Sắc màu Cuộc Sống

Quán cafe nhỏ xíu bình dị giữa lòng Hà Nội và chuyện tử tế phía sau khiến người ta chỉ ghé một lần cũng nhớ mãi

Hiền Văn
Chia sẻ

Mang một cái tên lãng mạn nhưng Mơ phố chỉ là một quán cafe bình dân nhỏ xíu. Chủ quán cafe này là bác sĩ Ngô Tuấn Anh - bác sĩ khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện 108 với mong muốn có thêm một phần kinh phí để đến vùng núi Tây Bắc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Hà Nội mùa đông mưa và buồn, những con đường nhòe ướt nước trong gió lạnh làm người ta ít khi muốn ra đường… Nhưng cứ vào tối thứ 6, có rất nhiều người vẫn cố dành một chút thời gian ghé đến quán cafe nhỏ mang tên Mơ phố để nghe nhạc Trịnh.

Mang một cái tên rất lãng mạn, hoài niệm nhưng Mơ phố chỉ là một quán cafe nhỏ nép mình trong phố Yên Lãng (Hà Nội) với diện tích nhỏ hẹp chỉ chừng 40m2. Quán nhỏ đơn sơ với vài chiếc bàn cũ dường như vốn dành cho học sinh, không đèn nến lung linh, không hoa tươi hoa khô, chỉ có vài tấm ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chụp với các em nhỏ vùng cao làm tiêu điểm ghi dấu ấn. Ở đó hiện lên ánh mắt trong veo của những đứa trẻ đen nhẻm, lem luốc vì đất cát. Các em mang hơi thở của núi rừng và chính cái ánh mắt hồn nhiên ấy đã thắp sáng cả không gian quán nhỏ đang nằm nép mình lặng lẽ giữa mưa phùn mùa đông ở mảnh đất Thủ đô.

Ý nghĩa đặc biệt đằng sau 2 chữ “Mơ phố”

Có lẽ rất nhiều người thắc mắc vì sao Mơ phố lại có nhiều khách quen, bất chấp gió mưa và thời tiết buốt lạnh để ghé đến đây, ngồi với nhau một lát, uống một ly nước, nghe một đoạn nhạc rồi thôi. Vì sao quán này lại treo đầy ảnh trẻ em vùng cao… Tất cả đều có lý do của nó và những nguyên nhân ẩn sau 2 điều tưởng như đơn giản này đã khiến Mơ phố biến thành một quán cafe không bình thường.

Đêm nhạc tối thứ 6 và toàn bộ hoạt động của Mơ phố chỉ nhằm kiếm được tiền giúp các bác sĩ tình nguyện có thêm một phần kinh phí để đến vùng núi phía Bắc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Chủ quán cafe này cũng là một bác sĩ - anh Ngô Tuấn Anh - bác sĩ khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện 108, Hội trưởng Hội Bác sĩ Tình nguyện miền Bắc.

Nói về cái tên lãng mạn của quán, anh Tuấn Anh kể: “Chứng kiến các em nhỏ vùng cao thiếu thốn đủ đường, tôi rất thương xót. Lúc đó, tôi chỉ có một ước mơ các em nhỏ nghèo ở vùng cao được đi học, được ăn mặc no ấm như trẻ em ở thành phố. Chính vì thế, tôi đặt tên quán này là Mơ phố” - anh Tuấn Anh chia sẻ.

Cái tên mơ phố là mơ cho trẻ nhỏ vùng cao được ấm êm như trẻ em thành phố, là giấc mơ đẹp của những người phố thị, đang ngồi giữa phố nhưng lại mơ về vùng cao xa xôi. Không chỉ có anh Tuấn Anh, những vị khách đến đây có lẽ đều có cùng chung một ước mơ như thế. Bởi uống một ly nước ở đây là cách để họ góp vài nghìn lẻ vào những chuyến đi tình nguyện xa xôi, nơi mà dấu chân của tập thể y bác sĩ phải gieo trên những mỏm đá, cung đường lầy lội đất đỏ.

Nếu chỉ cần nghe nhạc sống, uống nước và tâm tình thì có lẽ, Hà Nội sẽ cho họ nhiều sự lựa chọn hơn là một quán cafe bình dị với dáng vẻ xưa cũ và vô cùng giản đơn này. Bởi thế, thời gian đầu thành lập, quán cafe Mơ phố gặp vô vàn khó khăn. Đã có lúc, chính anh Tuấn Anh cảm thấy lo lắng nhưng rồi người thân ở bên cạnh lại hết sức động viên.

Cứ như thế, Mơ phố vẫn tồn tại suốt gần 3 năm qua (từ 2016) và dần lan tỏa sức ảnh hưởng đến cộng đồng. Vượt qua ý nghĩa là một mô hình kinh doanh có lợi nhuận, quán cafe này như một doanh nghiệp xã hội, kiếm được tiền để phục vụ cho cộng đồng. Ý nghĩa ấy dần được nhiều người biết tới hơn và những tấm lòng hảo tâm, trong suốt 3 năm qua đã nuôi dưỡng Mơ phố, giúp cho giấc mơ ấy được nối dài hơn, giúp cho những bác sĩ tình nguyện có thêm một động lực nuôi tiếp giấc mơ bình dị của tuổi trẻ.

Những câu hát đậm triết lý sống của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trưng bày khắp quán nhỏ

Hình ảnh những em nhỏ vùng cao được chụp lại trong những chuyến tình nguyện của Hội Bác sĩ tình nguyện

Anh Ngô Tuấn Anh chủ quán Mơ Phố

Tầng hai là thư viện cho những ai mê đọc sách

Không gian trưng bày tranh vẽ của các em nhỏ

Nhóm nhạc khiếm thị và chuyện những người sống một đời để cho đi không cần đền đáp

Quán cafe đặc biệt nên mọi thứ ở đây đều đặc biệt. Vào đêm nhạc duy nhất trong tuần, nhóm nhạc biểu diễn cũng toàn những người khiếm thị. Không nhìn rõ từng phím đàn nhưng tất cả các thành viên đều thể hiện rất tuyệt vời. Nghề biểu diễn và tình yêu âm nhạc dường như đã khiến những con người ấy chơi đàn và hát bằng trái tim chứ không chỉ dừng lại ở những kỹ năng bài bản mà bất cứ ai đánh đổi thời gian công sức đều có thể rèn luyện được ít nhiều.

Anh Thương, một trong những thành viên của ban nhạc, người đã đồng hành cùng Mơ phố từ những ngày đầu chia sẻ rằng mỗi tối được đến quán biểu diễn là niềm vui lớn. Tuy không thể nhìn thấy nụ cười của mọi người nhưng những tràng pháo tay của khán giả đủ để anh biết mình đã làm tốt.

Dù bản thân tôi khiếm khuyết nhưng tôi cảm thấy mình vẫn vô cùng may mắn vì có thể theo đuổi ước mơ âm nhạc. Đến Mơ phố biểu diễn, tôi góp được phần nhỏ công sức vào các hoạt động tình nguyện. Tôi vô cùng hạnh phúc vì được giúp đỡ mọi người. Tôi mong rằng Mơ phố thật lớn mạnh để có thể giúp ích cho các hoạt động của hội bác sĩ tình nguyện, để nhiều hơn nữa các em nhỏ khỏe mạnh đến trường, được ăn no mặc ấm và có cơ hội sống đầy đủ như trẻ em thành thị” - anh Thương nói.

Mọi hoạt động của Mơ phố đều vì mục đích tình nguyện và việc biểu diễn âm nhạc cũng vậy. Những nghệ sĩ đến đây thường hát những ca khúc “Để gió cuốn đi” như muốn nòi rằng, đời này những người mở quán Mơ phố, hát cho khách của Mơ phố nghe cũng chỉ muốn tấm lòng ấy bị gió cuốn đi, cho đi mà không cần nhận về.

Ban nhạc Mơ phố

Khách đến quán ở mọi lứa tuổi

Mọi người say sưa lắng nghe các ca khúc được ban nhạc trình bày

Anh Thương - nhạc sĩ, ca sĩ trong ban nhạc của quán Mơ Phố

Ngoài đêm nhạc vào tối thứ 6, Mơ phố còn “biến mình” thành “trạm xá mini” khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vào cuối tuần với lực lượng bác sĩ trong hội. Nơi đây còn trở thành lớp học cho các em nhỏ, thành chợ bán đồ cũ… tất cả chỉ vì mục đích duy nhất là giúp người.

Cuối đêm diễn, như mọi khi, anh Tuấn Anh lại mời mọi người ngồi lại quán cùng giao lưu, nhâm nhi chén rượu được chính bà con nơi anh đến tình nguyện gửi tặng. Có nhiều câu chuyện anh kể khiến mọi người suy ngẫm, trong đó có câu: Tình nguyện không phải để ghi danh, đơn giản để mình thanh thản, hạnh phúc!

Nhiều người cứ nghĩ hạnh phúc là một điều gì đó xa xôi nhưng hóa ra, hạnh phúc đơn giản là khi chúng ta khiến người khác vui vẻ. Lúc mới nghe câu nói này, nhiều người tỏ ý không tin nhưng anh Tuấn Anh chỉ cười và nói: “Hãy làm đi rồi bạn sẽ hiểu, tôi đã làm và thấy thấm thía lắm”.

Chiếc hòm thanh toán tự nguyện

Hoạt động khám chữa bệnh miễn phí vào cuối tuần tại Mơ phố

Chia sẻ

Bài viết

Hiền Văn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất