Sắc màu Cuộc Sống

Nắng nóng hơn 40 độ, nhiều chó mèo Tây phải nhập viện cấp cứu vì bị sốc nhiệt

Định Nguyễn
Chia sẻ

Do thời tiết nắng nóng hơn 40 độ C, nhiều chó, mèo có lớp lông dày phải nhập viện vì bị sốc nhiệt. Những thú cưng này được các bác sĩ thú y truyền nước cấp cứu…

Mấy ngày qua, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhiều nơi nắng đỉnh điểm hơn 40 độ C. Những ngày này, Bệnh viện Thú y thuộc Viện Thú Y quốc gia, nằm trên đường Trường Chinh, Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận hơn 100 trường hợp thú cưng đến chữa trị vì các bệnh liên quan đến nắng nóng như viêm hô hấp, viêm da, viêm ruột, đặc biệt sốc nhiệt… Chúng đa phần là chó, mèo Tây có lớp lông dày không quen thời tiết tại Việt Nam.

Do nắng nóng nhiều thú cưng được đưa đến bệnh viện.

Do nắng nóng nhiều thú cưng bị sốc nhiệt.

Tiếp nhận một chú chó Alaska liên tục chảy máu mũi, bà Phạm Thị Lan Hương, quản lý Bệnh viện Thú y cùng đội ngũ nhân viên vội vã khám rồi chườm đá làm mát cơ thể. Chú chó này sau đó được bác sĩ thú y vệ sinh thân thể đưa đi truyền nước.

Có thú cưng bị sốc nhiệt phải đưa đến bệnh viện, chị Hoàng Lan Anh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tỏ ra vô cùng lo lắng. Chị Lan Anh cho biết, con chó của gia đình bỏ ăn, sau đó liên tục thở dốc rồi chảy máu cam nên chị vội đưa đến bệnh viện để các bác sĩ thú y thăm khám.

Những thú cưng bị sốc nhiệt đều là chó, mèo ngoại.

Các bác sĩ thú y đang chăm sóc cho những chú chó mèo bị sốc nhiệt.

Chứng kiến thú cưng của mình bị sốc nhiệt khiến chị Lan Anh đứng ngồi không yên. Chị Lan Anh là người yêu động vật nên nuôi được nhiều năm nay. Chú chó như người bạn đối với chị vậy.

“Hằng ngày nhà tôi đều bật điều hoà cho nó ở phòng riêng. Tuy nhiên, có lúc nó mở cửa chạy ra ngoài. Lớp lông quá dày khiến con chó của gia đình tôi bị sốc nhiệt. Cũng may đưa đến bệnh viện kịp thời nếu không nó không qua khỏi được”, chị Lan Anh chia sẻ.

Không riêng gì chó nhà chị Lan Anh mà hàng loạt chó Tây, mèo Tây… đều được đưa tới bệnh viện để khám, truyền nước. Thậm chí có gia đình cả một đàn chó được chủ đưa đến “tiếp nước”.

Ôm chú chó phốc bị chảy máu cam đến viện, chị Hải Minh ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, trước khi nuôi chó ngoại chị cũng tìm hiểu rất kỹ cũng như thời tiết tại Việt Nam. Hằng ngày chị Hải Minh đều cho chó nằm điều hoà. Loài chó này có bộ lông trắng rất dày cứ thời gian chị lại đưa đi spa để cắt tỉa lông.

“Đi tập thể dục là nó theo tôi. Chắc mấy hôm nắng quá ra ngoài lớp lông quá dày nên nó bị sốc nhiệt. Sau lần này tôi sẽ cắt tỉa toàn bộ lông cho nó mát”, chị Hải Minh nói.

Những thú cưng này có lớp lông rất dày.

Bà Phạm Thị Lan Hương, quản lý Bệnh viện Thú y cho biết, nắng nóng là nguyên nhân chính gây bệnh về hô hấp, cảm, bệnh dại… trên vật nuôi. “Những ngày nắng nóng này, số lượng thú cưng đến viện tăng gấp nhiều lần ngày thường. Mỗi ngày trung bình có 100 ca đến bệnh viện.

Theo bà Hương, vật nuôi khi đến khám được theo dõi lâm sàng, nếu bị sốc nhiệt sẽ ngay lập tức được tiêm thuốc hạ sốt, thuốc cầm máu để tránh vỡ mạch máu mũi, truyền dịch, chườm mát, cắt bớt lông. Nhiệt độ thích hợp để nuôi thú cưng là 28-30 độ C. Những vật nuôi có bộ lông dài hoặc giống nhập ngoại thường gặp tình trạng sốc nhiệt do không thích nghi được khí hậu Việt Nam.

Nhiều người cũng đưa thú cưng đi cắt tỉa lông để tránh nóng.

Các triệu chứng dễ thấy là vật nuôi thở dốc, thân nhiệt cao, chảy máu mũi, tứ chi co cứng, co giật… Vật nuôi sẽ được truyền nước và đường để hạ sốt, tránh mất nước. Mỗi bình truyền cùng lúc cho nhiều con vật. Để giữ an toàn, y tá phải cố định tứ chi vật nuôi để tránh bị cắn, cào khi tiếp xúc.

“Chó là giống dễ hấp thu nhiệt nhưng lại hạn chế giải phóng nhiệt, nên khi nhiệt độ quá nóng, nguy cơ đột quỵ là rất cao. Quạt và điều hoà giữ cho nhiệt độ phòng ở mức 25 độ C. Người dân nên cho chó mèo ăn uống đầy đủ, tránh ra ngoài vào thời điểm 10h đến 17h hằng ngày. Ngoài ra các loài chó mèo lông dày phải thường xuyên được cắt tỉa”, bà Hương thông tin.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất