Sắc màu Cuộc Sống

Những việc cần làm trước Tết

Theo Zing
Chia sẻ

Để chuẩn bị cho Tết cổ truyền, người dân phải chuẩn bị trước từ vài ngày đến nửa tháng. Từ dọn nhà cửa, mua sắm đến thực hiện các tục lệ, nghi lễ đều được chuẩn bị cẩn thận.

Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, mùng 1 đầu năm âm lịch là Tết. Người dân ăn Tết này to hơn các Tết khác trong năm.

Trước Tết nửa tháng, nhà nào nhà ấy nhộn nhịp sắm Tết. Họ mua tranh, hương, vàng mã, đường mứt, bánh trái… bày biện nhà cửa.

Các thầy đồ ra chợ bày sạp viết câu đối Tết. Người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa tận đâu cũng nghỉ việc để về quê đoàn tụ cùng gia đình.

Cách Tết vài hôm, mọi người dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ cúng. Câu đối đỏ dán cửa hay cột , treo tranh, liễn trang hoàng lịch sự.

Nhiều nhà trước cửa có dán tranh quan tướng, hoặc dán bốn chữ “Thân Thư Uất Luật” để ngăn quỷ làm hại.

Lại có nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng; hoặc lấy cành đa lá dứa cài ngoài cửa ngõ; hoặc rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ, cái cung, cái nỏ… cũng là có ý trừ quỷ vì sợ năm mới chúng vào quấy nhà mình.

Đại gia đình cùng gói bánh chưng trước Tết. Ảnh: Vũ Minh Quân.

Ngoài ra, trong Đất lề quê thói - Phong tục Việt Nam, Nhất Thanh ghi rằng trước Tết, nhà nào cũng lau rửa bàn thờ, đồ thờ, đồ đồng thì chùi đánh sáng choang. Ở thôn quê đun bếp rơm, người dân thay cả tượng ông Công ông Táo nặn bằng đất.

Những ngày 28, 29 và 30 tháng Chạp, người xưa bận rộn với các công việc: gói bánh chưng, thức suốt đêm nấu bánh; mổ heo làm giò nem; người không giàu có thì chung bốn nhà mổ một con heo.

Chiều 30 Tết, dù bận đến đâu, mọi người cũng phải nhớ nấu nước ngũ vị hương rẩy trong bếp và trên nhà thờ để tẩy uế.

Bên cạnh đó, mượn ai đồ vật gì phải nhờ trả, nếu không để sang năm mới người ta cần đến đòi về thì xui xẻo. Nếu có nợ nần phải lo trang trải trước Tết.

Ông Nhất Thanh bình về những giờ phút cuối của năm: “Lúc này, những người vì công danh tài lợi phải bôn ba đất khách mới cảm thấy nỗi sầu hiu quạnh xa quê hương xa gia đình. Cho nên ngày xưa người đi làm xa, người buôn tứ xứ, không ai là không nghĩ đến Tết tìm về với họ hàng làng xóm”.

“Trừ người làm quan không dễ gì vắng nhiệm sở, ai đi xa bất cứ làm gì mà Tết không về, là coi như vất vả khổ cực. Nếp sống tình cảm này đã gây trở ngại lớn trên bước đường tiến hóa của dân tộc”, ông Nhất Thanh viết.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất