt quãng đường hàng trăm km từ Hà Nội lên chùa Kim Sơn Lạc Hồng dự lễ Vu Lan báo hiếu.

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 3
Đôi mắt đỏ hoe, bà Dương Thị Nhượng không ngừng xúc động khi nghĩ về ơn sinh thành của mẹ cha 

Cách đây 1 năm, cha bà Nhượng qua đời vì tuổi cao sức yếu. Hiện mẹ già 80 tuổi anh em trong gia đình bà cùng nhau chăm sóc. Nhắc về người mẹ tảo tần, bà Nhượng bật khóc nức nở: "Cha tôi mất rồi, giờ tôi chỉ còn mẹ nên phải quan tâm đến bà nhiều hơn. Tôi chỉ mong mẹ luôn khỏe mạnh bên cạnh con cháu, mong con cháu sau này cũng hiếu thuận với cha mẹ, tổ tiên".

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 4
Chị Kim Oanh rơi nước mắt khi nghĩ về cha mẹ

Cùng chung cảm xúc, chị Từ Kim Oanh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng liên tục rơi nước mắt trong lễ Vu Lan báo hiếu. Không được may mắn như nhiều gia đình khác, bố mẹ ruột và bố mẹ chồng chị Oanh đều đã qua đời. Chưa nguôi ngoai được nỗi mất mát người thân, cứ dịp cuối tuần, lễ Tết, chị Oanh đều cùng mọi người lên nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ cha mẹ, tổ tiên.

"Tôi rất xúc động nhớ công ơn cha mẹ nuôi dạy mình. Cha mẹ mất tôi chưa thể báo đáp được công ơn dưỡng dục, sinh thành", chị Oanh khóc.

"Bông hồng cài áo" mùa Vu Lan - chữ Hiếu con gửi đến bậc sinh thành

Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, lễ Vu lan đối với Phật giáo Việt Nam là một ngày lễ trọng đại. Trên thế gian này không có ơn nào quý báu cao cả hơn ơn cha mẹ. Mỗi người, muốn trở thành con người đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo.

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 5
"Trên thế gian này không có ơn nào quý báu cao cả hơn ơn cha mẹ"

Cũng theo Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu này, tại các cơ sở tự viện thường được tổ chức với các hoạt động như Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sỹ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức "Bông hồng cài áo" tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 6
Nhiều hoạt động tại lễ Vu Lan diễn ra ở chùa Kim Sơn Lạc Hồng.

Trong các hoạt động kể trên, "Bông hồng cài áo" chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 7
"Bông hồng cài áo" là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu

Với ý nghĩa đó, những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ mùa Vu Lan.

Tháng 7 mùa Vu Lan, con trực trào nước mắt nhớ về công ơn mẹ cha Ảnh 8
Con cài lên ngực cha bông hồng, bày tỏ lòng biết ơn đến công ơn sinh thành

"Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già", trích lời khuyên răn Đại đức Thích Trí Thịnh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Linh

Được quan tâm

Tin mới nhất