Sắc màu Cuộc Sống

Lễ độc lập trong ký ức người bảo vệ lễ đài năm 1945

Theo VnExpress
Chia sẻ

Hơn 70 năm trôi qua nhưng ông Phạm Gia Đốc vẫn giữ nguyên vẹn ký ức và cảm xúc về Lễ độc lập mùa thu năm 1945.

Mỗi năm, cứ đến ngày 2/9, ông Phạm Gia Đốc (95 tuổi, phố Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại nhắn nhủ con cháu về quây quần bên mâm cơm gia đình, và kể lại những giây phút hạnh phúc nhất đời ông, khi đứng dưới lễ đài nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

Ông Phạm Gia Đốc. Ảnh: Viết Tuân

Sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, ông Phạm Gia Đốc tham gia cách mạng khi mới 19 tuổi, đang là công nhân nhà máy điện Yên Phụ. Tháng 8/1945, ông Đốc và một số cán bộ ưu tú được ông Chu Đình Xương - giám đốc sở công an Bắc Bộ mời đến gặp để bàn “việc cơ mật”. Đến nơi, ông mới biết đó là nhiệm vụ bảo vệ lễ đài độc lập khi Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân.

Tôi nghe xong mà toát mồ hôi, phần vì vui sướng, phần vì hồi hộp vì chưa từng được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy; cũng chưa biết chương trình buổi lễ hôm đó ra sao, lễ đài thế nào thì làm thế nào để bảo vệ an toàn”, ông Đốc nhớ lại.

Những người được giao nhiệm vụ quan trọng ấy, mỗi người được phát một khẩu súng ngắn cùng mấy viên đạn, vì vũ khí ngày đó rất hiếm, chủ yếu do cướp được từ quân Nhật, Pháp.

Từ khi được giao nhiệm vụ, ông Đốc mất ăn, mất ngủ vì lo lắng. Ngày đó, các thành phần chống cách mạng vẫn hoạt động rất mạnh ở Hà Nội, trong khi lực lượng bảo vệ lễ đài của Việt Minh lại quá ít.

Đầu giờ chiều ngày 2/9, trời Hà Nội hôm ấy nắng thu vàng nhẹ. Ông Đốc mặc áo sơ mi trắng, quần tây, súng dắt bên hông, có mặt ở quảng trường Ba Đình từ sớm.

Những đoàn người từ khắp nơi diễu hành qua các phố đổ về quảng trường với cờ hoa, biểu ngữ bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga như: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”…

Ai cũng sắm những bộ quần áo tươm tất đi dự. Phụ nữ Hà Nội mặc áo dài, công nhân quần xanh áo trắng, người dân ngoại thành áo nâu, phụ nữ nông thôn mặc áo tứ thân, đầu vấn tóc…

Trước khi buổi lễ diễn ra, ông Chu Đình Xương đi kiểm tra một lần nữa công việc bảo vệ, căn dặn các chiến sĩ nhớ nhiệm vụ “bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lễ đài độc lập, không để thành phần chống cách mạng bắn súng, ném lựu đạn lên lễ đài”.

Ba vòng bảo vệ quanh lễ đài độc lập được thiết lập do ba lực lượng đảm nhiệm. Các đơn vị giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội trực tiếp bảo vệ lễ đài ở vòng trong. Ông Đốc và các chiến sĩ sở công an Bắc Bộ đứng ở vòng hai, dưới chân lễ đài, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu bảo vệ vòng ngoài cùng. Ông Chu Đình Xương là người trực tiếp bảo vệ Hồ Chủ tịch.

2h chiều, mọi công tác đã chuẩn bị xong. Chiếc xe Citroën màu đen được hộ tống bởi hai moto và các chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp từ từ tiến vào quảng trường Ba Đình. “Tôi đứng quay mặt về phía trước, nên chỉ nhìn thấy đoàn xe thấp thoáng đi qua quảng trường rồi vòng ra sau lễ đài”, ông Đốc nhớ lại.

Sau nghi lễ kéo cờ và quốc ca, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Đứng dưới, ông Đốc nghe giọng Nghệ Tĩnh sang sảng cất lên trên loa vang khắp quảng trường: “Hỡi đồng bào cả nước…”. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại phút giây ấy, ông lại run run xúc động. Đó là lần đầu tiên trong đời, ông được nghe những từ mà không bao giờ dám nghĩ đến như độc lập, tự do, bình đẳng, hạnh phúc…

Vì làm nhiệm vụ nên khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, ông chỉ nghe thấy giọng đọc chứ không được nhìn lên lễ đài như hàng vạn đồng bào phía dưới.

Khi cụ Hồ dừng lại hỏi: 'Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?', cả quảng trường đang im phăng phắc bỗng hô lớn đáp lại: 'Rõ', thì nước mắt tôi chực trào ra. Tôi cố gắng đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng về phía trước suốt buổi lễ”, ông kể.

Nhưng khi nghe danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ông Đốc thầm nghĩ băn khoăn vì sao đó không phải là cụ Nguyễn Ái Quốc? Bởi cái tên Nguyễn Ái Quốc từ lâu đã thân thuộc với thế hệ thanh niên và người dân Hà Nội yêu nước lúc bấy giờ.

Kết thúc buổi lễ, ông mới vỡ oà khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà ông vẫn kính trọng bấy lâu nay.

Sau lễ, những đoàn người hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam, ủng hộ Chính phủ lâm thời, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh… và diễu hành qua những tuyến phố chính ở Hà Nội.

Ông Đốc nhớ lại: “Đến lúc đó chúng tôi mới thở phào vì đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lễ đài độc lập. Đó là niềm vui lớn nhất trong đời tôi”.

Sau ngày độc lập, ông Phạm Gia Đốc còn tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Với những cống hiến không ngừng nghỉ, năm 2018, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất