Sắc màu Cuộc Sống

Một thoáng Hà Nội thời bao cấp với những giản đơn, mộc mạc nhưng đong đầy hoài niệm

Linh Chi
Chia sẻ

Hình ảnh Hà Nội thời bao cấp bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đầy thiếu thốn, khó khăn nhưng cũng đậm tình người dần hiện lên qua từng lời kể của diễn giả - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Giữa những hiện đại, tiện nghi, sự vội vã của nơi phố thị, có khi nào trong một thoáng chốc, chúng ta nghĩ đến Hà Nội 30 năm trước rồi tự hỏi, cuộc sống thời ấy như thế nào? Qua lời kể của diễn giả - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến tại buổi workshop “Thời bao cấp”, thuộc dự án mang tên iMAGIC - một dự án cộng đồng phi lợi nhuận về sách và văn hóa đọc, hình ảnh Hà Nội 30 trước - thời bao cấp - dần hiện lên một cách rõ nét với nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng cũng thấm đượm tình người.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, ông cảm thấy tiếc nuối khi nhiều năm trôi qua, những nét đẹp của Hà Nội xưa đã dần mất đi, văn hóa ứng xử dần mai một, di tích văn hóa cũng không còn vẹn nguyên,…

Dù nhiều điều đã dần mất đi, nhưng những ký ức về một thời khốn khó dường như vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những người con, những người yêu và nặng lòng với thành phố nghìn năm tuổi này, đặc biệt đối với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - người được ví như “sử nhân của Hà Nội”.

Diễn giả - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến có những chia sẻ thật lòng về “Hà Nội xưa”.

Hà Nội thời bao cấp hiện lên với những con phố từ khi chưa được định nghĩa, gọi tên. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, phố là nơi bán hàng. Cuối thế kỉ 19, phố Hà Nội vừa là nơi sản xuất ra hàng thủ công, vừa là nơi bán hàng. Năm 1883, người Pháp đã quy hoạch lại Hà Nội khi chia lại phố, mở rộng đường, làm vỉa hè, đặt tên phố, số nhà,… Khi đó, Hà Nội mới hình thành rõ nét những con phố theo kiểu phương Tây.

Để nói về con phố ấn tượng nhất, có lẽ không thể không nói đến những con phố trung tâm mà đặc biệt là con đường quanh Hồ Gươm. Những con phố để lại ấn tượng sâu đậm không chỉ bởi những con đường đẹp, mang nhiều cây xanh mà còn chứa đựng nhiều di sản. Ai đi qua Hồ Gươm đôi khi cũng nhớ tới truyền thuyết vua Lê trả kiếm cho thần Kim Quy, hay câu chuyện hư hư thực thực về người xây Tháp Rùa,… Đi lên phía Bắc của Hồ Gươm, những âm thanh, tiếng leng keng của tàu điện vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhiều người,…

Có nhiều trò chơi dân gian được tái hiện lại.

Giữa bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đầy oanh liệt, cuộc sống gặp phải rất nhiều khó khăn. Cũng từ đó, những ngành nghề đặc biệt được sinh ra mà có lẽ chỉ thời bao cấp và chỉ ở Việt Nam mới có như nghề bơm mực, nghề đun nước nôi, tích kê quần áo, làm dép cao su, hàn dép nhựa,…

Với những người đã đi qua thời bao cấp, có lẽ không ai có thể quên khoảng thời gian thiếu thốn, khó khăn khi ăn mặc không được đủ đầy. Giai đoạn từ năm 1968 - 1975, người dân ăn cơm độn mỳ sợi, còn trước đó, món ăn cơm độn bột mì trở nên rất phổ biến. Hay mùa hè năm 1973, hầu hết các gia đình buộc phải ăn bánh mỳ trong suốt nửa năm.

Cuộc sống càng thêm khó khăn khi người dân mang quần áo sơ sài, thiếu thốn giữa cái lạnh mùa đông rét mướt. Cái áo màu xanh của giai cấp công nhân chỉ với chiếc vỏ cùng lớp bông chần bên trong, hay chiếc quần rách phải đem ra những nhà may nhỏ để tích kê phần đầu gối,… Thậm chí, nhiều người đã tháo ra và đan lại những chiếc áo len, áo sợi đã quá dão.

Chiếc nón lá được các bạn trẻ tô vẽ cho thêm phần sắc sỡ.

Dù hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng con trẻ thời nào cũng vậy, vẫn ham chơi và luôn luôn tìm ra thú chơi cho mình. Vào mùa hè những thập niên 60 - 70, trẻ con hay ra chợ Hôm, đi tàu điện lên làng Nghi Tàm mua cá chọi về chơi. Đó là 2 con cá nhỏ có màu tím than, màu lá mạ, được lũ trẻ thả vào trong lọ và xem chúng đánh nhau. Hay trò chơi đuổi bắt, chơi bi bằng đá, hội đồng tổng cốc,… cũng rất được con trẻ thời ấy yêu thích.

Đến Rằm Tháng Tám, trẻ con hay mua những chiếc tàu thủy làm ở trên phố Hàng Thiếc, đốt bằng dầu hoặc gắn xà phòng cho vào chậu nhựa và xem nó chạy loanh quanh,…

Đó là những trò chơi mà ngày nay đã mất đi, dù thật giản dị, đơn sơ nhưng sao vẫn khiến nhiều người hoài niệm, tiếc nuối đến vậy.

Những món đồ chỉ nhìn thấy thôi đã thấy cả một bầu trời xưa ùa về.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến cờ tướng đối với người Hà Nội.

Thời bao cấp - khoảng thời gian dù muốn quên đi những từng mảnh ký ức vẫn luôn in đậm trong lòng những người đã từng đi qua. Những câu chuyện, những hồi ức về một thời thiếu thốn, khó khăn nhưng thấm đượm tình người sẽ vẫn luôn được ghi chép lại, ghi dấu ấn trong lòng người đọc, người nghe đến mãi sau này.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất