Sắc màu Cuộc Sống

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn

Khải Anh
Chia sẻ

Câu chuyện của anh Nhân, cô Hoa... đã khiến nhiều người tin rằng điều tử tế vẫn len lỏi trong mọi ngóc ngách của Sài Gòn!

Anh Nhân vá xe miễn phí

Tôi là Nguyễn Thành Nhân. Buổi sáng, tôi mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Đêm xuống, tôi chất từng món "đồ nghề" sửa xe gồm bugi, săm, lốp xe... vào cốp, rồi rong ruổi khắp các con phố để đi vá xe miễn phí cho người đi đường. 

Đó là công việc của tôi suốt 4 năm nay, bất kể nắng mưa, sớm tối. Đối với tôi, việc giúp được ai đó bị "mắc kẹt", bị trục trặc xe cộ trên đường về nhà đã là một niềm vui rồi. 

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 1

Cái nghề xe ôm khiến tôi luôn phải rong ruổi khắp các con đường lớn nhỏ, những ngõ hẻm cụt sâu. Chính bản thân tôi cũng phải đôi lần dẫn bộ vì hư xe, được sửa chữa giúp. Cảm kích những điều đó, tôi đã quyết định làm công việc sửa xe, vá xe, kéo xe miễn phí. 

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 2

Hơn nữa, tôi đã từng thấy người đi giữa đêm khuya bị hư xe, không có tiệm sửa nên phải dắt bộ khổ quá. Nhiều trường hợp gặp phải mưa gió càng vất vả hơn. Tôi lại biết vá xe nên mua sắm đồ nghề đi giúp được ai thì mình giúp

Bạn biết không, ban đầu tôi đã gặp nhiều khó khăn vì nhiều người sợ tôi là cướp nên không chịu để tôi giúp đỡ. Mỗi ngày, tôi bắt đầu đi từ Hóc Môn sang khu vực Suối Tiên (TP. Thủ Đức) rồi quận 8. Có những trường hợp bị t.ai nạn, té xe tôi đều giúp đỡ...

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 3

Với công việc xe ôm, tôi chỉ có thu nhập khoảng vài trăm nghìn một ngày. Khi làm ai nghề này, ai cũng nói tôi "khùng", có giàu có gì hơn ai đâu mà bày đặt miễn phí. Nhưng sau vài năm, mọi người đã hiểu hơn và ủng hộ tôi làm việc này.

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 4

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tôi bị giảm thu nhập nghiêm trọng, gia đình nhiều khi cũng "thiếu trước hụt sau". Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục vá xe miễn phí. Tôi tin rằng giữa những đêm khuya vắng lặng, những người gặp trục trặc xe cộ vẫn sẽ cần sự giúp đỡ...

Cô Hoa và Sushi

Sushi là tên con chó của tôi. Khi bước qua tuổi 74, đôi chân tôi yếu dần không thể đẩy xe đi bán trái cây được nữa. Mùa dịch vừa qua, tôi bán ve chai dạo cùng Sushi.

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 5

Sushi ngoan và rất biết nghe lời. Nhiều người nói rằng nó "bụ bẫm" hơn những chú chó được chủ dẫn bán hàng rong trên hè phố. Có gì ăn đó, nó chả chê bao giờ. 

Tôi xưng với sushi là "ngoại". Năm nay, Sushi đã được 4 tuổi rồi. Cuộc đời của tôi đầy rẫy những biến cố, chỉ cần thấy nó thôi là bao niềm vui lại trôi qua đi nhanh chóng. 

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 6
Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 7
Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 8

Mùa dịch vừa rồi đã khiến hai bà cháu rơi vào cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Phố xá vắng lặng, người ta không ra đường, không thể buôn bán, làm ăn, số ca bệnh thì tăng. Tối đến, sushi cùng tôi ngồi ở phía trên cầu để nhận thức ăn mạnh thường quân cho. Có cơm, tôi chia đôi cùng nó. 

Đối với tôi, nó không chỉ là một người bạn, "một đứa cháu" mà còn là niềm vui an ủi, hủ hỷ lúc về già.

Người ta thường nói rằng "chó không chê chủ nghèo". Sushi cùng tôi rong rủi mọi nẻo đường trong thành phố tấp nập này. Chưa bao giờ, nó rời xa tôi cả...

"Công chúa nhỏ" của ông

Tôi tên Sơn, quê ở Long An. Tôi bị câm điếc, "tài sản" lớn nhất của tôi không phải là xe vé số bên đường Điện Biên Phủ mà là cô chó nhỏ nằm ngủ ngoan trên tấm đệm. 

Trong hành trình rong ruổi khắp các cung đường Sài Gòn, tôi đã có nó làm bạn đồng hành. Cuộc sống khó khăn chứ, nhưng lúc nào tôi cũng lo lắng cho nó từng miếng ăn, giấc ngủ. 

Chẳng may, con chó của tôi đã bị chó lớn khác cắn c.hết. 

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 9

Ngày Bông từ giã cõi đời này, tôi buồn lắm chứ, nhất là khi trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Rồi một ngày, tôi quyết định đón Vui về sống cùng mình. "Con bé" úc nào cũng khư khư bên mình chiếc gối nhỏ, mặc chiếc áo vàng, lót trải trên tấm bạc để ngủ ngon giấc.

Cảm xúc nhận "Vui" có khác gì so với những ngày có "Bông" ở bên hả? Tôi không bao giờ so sánh hay nghĩ gì đâu, con nào cũng là bạn, là con của tôi hết. 

Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 10
Sài Gòn tử tế: Chuyện anh Nhân, cô Hoa và chú Sơn Ảnh 11

Nhưng quan trọng nhất,tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người quan tâm, cho chó để nuôi. Tôi cảm thấy mình không còn cô độc khi đi bán vé số. 

Mỗi ngày, từ lúc 19h - 21h, tôi sẽ đứng tại ngã tư Hai Bà Trưng giao Điện Biên Phủ, sau đó tôi sẽ về Ngã tư Hàng xanh bán đến 12h đêm rồi về nhà trọ nghỉ ngơi. "Lịch trình" là vậy đó, nhưng Vui nó không biết mệt đâu. 

Nó cùng tôi đi rong ruổi, cùng tôi nếm trải hạnh phúc, đớn đau, nếm trải cả những ngọt đắng của cuộc đời này. Tôi thấy thương nó biết bao nhiêu...

* Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất của nhân vật.

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Photo

Kỳ Anh Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất