Sắc màu Cuộc Sống

Miền Trung còn lại gì sau những đau thương mùa lũ dữ?

Khải Anh
Chia sẻ

Hành trình từ Quảng Trị ra Quảng Bình của chúng tôi đầy ám ảnh bởi những dấu vết của lũ. Cơn lũ dữ đi qua để lại khung cảnh tan hoang và những câu chuyện thấm đẫm nước mắt. Miền Trung, đang oằn mình gánh những thương đau.

Miền kí ức đau thương

Lũ, thật khó để diễn tả hết sự dữ dội, mất mát, đau thương mà nó để lại. Đường đi Quảng Bình có những đoạn đường đặc quánh sình đất do lũ vừa đi qua, những dòng sông đỏ lự giận dữ cao ngang mặt đường chực chờ dâng trào. Những cánh đồng, ngôi mã... còn chìm trong biển nước. Huyện Vĩnh Linh nằm ở vùng trũng của Quảng Trị nên tình trạng ngập lụt sâu diễn ra trên diện rộng.

Ngôi nhà sau lũ

Điều khiến chúng tôi ám ảnh nhất đó chính là những vạch mức, tức là sau khi nước đã rút đi vẫn còn để lại vết hằn trên vách tường. Nó đánh dấu sự dâng tràn khủng khiếp của nước lũ. Có nhà ngập đến gần mái, nhìn vạch mức chúng tôi không dám tưởng tượng rằng những con người dưới mái nhà ấy sẽ xoay trở thế nào dưới cơn thịnh nộ của đất trời.

Đoạn đường bùn lầy sau lũ

Anh Nguyễn Văn Bé (ngụ Quảng Trị) kể về đêm kinh hoàng của gia đình: “Mưa trút xuống mái nhà và nước lũ dâng nhanh khủng khiếp. Ban đầu là đến chân, hông, rồi quá cổ người lớn. Nhà chúng tôi có 4 người gồm tôi, vợ và hai con gái. Điện mất khiến ngôi nhà như chìm vào màn đêm và giông bão. Tôi lấy chút sức lực cuối cùng để chồm lên gọi điện thoại cho đội cứu hộ và được đưa đi ngay sau đó. Lũ quét gần như là mất trắng, không thể cứu được đàn gà vịt trong chuồng. Bao nhiêu tài sản tích cóp của hai vợ chồng đều đi theo con nước”.

Lũ đến bất ngờ khiến người ta không kịp tưởng tượng đến sự khủng khiếp của thiên tai mà mình sắp phải gánh chịu. Có gia đình mất trắng tài sản dụm sau nhiều năm dành, có mẹ mất con, có bà mất cháu… Hay khủng khiếp hơn là vùng sạt lở chôn vùi những con người còn đang đầy sức trẻ. Không ít lần khi nghe những câu chuyện đầy nỗi niềm đó, chúng tôi cảm thấy lòng mình nặng trĩu. Lũ, là một miền kí ức đau thương.

Sẽ có cầu vồng sau cơn mưa

“Nó kinh khủng như trận lũ năm 1999 vậy em ạ. Năm đó, chị ở Huế vừa tròn hai mươi” – chị Thu Hoà (41 tuổi) bắt đầu câu chuyện về lũ với chúng tôi như thế. Là người con miền Trung, chị đã từng trải qua nhiều trận lũ kinh hoàng. Nó nhấn chìm tài sản, con người, nhà cửa, vườn tược. Nó là miền kí ức đau thương mà mỗi lần nhắc nhớ về giọng chị vẫn run lên bần bật. 

Lúc lũ về Quảng Trị, nước dâng ngang ngực, chị buộc lòng phải leo lên mái nhà với người con gái. Cả gia đình không chuẩn bị áo phao, hoảng sợ và chông chênh khi con nước ngày càng dâng cao. Chị ở mái nhà cả đêm, dựng một tấm ván rồi hai mẹ con ngồi trên đó đợi cho nước rút.

 “Bây giờ nhớ lại chị vẫn thấy sợ. Chị không thể gọi được cứu hộ ngay trong đêm đó, và cũng không dám tưởng tượng nếu mình rơi vào dòng nước đục ngầu đang cuộn xoáy hung tợn đó thì sẽ thế nào. Chị chỉ biết run rẩy và đợi chờ, rất may mắn là cả gia đình đều bình an” – chị bồi bồi nhớ lại. 

Nhưng sau khi nước rút, chị vẫn sẽ dựng lại mái nhà của mình, gieo thêm mớ hạt cho luống rau sau vườn, dọn sạch cái chuồng trại tan hoang để thả thêm bầy gà mới… Đó là nghị lực phi thường của những con người miền Trung. Dù có giông bão, khó khăn nhưng trong họ vẫn luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt. 

Giữa đau thương, người dân miền Trung không hề đơn độc, họ đùm bọc lẫn nhau và người dân cả nước hướng về họ. Những số điện thoại cứu trợ được đăng tải. Ai gặp khó khăn kêu cứu lập tức có người lắng nghe và chạy đến.

Chị Vân Anh (Huế) kể lại: "Mình ở khu Vỹ Dạ, dù địa hình khá cao nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi bão. Hôm đó nhà mình mất điện suốt mấy tiếng đồng hồ nên không thể nấu ăn được. May mà có một dì đã đến tiếp tế mì tôm và một số vật phẩm cần thiết. Ở đây, người dân không thể đi xe máy mà chỉ lội lụt hoặc di chuyển bằng thuyền thôi. Nhìn dì lội lụt mình thương lắm".

Trong chuyến bay đến miền Trung, chúng tôi đã gặp không ít đoàn cứu trợ. Họ đem theo mì gói, chăn màn, áo phao… gửi đến bà con đang gặp hoạn nạn. Trên mạng, giới trẻ thanh lí đồ dùng để gây quỹ quyên góp. Đầu cầu Hà Nội, Nghệ An họp nhau gói hàng nghìn chiếc bánh chưng. Những món quà nhỏ nhưng gói ghém cả tấm lòng của người dân trên mọi miền tổ quốc.

Tưởng như đã mất hết tất cả, chỉ còn lại nước mắt, vậy mà miền Trung vẫn kiên cường. Song hành với nỗi đau, tình người cũng ở lại. Xúc động nhất, có lẽ là tấm lòng quả cảm của các chiến sĩ, các bộ. Có người ra đi mãi mãi, có người vượt nước lũ trở về bình an nhưng tinh thần dấn thân của họ khiến đồng bào miền Trung tự hào và người dân cả nước phải cúi đầu ngưỡng mộ.

Miền Trung còn lại gì khi dòng lũ dữ qua đi, chắc chắn, đau thương và mất mát là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, với niềm tin vào những điều tốt đẹp đã được "cài cắm" sâu xa trong lòng dân tộc là yêu thương, đoàn kết và san sẻ, miền Trung rồi sẽ vượt qua những ngày mưa bão để đón nắng bình an, hạnh phúc.

 

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất