Phận người Việt nơi Biển Hồ Campuchia: ‘Không một ai ngoài mặt nước chứa chấp chúng tôi’

Thiên Ân
Chia sẻ

Ở Seam Reap, thành phố lúc nào cũng tấp nập khách du lịch vì kì quan Angkor Wat của nhân loại, có một ngôi làng nổi nằm lọt thỏm trong lòng của Biển Hồ bao la. Khoảng 40% dân số nơi đây là người Việt nhưng xét về tính pháp lý họ chẳng là ai cả.

Cách khoảng 30 phút đi xe từ danh lam Angkor Wat luôn đông nghịt khách dù là thời gian nào trong năm, có một làng nổi nghèo nàn của những người Việt sống bám vào vùng Biển Hồ Tonle Sap trong những ngôi nhà liêu xiêu trên sóng nước, cuộc mưu sinh vất vả cơ cực không bao giờ thay đổi dù qua nhiều thế hệ.

Làng người Việt tại Tonle Sap được tạo nên từ những ngôi nhà tạm bợ nổi trên mặt nước.

Phương tiện di chuyển của người dân là thuyền gỗ đơn sơ. Vào mùa khô khi mực nước rút xuống thấp, họ phải di chuyển rất xa để đến được bờ.

Phụ nữ người Việt sống tại làng nổi Biển Hồ. Khoảng 40% dân số nơi đây là người Việt nhưng xét về tính pháp lý họ chẳng là ai cả.

Những Việt Kiều Campuchia này nghèo khó cả về điều kiện sinh sống lẫn chính sách mà chính quyền đưa ra để hỗ trợ. Trên vùng nước mênh mông dơ bẩn, các gia đình người Việt sống ngoài vòng pháp luật với nhau, trẻ em không có giấy tờ nên cũng chẳng thể học lên cao được mà chỉ ngừng lại ở hết bậc tiểu học.

Vùng nước ở làng nổi Chong Khneas bị ô nhiễm rất nặng. Nước có màu đen và bốc mùi hôi tanh, cả trẻ con và người lớn đều dùng nước đấy để sinh hoạt để rồi chất thải sau khi sử dụng cũng được xả thẳng xuống ngay tại đó. Trẻ nhỏ phụ cha mẹ đánh bắt cá để kiếm miếng ăn sống qua ngày.

Vào mùa khô, mực nước ở Tonle Sap giảm sâu khiến ngôi làng gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, cư dân ở đây nếu muốn phải di chuyển một khoảng rất xa để đến được đất liền. Khi mùa mưa đến, mực nước tăng cao giúp người dân sống dọc theo bờ sông thuận tiện hơn.

“Theo lời cha, quê hương tôi là một làng chài nhỏ thuộc tỉnh Bạc Liêu, nhưng từ thời ông bà nội tôi, gia đình tôi cùng nhiều người dân trong ấp, đã phải dời ngược dòng Cửu Long-MeKong lên tận Biển Hồ ngày nay kiếm sống”, ông Hoàng bồi hồi kể.

Hoạt động kinh doanh mua bán tại đây chỉ ở quy mô nhỏ lẻ tự phát, những nhu cầu lớn hơn phải vào đất liền để sử dụng dịch vụ của người bản địa.

Nhà cửa tại đây được xây dựng tạm bợ bằng tre nứa đơn giản.

Dù chiếm đến 40% tổng dân số tại cộng đồng này, nhưng nhóm người Việt cũng rất nhỏ bé và sống hòa lẫn với những người Campuchia khác. Người dân sống ở đây không hề tồn tại trên mặt giấy tờ, họ không có đủ tiền và đủ tính chính danh để chuyển lên đất liền, mua tài sản hay có một công việc ổn định dù chỉ là công nhân nhà máy.

May mắn thay, tình trạng mâu thuẫn sắc tộc không hề xảy ra, Chong Kneas vẫn là nôi chứa hiền hòa của người Việt Nam theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa và người Campuchia theo đạo Hồi cùng người dân tộc Chăm. Họ lớn lên cùng nhau và kết hôn với nhau, không quan trọng bạn đời là tộc người hay theo tôn giáo nào.

Anh Som Borak sinh ra và lớn lên tại làng, cho biết: “Tại đây chúng tôi không phân biệt người Việt, người Khmer, người Chăm hay người Hồi Giáo. Chúng tôi sống cùng nhau ở ven bờ sông nhưng không thể lên mặt đất vì chỉ có mặt nước là chứa chấp chúng tôi, không phải mất tiền khi sống ở đây”.

Không có sự phân biệt văn hóa gây chia rẽ nào ở đây cả, mọi người chung sống với nhau bất kể tôn giáo hay sắc tộc.

Tại đây có một trường tiểu học dạy tiếng Việt dành được Quân khu 7 tổ chức miễn phí. Thầy Trần Văn Tư, hiệu trưởng trường cho biết: “Ở đây có 256 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhận thức hơi chậm do môi trường sống biệt lập, không có điều kiện giao tiếp với bên ngoài nhưng đa phần các em đều muốn đi học.

Ở lớp 5, các em có thể biết được con số, nét chữ, nhận thức được thế giới xung quanh nhưng không thể nhận thức được cái nghèo và khao khát thoát nghèo. Sau khi hoàn thành 5 năm học, các em phải trở về nhà để lao động với cha mẹ, không thể học lên cao hay làm công việc gì khác vì không có giấy tờ hợp pháp”.

Sau hàng chục năm lưu lạc đến định cư trên vùng nước này, đến nay hầu hết làng người Việt trên Biển Hồ đều đã dựng lên được các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình với quy mô nhỏ lẻ. Mới chỉ 50% các hộ gia đình có tivi lấy nguồn điện sử dụng từ ắc quy, pin.

Còn những trạm bán xăng dầu, nhà xưởng sửa chữa máy thuyền, nhà máy lọc nước hay các cửa hàng lớn đều là của người dân bản địa. Khó khăn nhất với bà con là hầu hết các ấp không có cơ sở y tế nên mỗi lần ốm đều phải đi thuyền lên bờ vào bệnh viện mới được khám và điều trị.

Trẻ em tại làng sống vô tư cùng cha mẹ, chúng chỉ được học cao nhất đến lớp 5.

Trường dạy tiếng Việt dành cho trẻ em tại làng. Ở đây các em được học chữ, học các kiến thức cơ bản của cấp tiểu học.

Chỉ có mặt nước là chứa chấp số phận những con người vô danh trước pháp luật này.

Theo quy định mới của Campuchia, những người được cấp các giấy tờ trước năm 2014 đều không còn giá trị pháp lý, không được hỗ trợ bất cứ chính sách hay quyền lợi gì. Từ năm 2014 đến nay, trong tổng số hơn 2.400 người Việt sống trên Biển Hồ có 27% được cấp thẻ ngoại kiều.

Những người được cấp thẻ phải đóng tiền thuế thân liên tục trong 6 năm với số tiền 750.000 riel (khoảng 4 triệu đồng) mỗi năm. Nếu thực hiện tốt sẽ được hưởng chính sách nhập cư, đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh, mua xe, mua nhà ở và các tài sản trên đất nhưng đây là một điều khó thực hiện được với phần lớn cư dân tại đây.

Xuôi ngược dòng Cửu Long về đến hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, người Việt tại Biển Hồ chỉ còn nhớ về quê hương như một cái tên gọi mơ hồ. Trải qua bao thế hệ sinh sống tại đây, cuộc sống của Việt Kiều Biển Hồ vẫn chỉ quanh quẩn ở lưới tôm, chài cá sống qua ngày.

Chia sẻ

Bài viết

Thiên Ân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất