Sắc màu Cuộc Sống

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nắng nóng cực độ tại TP.HCM gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân

Yến Nguyễn (Tổng hợp)
Chia sẻ

Những ngày qua, thời tiết bất thường ở cả 2 miền sẽ dẫn đến nhiều hiện tượng cực đoan. Nếu tại Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí đang gây khó khăn và nguy hiểm tới sức khỏe của người dân thì tại TP.HCM bức xạ tia UV (tia cực tím) khiến người dân có nguy cơ bị bỏng da do tiếp xúc ngoài nắng.

Tại Hà Nội

Khoảng 3 ngày trở lại đây, chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Trong hôm qua, nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội đồng loạt báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên mức 190, gấp 2-4 lần mức tốt và trung bình.

Theo Vietnamnet, dựa vào tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được chia làm 5 mức, tức 0-100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 - 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 - 300 là xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.

Trao đổi với báo này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, khi nói đến chất lượng không khí, người ta quan tâm hàng đầu đến bụi mịn (PM2.5). Đây là những hạt bụi siêu nhỏ, có kích cỡ nhỏ hơn 1/30 sợi tóc, có thể theo đường thở vào cơ thể và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.

Trời mù mịt, không khí ô nhiễm bao phủ Hà Nội

Tại Hà Nội, hiện chỉ số PM2.5 đang cao hơn mức bình thường, còn các chỉ số ô nhiễm khác về không khí như khí CO, NO2, SO2, O3… vẫn ở ngưỡng cho phép.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Trung ương, Hà Nội đang trong những ngày không khí lạnh suy yếu gây nên hiện tượng nghịch nhiệt, chất lượng không khí chuyển biến nghiêm trọng. Dự báo sương mù, mưa lất phất sẽ còn lặp lại trong 2-3 ngày tới, nhất là từ 4-8h sáng, kéo dài tới chiều tối, chất lượng không khí chưa thể cải thiện.

Màn sương mờ khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế, mặt khác họ cảm thấy khó thở, ngột ngạt khi liên tục phải di chuyển ngoài đường. Khu vực quận Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy,… luôn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Tại TP.HCM

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngày 27/3, nắng nóng tiếp tục mở rộng ở Nam Bộ. Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, nhiệt độ cao nhất 35,5-37 độ C, riêng Thủ Dầu Một (Bình Dương) 37,4 độ C.

Các tỉnh miền Tây như Mộc Hóa (Long An) và Vĩnh Long có nhiệt độ 35,6 và 35 độ C. Tại TP.HCM, nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, khu vực nội thành trên 36 độ C, độ ẩm thấp nhất 30-45%.

Do không khí lạnh dịch chuyển ra phía đông và suy yếu, áp thấp nóng phía tây phát triển và mở rộng về phía đông và đông nam… từ ngày 28-3 nắng nóng xu hướng gia tăng và mở rộng trên khu vực miền Đông và một số tỉnh miền Tây. Nhiệt độ cao nhất dao động 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Tại TPHCM, nắng nóng cực độ có thể gây bỏng da.

Trao đổi với báo Lao động, ThS Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết, Nắng nóng thường kèm tia cực tím luôn ở mức cao khiến người đi đường cảm thấy khó chịu khi ở ngoài trời lâu. Nguy hiểm hơn, nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời có tia UV ở mức 7 trở lên có thể gây bỏng da, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, thậm chí là tác nhân thúc đẩy bệnh ung thư da nhanh hơn…

Theo ông Quyết, chỉ số tia cực tím phụ thuộc vào độ cao mặt trời, tức là vị trí giữa mặt trời và trái đất mà gần nhau thì cường độ nắng nóng mạnh kèm theo tia cực tím cao. Bên cạnh đó, tầng ozone ngày càng mỏng, không đủ để ngăn tia cực tím cũng là nguyên nhân khiến chỉ số tia cực tím cao.

Về thời tiết trong những ngày tới, ông Quyết cho biết nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 3, sau đó nhiệt độ giảm xuống từ 1-2 ngày, chỉ còn nắng nóng cục bộ ở một số nơi. Từ đầu tháng 4 trở đi, Nam Bộ sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một đợt nắng nóng mới.

Chia sẻ

Bài viết

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất