Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người thợ ảnh cố bám nghề ở bưu điện Sài Gòn: Những bức ảnh dần lùi vào trong ký ức

Trong những lúc khó khăn nhất, ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi) chọn bán chiếc xe dream cọc cạch, quyết giữ máy ảnh. Bởi đối với ông, những bức ảnh luôn có giá trị kỉ niệm, là công cụ duy nhất để ông sinh sống giữa Sài Gòn rộng lớn.

"Có ngày về tay không là chuyện bình thường"

Khi cuộc sống "bình thường mới" được thiết lập, nhiều bạn trẻ đã nô nức ra đường, quán xá rộn ràng tiếng nói cười. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi) vẫn đứng lặng lẽ góc Bưu điện TP.HCM.

Với chiếc máy ảnh trên tay, ông đã lưu lại biết bao khoảnh khắc tươi đẹp, ghi lại những nụ cười rạng rỡ của khách du lịch. Tuy nhiên, những bức ảnh ấy đã dần lùi vào trong kí ức khi người ta có điện thoại thông minh.

Người thợ ảnh cố bám nghề ở bưu điện Sài Gòn: Những bức ảnh dần lùi vào trong ký ức Ảnh 1

Hơn 30 năm trong nghề, đây là giai đoạn ông gặp nhiều khó khăn nhất. Ông Diên chia sẻ: "Kể từ khi TP.HCM mở cửa trở lại, tôi vui mừng lắm. Tôi bắt đầu đi chụp ảnh vào giữa tháng 10. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách vẫn chưa đông. Mỗi ngày tôi chụp được khoảng 2,3 tấm ảnh, có ngày được 5 tấm là cao nhất.

Người thợ ảnh cố bám nghề ở bưu điện Sài Gòn: Những bức ảnh dần lùi vào trong ký ức Ảnh 2

Nhưng, có ngày tôi phải về tay không vì người ta không ai chụp ảnh cả. Mỗi tấm tôi lấy 25.000 đồng. Tiền đó dùng để mua thức ăn, thức uống trang trải cuộc sống", ông Diên nói.

Căn trọ của ông Diên nằm khuất sau con đường Tạ Quang Bửu (quận 8). Trong căn phòng nhỏ đó, ông Diên đã một mình vượt qua những ngày giãn cách xã hội đầy khó khăn.

Người thợ ảnh cố bám nghề ở bưu điện Sài Gòn: Những bức ảnh dần lùi vào trong ký ức Ảnh 3

Theo ông chia sẻ, hơn 30 năm trong nghề, đây là giai đoạn ông gặp nhiều khó khăn nhất. Đám hỏi, đám cưới... người ta thường chọn người trẻ để chụp. Khách du lịch quốc tế đã ngừng đến Việt Nam từ đầu năm 2020. Trước bưu điện TP.HCM, người ta vẫn chụp ảnh cho nhau bằng chiếc điện thoại thông minh. 

Tuy nhiên, ông vẫn lặng lẽ ngồi đó cố bám trụ với nghề. Bởi với ông, những chiếc ảnh mang đầy những kỉ niệm, ghi lại các khoảnh khắc đáng nhớ trong đời. Và cũng từ nghề ảnh này, ông đã có thể sinh sống hơn 30 năm qua.

Những bức ảnh mang màu thời gian

“Tôi học chụp ảnh ở Sương Nguyệt Ánh trước năm 2000. Rồi đi làm đủ thứ nghề hết từ sửa xe, làm ruộng thuê, phụ hàng quán… Vợ tôi mất lâu rồi, con cái cũng tản đi khắp nơi làm ăn mà không khấm khá nổi. Giờ tôi là tự lực cánh sinh. 

Thật sự, trời đất cho sức khỏe chứ bệnh hoạn nằm đó không ai lo. Giờ tôi mà chết nằm đây cũng không ai biết tại đóng cửa sáng tối mà. Giờ chỉ mong có ai đó giúp tôi một ít đặng trả nợ cho người ta chứ bây giờ tôi thật sự khó khăn lắm”, ông Diên kể.

Người thợ ảnh cố bám nghề ở bưu điện Sài Gòn: Những bức ảnh dần lùi vào trong ký ức Ảnh 4

Trong những lúc khó khăn nhất, ông Nguyễn Văn Diên (79 tuổi) chọn bán chiếc xe dream cọc cạch để trả nợ, quyết giữ máy ảnh. Bởi đối với ông, những bức ảnh luôn có giá trị kỉ niệm, là công cụ duy nhất để ông sinh sống giữa Sài Gòn rộng lớn.

Có khách chụp rồi nhưng chẳng đến lấy, ông vẫn giữ ảnh lại, cất trong một chiếc hộp. Nhiều lúc thấy nghề nay bấp bênh quá, ông Diên đã từng có ý định đi bán vé số.

Người thợ ảnh cố bám nghề ở bưu điện Sài Gòn: Những bức ảnh dần lùi vào trong ký ức Ảnh 5

Ông nói: "Giờ chụp ảnh ế ẩm lắm. Tôi muốn chuyển sang bán vé số nhưng không được vì sức khỏe yếu. Tuổi tôi đã cao, đi lại khó khăn lắm". 

Bạn Kỳ Anh Nguyễn (sinh năm 1995), người đã từng ủng hộ chú Diên cho biết: "Chú từng nói với mình rằng con chụp tấm hình, rửa ra làm kỉ niệm, tấm hình sau này nó quý. Mình gặp chú vào một buổi chiều, dàng người gầy gò, đứng cạnh chiếc xe Dream, cổ đeo máy ảnh, trên ngực áo cài miếng bảng nhỏ: "CHÚ DIÊN - CHỤP ẢNH LẤY NGAY . 20.000/ 1 KIỂU."

Gần 80 mùa xuân rồi, chú cô độc một mình lúc tuổi già. Có thể những người nhiếp ảnh lúc về già, sau này bạn thấy, biết đâu họ của ngày xưa đã chụp cho bạn những khoảnh khắc tuổi thơ, những tấm ảnh ngày bé, được giữ cho đến bây giờ.

Người thợ ảnh cố bám nghề ở bưu điện Sài Gòn: Những bức ảnh dần lùi vào trong ký ức Ảnh 6

Chú già rồi nên hơi lãng tai, mình mong mọi người có ngang qua, hãy ghé lại giúp đỡ chú nhé. Chú cũng khó khăn nhưng chú không bỏ nghề, chú vẫn đó, nơi góc phố, giữ lấy kỉ niệm thay cho mọi người".

Giữa dòng người, dòng xe tấp nập đi qua, ông Diên vẫn đứng đó để lưu giữ khoảnh khắc đẹp tươi của cuộc đời. Đối với ông, đó là nghề, là nghiệp, là đam mê và những yêu thương mà ông muốn gìn giữ những tháng năm cuối đời.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Anh

Tin mới nhất