Sắc màu Cuộc Sống

Những quý ông 40 năm bám vỉa hè làm nghề 'đè đầu cưỡi cổ' thiên hạ

Vương Quốc Anh
Chia sẻ

Từ thời người Sài Gòn còn đi lại bằng xe đạp, đã có những người đàn ông quần áo “đóng thùng” chỉnh tề, đứng nép vào một góc đường làm nghề cắt tóc đường phố. Giờ đây, người dân xứ này đã di chuyển hiện đại hơn, nhưng những quý ông vẫn đứng đó và tạo nên một nét rất đặc trưng của đất Sài thành.

Từ trước khi có những salon tóc sang xịn mịn ra đời, khắp vỉa hè và những góc phố đã chứng kiến sự thống trị của lực lượng cắt tóc lề đường. Nằm gọn dưới tán lá cây, văng một tấm che to lớn, treo một tấm gương, đặt một chiếc ghế, đôi ba thứ dụng cụ kêu leng keng, thế là một góc 3 mét vuông của Sài Gòn đã xuất hiện và sẵn sàng phục vụ bất cứ ai tiện đường ghé đến.

Bộ dụng cụ xách tay đã chinh phục những mái đầu khó tính nhất.

Cuộc sống hiện đại khiến con người thay đổi cách sinh hoạt khác đi so với cha ông của họ trước đây. Ngày nay, những góc 3 mét vuông như thế đã dần trôi vào miền dĩ vãng để nhường lại cho các barber shop tiện nghi hơn. Nhưng thỉnh thoảng bắt gặp trên phố phường, là những người thợ cắt tóc vỉa hè cuối cùng còn trụ lại.

Chứng nhân sống nhìn Sài Gòn thay da đổi thịt

Túi đồ nghề đơn giản với chiếc kéo, chiếc lược, cùng một chiếc gương cũ, một ghế da đã sờn mòn, và những câu chuyện năm tháng của Sài Gòn không gói hết vào đâu được. Những người thợ tóc đứng mãi ở đây để chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thành phố.

Với ước mơ ấp ủ từ nhỏ, chàng thanh niên Minh Tuấn sau khi xuất ngũ và trở về cuộc sống bình thường, tuy cơ cực nhưng cũng học lấy cho mình cái nghề hớt tóc. Vừa học vừa làm, những ngày đầu chú Tuấn cầm kéo đi phục vụ người trong khu phố, vừa là thử tay nghề, vừa cắt miễn phí vui vẻ xóm giềng.

Suốt 5 năm ròng rã, chú Tuấn mới có được một cái ghế cho riêng mình và đặt ở góc đường, chú nhớ lại: “Hồi đó còn thanh niên mới ra nghề đâu có quen biết ai, chú chạy đi khắp nơi để hỏi xin từng nhà cho mình đặt ghế cắt tóc. Có đôi vợ chồng già kia cho chú đặt ghế trước hiên mà không tính tiền, vì họ cũng muốn thấy có người đi qua đi lại ở trước nhà mình cho đỡ tủi”.

Người đàn ông trung niên cầm trên tay cây kéo và liến thoắng cắt tỉa những sợi tóc, chợt trầm đi để nhớ lại ân nhân của mình. Chú chia sẻ mình không đặt ghế ở đó được bao lâu thì người vợ qua đời, người chồng cũng chuyển đi nơi khác và bán lại ngôi nhà. Chủ mới mở hàng kinh doanh nên không cho đặt ghế cắt tóc trước nhà nữa.

Đôi khi quay lại nơi cũ, căn nhà xập xệ lúc nào chú ngồi nép ở mái hiên trú mưa hay chờ khách, giờ đã to con lớn xác thành một ngôi nhà nhiều tầng với hoạt động buôn bán tấp nập. Từ sau lúc đó, chú Tuấn thay đổi địa điểm đến 6 lần, tuy vị trí đặt ghế cũng không cách xa nhau quá, nhưng khách quen cũng dần vơi bớt.

Ở mỗi nơi đi qua, người thợ cắt tóc lành nghề này cũng đều được cơ hội ngắm nhìn phố phường và con người quanh mình đổi thay: “Suốt mấy chục năm làm nghề, chú có cắt cho nhiều đứa nhóc. Mới hồi nào còn được cha dẫn đi cắt tóc cùng, mà quay qua quay lại được nó khoe mình thi đậu đại học, rồi bẵng đi vài năm nó lại xuất hiện nhưng đã là dân văn phòng ăn mặc bảnh bao”.

