Sắc màu Cuộc Sống

21/6: Bởi chúng tôi đã sống cuộc đời của nhiều người khác

Hà Thương
Chia sẻ

Cuộc sống của chúng tôi ở trăm miền, công việc ở trăm con đường và bài viết ở trăm con người ngoài xã hội. Mỗi ngày được làm việc, đó là một ngày chúng tôi sống bằng một tâm hồn khác, con người khác, câu chuyện khác của cuộc đời. 

Sáng, nghe tin sếp bảo: “21/6, viết gì đó cho chúng ta đi”. Tôi đã cười gượng, mau lắc đầu từ chối.

Tôi tệ vậy đó! Chuyện đời, chuyện người thì đều kể vanh vách, đều có thể khiến hàng triệu bạn đọc khóc cười chỉ qua vài gợn câu ngọn chữ. Nhưng nói về mình… thôi tôi xin vì quả thực không biết phải nói gì và bắt đầu từ đâu.

Tôi quay lại với chiếc điện thoại, lướt… lướt… lướt…

Một tấm hình trắng đen hơi ố vàng, trong khung cảnh bạt ngàn của rừng núi, người con gái tóc xoăn đang mỉm cười khi một tay cầm chiếc máy ảnh, tay còn lại đang bám chặt anh nông dân băng qua suối dữ. Cô ghi: 20 năm rồi!

Lướt…

Một tốp 5 chàng trai trẻ, mặc chiếc áo lính xanh, đang nắm những nắm cơm nhỏ bọc trong lá rừng. Tất cả cùng ngồi trên tấm bạt rách, sau lưng là một ngọn đồi trọc. Họ ghi: Bao giờ màu xanh mới trở lại?

Lướt…

4 con xe máy kẹt cứng giữa đoạn lầy, một trong số 4 người theo chân về vùng cao đã ngã uỵch, trừ 2 con mắt còn lại người anh chỗ nào cũng đầy bùn. Nhưng nụ cười thì hãy còn trắng trẻo và tay không ngừng giơ cái micro cao qua đầu vì sợ lấm bẩn.

Lướt…

Một cô gái tên Vân có khuôn mặt già, chân tay lỏng lẽo, nằm gọn ở trong vòng tay anh. Vân là nhân vật đầu tiên anh viết. Cô mất đột ngột sau cái ngày anh kêu gọi gần 1 tỷ đồng chữa chạy căn bệnh bẩm sinh cho cô. Phút cuối cùng, cô gái bé nhỏ ấy vẫn một mực mong mẹ sẽ hiến tạng và giác mạc mình cho nhiều người khác. Nhưng chỉ có giác mạc của Vân được nhận, còn nội tang thì đã hỏng hết.

Câu chuyện nhân văn về ‘sự tử tế của cô gái cận kề cái chết’ đã từng gây chấn động truyền thông về sự truyền cảm hứng. Nhưng niềm đau và nước mắt thì đến giờ vẫn khiến anh và người nhà nạn nhân lâu lâu bật khóc.

Lướt…

Con lũ dữ Bình Định, cơn bão quật vào huyện nghèo Khánh Hoà, gió cấp 10 giật cấp 12 quật cổ thụ đổ rạp ra đường,… Nhưng đối trọng lại, cô phóng viên trẻ vẫn cầm micro hiên ngang như cầm súng, đứng giữa khung cảnh tan hoang đó để đưa tin về bão lũ miền Trung, lâu lâu cô nấc nghẹn ngào.

Mỗi ngày, mỗi giờ báo chí luôn làm nhiệm vụ đem đến cho bạn đọc hàng nghìn thông tin trên khắp vùng miền đất nước. Sự bùng nổ của thời đại báo mạng 4.0 lại khiến làng báo bước vào cuộc đua thông tin khốc liệt hơn, tuổi thọ của một bài báo vì thế ngắn hạn dần. Bởi chỉ sau 1 ngày, thông tin chèn lấp nhau và nếu không tạo ra hiệu ứng ‘viral’ thì đôi khi những bài viết tâm huyết của chúng tôi chỉ còn là quên lãng trong trí nhớ bạn đọc.

Nhưng đằng sau đó, chúng tôi có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để có được một bài viết chất lượng.

Như tôi vẫn tin, “trước tấm màn diễn, bạn chỉ thấy người diễn viên trong bộ trang phục lộng lẫy. Sau màn diễn, bạn thấy họ với cả mồ hôi và nước mắt”.

Tôi có một anh bạn, đầu năm 2018 sau lần tình cờ nghe được thông tin về đường dây bán nội tạng trái phép qua chia sẻ của một vài người dân chẳng rõ thật giả, anh quyết định ra Hà Nội. Chuyến đi theo chân cò mối ấy ấy kết thúc trong vòng nửa năm trời. Nguy hiểm rình rập, đe doạ không ngừng, và cả lần bị tiêm thuốc nửa tỉnh nửa mê để lấy cắp thận của dân buôn… anh bạn tôi vẫn một mực đánh đổi.

Anh làm tất cả chỉ để lắng nghe câu chuyện thật từ người trong cuộc, phơi bày góc khuất phía sau của đường dây buôn tạng trái phép đã hoạt động nhiều năm nay. Trang viết của anh được xuất bản vào một sớm cuối năm. Người người truyền tay nhau, lặng đi trước những dòng viết đầy cảm động, đa phần đều là lần đầu tiên được nghe về thị trường đen ấy.

Nhưng đó là lần may mắn duy nhất của anh trong sự nghiệp. Sau này, trong nhiều tuyến bài nằm vùng khác, anh thất bại toàn tập. Có tháng liền theo chân bị đe doạ, đánh đập, sắm thêm cho mình vài vết sẹo dài trên người… thậm chí một đêm anh gọi điện cho tôi rồi nức nở: Hết rồi H. à! Nhưng sáng hôm sau, trên mạng xã hội, tôi vẫn thấy anh đang vật lộn dưới cống, sau lớp bùn đen là lấm tấm mụn, sợi tóc bạc phân nửa, anh cười: Đã ăn vào trong máu.

Nếu hỏi chúng tôi, chúng tôi đang làm công việc này vì mục đích gì? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời, vì sống cuộc đời của nhiều người khác.

Người ta tất nhiên có thể phản bác: “Hoa mỹ hoá, báo cũng là cái nghề vì đồng tiền manh áo, cũng bám đuôi, vòi vĩnh moi tiền doanh nghiệp. Nói không buồn khi nghe họ bảo thế, đó là không đúng. Tôi buồn, nhưng chẳng có lý do gì để bắt người đọc thôi lên tiếng về suy nghĩ riêng của mình.

Tôi chỉ nhớ: Lần đầu tiên, tôi quyết tâm đeo đuổi cái nghề này là khi tôi 19, cậu sinh viên năm 2 một buổi chiều tình cờ gặp 2 bà lão dưới chân Cầu Kho (Q.1, TP.HCM). Người 90, người 96 ngồi co ro trong căn lều che bạt rách, chìa những bàn tay bé như chân gà xin tôi đồng bạc lẻ. 2 cụ không nhà, không thân thích, không con cái và không đoán định cái chết đến lúc nào, nhưng đã đùm bọc nhau trong ngày tháng cuối đời như thế.

Tôi thương.

Nếu đã có ngòi bút này, có lòng trắc ẩn và những trải nghiệm thật như vậy, tôi muốn đưa cuộc đời họ đến với tất cả mọi người. Bài viết đầu tiên năm đó của tôi đã chạm vào trái tim của chàng doanh nhân trẻ. Sau đó không lâu, chính chàng tìm tới tận nơi, nhận 2 cụ làm mẹ nuôi và đưa về nhà phụng dưỡng cho đến cuối đời.

Đó! Cuộc sống ngoài kia rộng mở vô chừng, hàng triệu người, hàng triệu góc khuất, hàng triệu câu chuyện mỗi ngày mà chúng ta có thể thương nhưng chưa bao giờ lắng nghe. Chúng tôi có nhiệm vụ kết nối chúng lại với nhau.

Chúng tôi luôn trong tư thế của cuộc chạy đua, suốt ngày sống trên đường, thường xuyên vắng nhà, ăn ngủ không đủ giấc, và đôi khi còn bị mắng chửi, đánh đập… Nhưng chúng tôi vui.

Bạn bè gọi điện, tôi vẫn bảo bận. Nhưng lúc thì bận ở quận 5, lúc Gò Vấp, lúc đang trên xuồng Long An, vượt biển ở Nha Trang, băng rừng Đắk Nông,… hay một ngày đăng tấm hình chụp cùng tô mì nước lạnh trên đỉnh núi cùng vài người giáo viên.

Cuộc sống của chúng tôi ở trăm miền, công việc ở trăm con đường và bài viết ở trăm con người ngoài xã hội. Mỗi ngày được làm việc, đó là một ngày chúng tôi sống bằng một tâm hồn khác, con người khác, câu chuyện khác của cuộc đời.

Tôi thích cảm giác hôm nay tôi sẽ là bà lão nhặt ve chai kể chuyện, sáng mai có thể là một cô nàng vừa khởi nghiệp thành công ở nước ngoài, hôm sau thì ra Trường Sa làm lính đảo, bữa khác đau đớn nằm cận kề lằn ranh sống chết trong căn buồng bệnh viện ngập mùi thuốc,… Chúng tôi đã có những cuộc đời khác để sống như thế!

Nói tới đây, chắc bạn cũng đã thấy những cuộc đời khác của chúng tôi! Nhưng hôm nay là ngày của riêng của nghề báo, tôi xin được phép sống một ngày của cuộc đời tôi. Không vội vã, không ồn ào, nếu hôm nay là ngày của chính mình, tôi muốn gửi lại lời cảm ơn và khâm phục!

Hỡi những con người đã sống cuộc đời của nhiều người khác, tôi ơi!

Chia sẻ

Bài viết

Hà Thương

Tin mới nhất