Sắc màu Cuộc Sống

Lũ lớn ở Quảng Trị vượt lịch sử, báo động sạt lở đất

Hà Phương (Tổng hợp)
Chia sẻ

Hiện mức lũ trên trên sông Thạch Hãn ở Quảng Trị đã lên đến báo động 3, vượt qua lũ lịch sử năm 1999 là 10cm.

Tại cuộc khẩn ứng phó với mưa lớn ở miền Trung diễn ra vào sáng nay (ngày 18/10), ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lũ trên sông Thạch Hãn ở Quảng Trị đã lên đến báo động 3, trong ngày hôm nay xuống chậm. Đến trưa chiều nay, mực nước lũ dự kiến sẽ vượt báo động 3 là 1m30.

Trước đó, mức nước lũ đo được tại con sông này đã vượt lũ lịch sử năm 1999 là 10 cm. Mực nước lũ trên sông Hiếu đã cao hơn mức nước cao kỷ lục vào ngày 8/10 vừa qua là 63cm. 

Lũ lớn ở Quảng Trị vượt lịch sử, báo động sạt lở đất Ảnh 1
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh Tuổi Trẻ

Trong khi đó, sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Quảng Bình) lúc 7h sáng nay xấp xỉ ở mức kỷ lục năm 1979 ở mức 3,91m. Dự báo trong chiều nay, nước lũ trên sông này sẽ lên cao hơn lịch sử 0,3-0,4m. Dự báo lũ ở sông Gianh (Quảng Bình) cũng sẽ lên, trưa chiều nay ở mức báo động 3 và vượt báo động 3. Trung tâm dự báo quốc gia đã nâng mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. 

Cũng theo ông Khiêm, mưa hôm qua tập trung nhiều ở khu vực Quảng Trị, Huế và vùng mưa hiện đang dịch chuyển ra phía bắc ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Lượng mưa hôm nay và ngày mai có thể lên tới 400-600mm, Hà Tĩnh và Quảng Bình nguy cơ có lũ rất cao trong ngày hôm nay. Các khu vực miền núi có thể xảy ra sạt lở đất bất cứ lúc nào, Tuổi Trẻ đưa tin.

Hiện lượng mưa ở các khu vực Quảng Trị trở vào sẽ giảm xuống, còn 50-80mm trong 24h tới. Tuy nhiên, khi không khí lạnh tăng cường từ ngày mai, các tỉnh Quảng Trị, Huế tiếp tục có mưa 100-150mm trong 24h bắt đầu từ đêm 19/10.

Lũ lớn ở Quảng Trị vượt lịch sử, báo động sạt lở đất Ảnh 2
Mưa lũ, ngập lụt ở miền Trung ngày một gia tăng. Ảnh VTV

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có Công điện tới các địa phương là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam về các yêu cầu cấp bách trong việc ứng phó mưa lũ, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, di dời người dân ở các khu dân cư có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. 

Bên cạnh đó, các địa phương cần phải bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; đồng thời tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự; tuyên truyền và hướng dẫn người dân các kỹ năng bảo đảm an toàn để hạn chế rủi ro.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Phương (Tổng hợp)

Tin mới nhất