Chú đưa cây lược đang chải tóc cho khách mà chỉ đông chỉ tây, nào là hồi đó chỗ này là dãy nhà cấp bốn thấp bé, giờ đây nó là một khu phố toàn cửa hàng và quán cà phê sang trọng; nào là lúc trước đứng đây nhìn lên chỉ thấy cây xanh, giờ thấy cả những tòa cao ốc trắng xám.

Lần thứ 6 chú dịch chuyển tiệm hớt tóc di động của mình là vào năm 2017, lúc này thành phố tiến hành quy hoạch khu vực Quận 1 để thực hiện tuyến đường sắt đô thị, chú Tuấn dời vào một góc ở khuất hơn và không còn quá nhiều khách như những ngày xưa cũ.

“Có nhiều người, người ta quen cắt với mình thì họ xin số điện thoại rồi gọi và tìm chỗ mới của mình. Chứ có nhiều người, họ chỉ cần cắt tóc nên nếu không có mình thì vẫn còn chỗ khác. Vậy là từ từ khách quen cũng vơi mà khách mới cũng vãn.

Mấy ông khách quen cắt tóc với mình cả chục năm, đi theo mình tới từng chỗ mới, nhiều lúc đùa vui là sau này khi tuyến metro làm xong, mấy ổng cũng lên tàu đi một vòng rồi về lại chỗ mình mà cắt tóc. Nghe nói vậy thấy cũng thích, vì hóa ra mình bất đắc dĩ trở thành nhân chứng sống của lịch sử”, chú Tuấn cười lớn, kể lại những chuyện đời, chuyện nghề.

Cắt tóc lề đường nhưng vẫn sơ mi đóng thùng, vẫn kiểu tóc thời thượng

Dù lấy giá rẻ hơn và không có nhiều tiện nghi như những tiệm cắt tóc hiện đại của giới trẻ, nhưng những ghế hớt tóc lề đường vẫn đảm bảo được tự trọng nghề nghiệp và phục vụ bất cứ ai theo đúng nhu cầu của từng người.

Chú Chinh, khiêm tốn đặt góc của mình vào sát bức tường trên một con đường ở Quận 3, tay nhanh nhẹn đẩy từng đường tông đơ, chợt tắt nụ cười mà thay vào đó là một khuôn mặt nghiêm túc: “Dù chỉ là đứng ở lề đường, nhưng không phải muốn cắt sao thì cắt. Khách tìm đến mình là người ta tin tưởng mình, mình phải cắt sao cho đẹp, sao cho khách hài lòng, không được cắt ‘dơ’ cho khách”.

Chú kể một ngày mình tiếp cũng trên dưới 10 khách từ mọi tầng lớp xã hội, có lúc là mấy bác xe ôm, mấy chú xích lô tiện đường ghé quang, hay có khi là dân văn phòng ăn mặc chỉnh tề cũng ngồi đợi năm mười phút để đến lượt hớt tóc, những cậu trai trẻ cầm trên tay chiếc điện thoại chụp mẫu kiểu tóc mong muốn và đặt niềm tin vào tay kéo của chú.

“Mình đứng ở lề đường như vậy, không chỉ dân lao động mà giới trẻ hay thậm chí là dân có tiền người ta cũng tìm đến mà cắt. Chứ bây giờ nếu chú mở tiệm sang trọng, thì mấy ông xe ôm, bốc vác đang có dám ghé vào, nếu ai cũng đứng phòng máy lạnh thì dân lao động biết tìm chỗ cắt tóc ở đâu”, chú Chinh chia sẻ khi được hỏi tại sao vẫn tiếp tục bám vỉa hè sau hơn ba thập niên gắn bó.

Đều đặn mỗi ngày từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, chú Chinh quần áo đóng thùng gọn gàng và lịch thiệp như một quý ông Sài Gòn, đón chờ bất cứ người khách nào ghé đến và chiều lòng họ bằng những kiểu tóc dù là tân thời nhất. Chỉ nép mình trên hè phố, nhưng những người thợ hớt tóc vẫn sơ mi đóng thùng, vẫn kiểu tóc thời thượng phục vụ mọi tầng lớp xã hội.

Thời gian dần trôi qua, phố phường đổi thay và nhịp sống năng động từng ngày, nhưng đâu đó vẫn có những người thợ hớt tóc sống mãi với ký ức. Ngoài kia phố thị ồn ào, nhưng tại mỗi góc đường như vậy là cả một Sài Gòn xưa cũ được thu bé lại dành cho những con người biết thưởng thức dư vị của quá khứ.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Quốc Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất