Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.694.874 ca mắc COVID-19, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.182 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.689.194 ca, trong đó có 1.299.725 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (501.990), Bình Dương (290.468), Đồng Nai (97.380), Tây Ninh (73.398), Đồng Tháp (43.021).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.302.542 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.273 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.112 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.141 ca; Thở máy không xâm lấn: 160 ca; Thở máy xâm lấn: 841 ca; ECMO: 19 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 232 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.877 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.108.493 mẫu tương đương 74.476.728 lượt người, tăng 117.546 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 148.198.862 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.358.030 liều, tiêm mũi 2 là 67.323.239 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 3.517.593 liều.
Bộ Y tế nhận 100.000 liều vaccine phòng COVID-19 Sputnick Light do Liên Bang Nga trao tặng
Tại Hà Nội, ngày 29/12, GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế đã tiếp nhận 100.000 liều vaccine Sputnik Light do Chính phủ Liên Bang Nga hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tham dự buổi tiếp nhận có ngài Gennady Stepanovich Bezdetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; đồng chí Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga; đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ Y tế.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nga đã viện trợ cho Việt Nam 100.000 liều vaccine Sputnik Light.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong bối cảnh toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực hết sức để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, sự hỗ trợ này là nghĩa cử cao đẹp, là nguồn động viên tinh thần và vật chất to lớn đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đó là minh chứng cho tình đoàn kết, và mong muốn chung tay sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.
Sự hỗ trợ trên càng có ý nghĩa khi hai nước hướng tới chuẩn bị kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, (30/01/1950-30/01/2022), qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Nga.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ sử dụng món quà viện trợ này của Nga một cách phù hợp nhất, căn cứ theo tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp tại Việt Nam.
Bộ Y tế hướng dẫn xác định là F1
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:
Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Theo Bộ Y tế, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT>30
Cà Mau ghi nhận ca COVID-19 cao nhất miền Tây; F0 trong cộng đồng chưa giảm
Trong ngày 29/12, Cà Mau tiếp tục là địa phương có ca mắc COVID-19 cao nhất miền Tây với hơn 1.085 F0, trong đó có 976 ca cộng đồng; có 842 người điều trị khỏi, 14 trường hợp tử vong.
Vĩnh Long thêm 917 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 471 ca cộng đồng, điều trị khỏi 356 ca và 14 trường hợp tử vong.
Đồng Tháp phát hiện 595 người mắc COVID-19, trong đó 159 ca cộng đồng, 560 người khỏi bệnh, 15 ca tử vong.
Bạc Liêu có thêm 593 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 346 F0 cộng đồng, 229 ca được xuất viện và một ca tử vong.
Hậu Giang ghi nhận 465 ca mắc mới COVID-19, trong đó 433 F0 cộng đồng, điều trị khỏi 766 ca và 2 ca tử vong.
Trà Vinh phát hiện 337 ca mắc COVID-19, trong đó 314 F0 cộng đồng, 576 ca khỏi bệnh, 5 ca tử vong.
An Giang ghi nhận 262 ca, điều trị khỏi bệnh 328 trường hợp, thêm 16 trường hợp tử vong.
Bến Tre có thêm 219 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 213 ca cộng đồng, 4 ca tử vong.
Tiền Giang có 214 ca mắc COVID-19, trong ngày ghi nhận 15 ca tử vong.
Sóc Trăng ghi nhận 181 ca mắc COVID-19 mới, điều trị khỏi 333 ca, 12 trường hợp tử vong.
TP Cần Thơ có thêm 137 ca mắc COVID-19, đây là số ca mắc trong ngày thấp nhất gần hai tháng qua trên địa bàn. Trong ngày Cần Thơ có 1.308 ca điều trị khỏi và 13 trường hợp tử vong.