Sắc màu Cuộc Sống

Nghẹn lòng trước câu hỏi ngô nghê của con gái liệt sĩ hy sinh trên đường đi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Ngày liệt sĩ Trương Anh Quốc được đưa về nhà, 2 đứa con còn quá nhỏ và non nớt để thấu cảm được nỗi đau. Cô con gái lớn đến bên quan tài vô tư hỏi: "Sao ba không sống lại với con, ba sống lại chơi với con đi". Khoảnh khắc ấy, những người chứng kiến như chết lặng, chẳng ai trong tang lễ cầm lòng được trước câu hỏi ngô nghê của cô bé 4 tuổi.

Đã nhiều ngày qua đi nhưng vụ việc 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đường đi cứu hộ thuỷ điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn khiến bao người nặng lòng, đau xót bởi mất mát này quá đỗi lớn lao. Cuộc sống bình yên ngày nào bỗng chốc bị đảo lộn, nhiều gia đình lâm vào cảnh chia ly, tang tóc. 

'Sao ba không sống lại với con'

Là một trong những "góa phụ Rào Trăng 3", chị Ngô Thị Thanh Nhàn (32 tuổi; giáo viên cấp 3, giảng dạy môn Toán) - vợ liệt sĩ Đại úy Trương Anh Quốc, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần nén nỗi đau, chu toàn tang lễ cho chồng, vững lòng hơn nữa sau biến cố để nuôi nấng chăm sóc 2 đứa trẻ thơ dại. 

Theo chị Nhàn, những ngày Huế bị lũ lụt, anh Quốc phải trực ở cơ quan 100% thời gian, vợ chồng anh chị đành tranh thủ thời gian để gọi điện hỏi thăm tình hình, dặn dò, động viên nhau. 

Chị Nhàn cùng cô con gái út mới 1,5 tuổi

Trưa 12/10, anh Quốc gọi điện cho chị Nhàn thông báo về việc đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, thế nhưng, đến tối cùng ngày, chị Nhàn đã không có cách nào để liên lạc được với chồng. 

"Gọi điện mãi mà chẳng thấy anh bắt máy, tôi lo lắng nhưng vẫn tự trấn an do thời tiết nên điện thoại không có sóng hoặc có thể máy anh hết pin. Sáng ngày 13/10, cả gia đình nháo nhào gọi điện cho anh nhưng vẫn không được, lên mạng thì đọc được mấy mẫu tin về Đoàn công tác bị đất sạt lở vùi lấp khiến lòng tôi như lửa đốt, chỉ biết ngồi ở nhà đợi tin anh và cầu nguyện phép màu", chị Nhàn kể. 

Thế rồi phép màu ấy nào có xảy đến, anh Quốc cùng đồng đội đã ra đi mãi mãi trong đợt làm nhiệm vụ này. 

Nhìn ánh mắt con trẻ, ai cũng xót xa trước sự ra đi của Đại úy Trương Anh Quốc

Ngày 18/10 vừa qua, thi thể anh Quốc được đưa về nhà, người thân, bà con hàng xóm không ai kìm lòng được trước sự mất mát của gia đình. Mọi người cùng chung tay giúp đỡ chị Nhàn, lo liệu tang lễ chu toàn cho Đại úy Quốc, động viên chị Nhàn mạnh mẽ, vững vàng sau biến cố lớn của gia đình. 

"Anh là trụ cột của gia đình, anh mất đi rồi, 3 mẹ con cũng chưa biết phải làm thế nào trong những ngày tháng tiếp theo. Người thân, bà con, đồng nghiệp ai cũng động viên tôi phải mạnh mẽ, tôi gật gù thế thôi chứ nào biết làm gì hơn ", chị Nhàn nói. 

Người mẹ già của Đại úy Trương Anh Quốc dần nén nỗi đau sau mất mát của gia đình

Cũng theo chị Nhàn, những ngày thi thể anh Quốc được đưa về nhà, 2 đứa con của chị còn quá nhỏ và non nớt để thấu cảm được nỗi đau. Cô con gái lớn nhìn thấy ba nằm trong quan tài, đến bên và vô tư hỏi: "Sao ba không sống lại với con, ba sống lại chơi với con đi". Khoảnh khắc ấy, lòng người mẹ trẻ như chết lặng, chẳng ai trong tang lễ ấy cầm lòng được trước câu hỏi ngô nghê của cô bé 4 tuổi. 

Cô con gái lớn 4 tuổi của Đại úy Nguyễn Anh Quốc. Bé quá đỗi hồn nhiên và ngây thơ, chưa hiểu hết được sự hy sinh của ba trong những ngày qua. 

Những ngày sau tang lễ, ngày nào cô bé 4 tuổi ấy cũng thắp nhang lên bàn thờ cho ba, trong vô thức lại nói với mẹ "Ba từ nay không chở con đi học nữa rồi này mẹ" khiến tim chị Nhàn thắt lại đau đớn. 

"Bé cũng nhận thức được ba mất rồi, ba từ nay sẽ không xuất hiện nữa nhưng bé chưa hiểu hết "mất" là gì cả? Bé còn quá nhỏ và vô tư để hiểu được", chị Nhàn nghẹn ngào. 

Trước linh cữu của ba, 2 bé con vẫn vô tư khiến nhiều người xót xa, thương cảm. 

Được biết, chị Nhàn và liệt sĩ Quốc kết hôn với nhau tính đến nay đã được 6 năm, "trái ngọt" của cuộc hôn nhân ấy là 2 cô con gái xinh xắn như thiên thần. Bé lớn năm nay 4 tuổi, bé út được 1,5 tuổi. Hằng ngày, 2 anh chị thay phiên nhau đưa đón con gái lớn đi học rồi anh đến cơ quan, chị tới trường dạy học. 

Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng chị chuyển về sinh sống tại nhà ngoại để tiện cho công việc của anh chị. 

Cuộc sống của 3 mẹ con chị Nhàn những ngày tháng sau này sẽ còn nhiều khó khăn, cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mẹ con chị. 

Thời gian qua, 2 vợ chồng tích cóp được một số tiền, vay mượn thêm họ hàng, bạn bè để xây dựng căn nhà mơ ước của gia đình nhỏ. 

Căn nhà mới được động thổ xây dựng chưa được 3 tháng. Các hạng mục cơ bản của công trình vẫn còn chưa hoàn thiện do tình hình mưa bão kéo dài. Cát, đá, gạch còn đang ngổn ngang. 

Giờ đây, anh ra đi, mọi thứ đành gác lại, cuộc sống êm đềm, đẹp đẽ ngày nào nay vắng bóng anh, để lại người vợ trẻ cùng 2 con nhỏ chưa biết phải xoay sở thế nào những ngày tháng tiếp theo. 

'Sẽ sát sao đời sống của thân nhân để các liệt sĩ được nguôi ngoai'

Trung tá Lê Văn Lĩnh - Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nhận thông tin 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3, đơn vị đã khẩn trương triển khai nhiều công việc quan trọng.

Trong đó, đơn vị đã tham mưu, tổ chức trang nghiêm lễ tang cho 13 liệt sĩ theo nghi thức Quân đội, nghi thức cấp cao. Tổ chức đưa các liệt sỹ về với gia đình, tổ chức tang lễ và đưa hài cốt liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng đảm bảo theo nguyện vọng của gia đình. 

Tiếp đó, lực lượng vũ trang đã kết nối với các cơ quan ban ngành đoàn thể, tuyên truyền về những tấm gương hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, mong muốn thế hệ trẻ sẽ noi gương, biến những hy sinh đó thành những hành động cụ thể, phấn đấu học tập, xây dựng đất nước. 

Trung tá  Lê Văn Lĩnh (phải) - Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Về phía gia đình các liệt sĩ, đơn vị đã liên hệ, giới thiệu, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ để thăm hỏi, động viên, chia sẻ với thân nhân gia đình 13 liệt sĩ. 

"Lực lượng vũ trang trong thời gian tới sẽ bằng nhiều cách, nắm rõ tình hình của các gia đình nạn nhân, gấp rút giải quyết công ăn việc làm cho vợ của các liệt sĩ; đồng thời đưa ra phương án dài hơi, giúp đỡ cho các cháu là con của các liệt sĩ, hỗ trợ các cháu trong học tập, phát triển tương lai.

Bộ chỉ huy giống như bên nội của các cháu, sẽ thường xuyên hỏi thăm, động viên, giúp đỡ các cháu để các liệt sĩ đã hy sinh được nguôi ngoai", Trung tá Lê Văn Lĩnh khẳng định. 

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn

Tin mới nhất