Sắc màu Cuộc Sống

'Lớp học' dưới bóng dù của anh nhân viên ngân hàng và cô bé bán vé số

Bảo Ngọc
Chia sẻ

Có một lớp học đặc biệt được bao bọc xung quanh bởi tiếng còi xe ồn ào, tiếng rao vặt của những gánh hàng rong và cái nắng gay gắt của buổi trưa hè. Thế nhưng, thầy vẫn dạy và trò vẫn học, dẫu thời gian “lên lớp” chỉ vỏn vẹn nửa giờ đồng hồ.

Giữa lòng Sài Gòn hiện đại, vẫn ngày ngày tồn tại một lớp học không bàn ghế, không bảng phấn, không balo và cũng không đồng phục… thậm chí, những điều cơ bản nhất của một lớp học cần có cũng là không. Thế nhưng, mỗi ngày vỉa hè của khuôn viên ngân hàng tại đường Trần Hưng Đạo vẫn đều đặn vang lên tiếng giảng bài say mê của một anh nhân viên văn phòng và giọng đánh vần ê a của cô học trò nhỏ mặt mày nhem nhuốc nép mình dưới bóng dù.

Lớp học đặc biệt của cô học trò 8 tuổi với quyển sách lớp 1 và thầy giáo chưa bao giờ đứng lớp.

Thầy không đồng lương và trò không học phí

Từ nhiều tháng nay, người dân quanh khu vực đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TP.HCM đã không còn xa lạ với hình ảnh “lớp học” đặc biệt của “thầy giáo” Lê Hà Tú (27 tuổi) và cô học trò nhỏ - Bùi Ngọc Tú ( 9 tuổi), bé gái bán vé số chưa từng được đến lớp.

Vốn là một nhân viên ngân hàng và không hề được trang bị kiến thức về chuyên môn sư phạm, công việc giảng dạy đến với anh Hà Tú một cách hết sức tình cờ. Vào tháng 10/2016, trong một lần tình cờ bắt gặp hình ảnh một cô bé 8 tuổi tay cầm xấp vé số rong ruổi khắp con đường bất kể nắng mưa để chào mời khiến anh không khỏi chạnh lòng. Mặc cho những vất vả của công việc mưu sinh, vẻ mặt hồn nhiên, lanh lợi đã giúp em nhận về khá nhiều sự quan tâm từ mọi người xung quanh và trong đó có anh.

Ban đầu, từ những tấm vé số mua ủng hộ đến hộp cơm trưa xoa dịu cơn đói, dần dần anh Tú cũng hiểu hơn về gia cảnh của cô bé và về cả thiệt thòi chưa bao giờ được đến lớp. Được biết, gia đình Ngọc Tú khá khó khăn: bố mẹ làm thuê ở quê, còn bà nội dắt hai chị em lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Cứ đều đặn 7h sáng hằng ngày, em cùng bà và chị gái (Tiền - 14 tuổi, cũng chỉ học đến lớp 4) đi dọc theo các con đường ở quận 5 để chào bán từng tấm vé số. Rồi khi chiều xuống, em tranh thủ quay về đại lí tắm rửa ăn uống để tiếp tục đi bán cho đến tối mịt.

“Đáng ra ở độ tuổi như em, các bé khác đã học đến lớp 3, lớp 4 thì việc chưa biết một con chữ nào thật sự là một thiệt thòi quá lớn, rồi làm sao em có thể tìm được một công việc ổn định hơn trong tương lai. Thấy thế, mình mới bảo em rằng cứ 12g30 - 13g trưa mỗi ngày cứ đến đây, mình sẽ dạy học miễn phí cho” - anh Hà Tú chia sẻ.

“Khoảng thời gian giữa trưa nắng nóng khủng khiếp, đôi lúc tôi cũng ái ngại bước ra khỏi cửa văn phòng, nhưng nghĩ cô bé 8 tuổi đang trông chờ, tôi liền gạt ra khỏi đầu suy nghĩ này”.

30 phút mỗi ngày chở theo ước mơ con chữ

“Hôm nay thầy xuống trễ 5 phút rồi nhé!” - giọng nói hồn nhiên của cô học trò nhỏ như làm dịu mát đi cái nóng oi ả của những buổi trưa đầu hè. Dẫu công việc mưu sinh cực nhọc, dẫu cần mẫn rảo bước khắp mọi nẻo đường nhưng chưa hôm nào trong suốt 7 tháng qua, em bỏ dở 1 buổi “lên lớp”. Không bảng đen, phấn trắng, lớp học với em đơn giản chỉ là quyển sách giáo khoa, quyển vở, cây bút (được mọi người xung quanh mua tặng) và giọng giảng bài say mê của “thầy” Hà Tú bên dưới bóng dù.

“Bản thân mình chưa từng học qua trường lớp sư phạm nên ban đầu mình khá loay hoay chẳng biết phải truyền đạt cho em bằng cách nào. Nhưng cũng may mắn thay, vợ mình là giáo viên cấp 3, nên từ đó mình bắt đầu liên hệ và được nhận về giáo án lớp 1 từ bạn của vợ. Riêng phần nào mình không biết cách truyền đạt sẽ được mọi người hướng dẫn rất tận tình để có thể dạy lại cho em” - “thầy giáo” 9X chia sẻ.

Vì nhận thức của bé khác những đứa trẻ cùng trang lứa nên anh Hà Tú buộc phải linh hoạt điều chỉnh cách dạy cho phù hợp.

“Cách đây ít tuần, mình có dạy bé chữ “lễ”, cũng nhân ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương sắp đến, mình mang điều này ra giải thích. Thế nhưng, bé hỏi ngược lại mình “lễ” là gì? sao ngày đó lại được nghỉ? còn vua Hùng Vương là ai?”

Thật ra trong cuộc sống của bé hoàn toàn không có khái niệm nghỉ lễ mà chỉ có công việc bán vé số đều đặn tiếp diễn hằng ngày. Và niềm vui duy nhất chính là trông chờ một ngày cuối tuần hiếm hoi nào đó được cho nghỉ bán. Dẫu là thứ hai, thứ ba em đã bắt đầu đếm ngược để trông chờ đến chủ nhật - một ngày “lễ” được nghỉ làm theo cách định nghĩa của riêng em.

“Tôi chưa bao giờ xem em là người dưng”

Mỗi ngày, đều đặn vào trưa thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần là thời điểm lên lớp cả thầy và trò (riêng buổi trưa ngày thứ 6, anh Hà Tú dành để đi ăn cùng các đồng nghiệp trong văn phòng). Lớp học đơn giản cũng chỉ là bậc thềm trước vỉa hè, túi dụng cụ bao gồm: viết, thước, sách, vở cũ, nhưng là niềm háo hức mỗi ngày của cô học trò nhỏ.

“Giờ nghỉ trưa theo quy định của văn phòng là từ 12h - 13h, thế nên hôm nào tôi cũng tranh thủ ăn vội để 12h30 xuống dạy học cho bé. Thời điểm trước Tết, khuôn viên này còn có bóng râm dịu mát, thế nhưng thời gian gần đây, nắng nóng oi ả vào thời điểm giữa trưa nên mỗi lần dạy học tôi đều phải mang theo chiếc dù. Khi giảng bài có thể che cho hai thầy trò đỡ chói, còn lúc mình chấm bài, bé cũng có cái chơi đùa trong khi chờ đợi” - “thầy giáo” trẻ cho hay.

Nắng nóng đã có bóng dù còn khi mưa hai thầy trò ôm vội sách vở chạy vào sảnh ngân hàng để tiếp tục ê a từng con chữ. Lớp học chưa một ngày gián đoạn và trang vở dần được lắp đầy bằng những nét chữ chưa tròn và những lời nhận xét tâm huyết của “thầy”. “Tôi viết những lời nhận xét lên vở thế thôi, nhưng bé cũng đã đọc hiểu được đâu. Phần vì để chị hai của bé về nhắc nhở thêm, phần là để sau này khi đã rành rọt hơn bé có thể xem lại quá trình học của mình”.

Anh Hà Tú và hai chị em cô bé học trò bán vé số đáng yêu. Ảnh: FB Le Ha Tu

Dẫu thời gian học tập hạn hẹp: nửa giờ mỗi ngày và 4 ngày/ tuần, nhưng cô bé Ngọc Tú tiến bộ khá nhanh. Giờ đây bé đã thuộc bảng chữ cái, ghép vần và phần nào đọc được những chữ 2 âm tiết, những câu ngắn từ 4 - 6 từ. Do kĩ năng buôn bán hằng ngày nên bé cộng nhẩm khá nhanh, thậm chí những bài toán lên đến hàng triệu cũng có thể giải đúng và nhanh trong tích tắc.

“Có một hôm trời mưa em bị ướt và hỏng hết vở. Mình định hôm sau sẽ mua cho em quyển mới, thế nhưng chưa kịp mua thì em đã hào hứng khoe: “Con mới lấy tiền bán vé mua 2 quyển rổi, tận 8.000 đồng đó thầy”. Có thể với mình và mọi người 8.000 đồng chưa đủ cho một cốc nước, thế nhưng với em là cả 1 buổi rong ruổi bán 8 tờ vé số (mỗi tờ vé số bán được em nhận về 1.000 đồng). Cực nhọc như thế, nhưng thay vì mua cho mình một ổ bánh mì, một món đồ chơi yêu thích, em lại dồn tiền cho việc học thì một “người thầy” bất đắc dĩ như mình chẳng có lí do gì để không tiếp tục cố gắng” - anh Tú trải lòng.

“Mình chưa bao giờ xem bé là người dưng mà là một đứa em gái trong gia đình. Nghĩ ra thấy mình cũng thiếu quan tâm thật, con bé thiệt thòi nhiều, đến giờ cũng chẳng biết công viên hay sở thú là gì, cuộc sống thu hẹp quanh bán kính 1km tại đại lí vé số, vậy mà mình cũng chưa lần nào dẫn bé đi đâu đó chơi…”.

Trước khi chia tay, anh Tú chia sẻ: “Qua Saostar, tôi mong sẽ có trung tâm nào đó sẽ đón nhận bé bằng một chỗ học miễn phí có đầy đủ cơ sở vật chất và bài bản hơn thế này. Nếu được như vậy chắc con bé sẽ vui mừng lắm, mà tôi cũng yên tâm hơn cho tương lai của nó”.

Chia sẻ

Bài viết

Bảo Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất