Sắc màu Cuộc Sống

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể

Khải Anh
Chia sẻ

Nếu đã từng xem Bố Già, chắc hẳn bạn sẽ ấn tượng con hẻm nơi mà các nhân vật Ba Sang, Woắn, Bù Tọt... cùng sinh sống. Con hẻm ở đường Nguyễn Kiệm (quận 4) được chọn làm bối cảnh trong bộ phim là một 'lát cắt' chân thật và đầy thú vị của Sài Gòn.

"Mấy anh chị có sống ở hẻm chưa? Bất kì con hẻm nào ở Sài Gòn cũng chứa đựng vạn điều kì thú ở trong đó".

Trấn Thành đã mở đầu "Bố Già" của mình bằng câu nói đặc biệt này. Dưới hàng chục mái nhà san sát, có hàng trăm con người cùng sinh sống, trưởng thành, lớn lên trong những con hẻm nhỏ quanh co nối đuôi nhau. Hẻm là một "đặc sản" của Sài Gòn. 

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 1

Nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ, con hẻm ở đường Nguyễn Kiệm (quận 4) được chọn làm bối cảnh trong bộ phim đình đám Bố Già. Khi đoàn quay phim rời đi, con hẻm trở lại nhịp sống cũ, yên ắng, "nên thơ" theo cách rất Sài Gòn. 

Có bình yên giữa lòng Sài Gòn

Chúng tôi đi tìm con hẻm "Bố Già" vào một buổi trưa tháng 3, trời nắng gắt. Cảnh quay one shot đặc biệt của bộ phim với hơn 100 diễn viên, quay trong 100 giờ, tốn khoảng 1 tỷ đồng được quay trong con hẻm đặc biệt này.

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 2

Khi góc máy quay từ cầu Nguyễn Văn Cừ, đổ xuống con hẻm nhỏ, khán giả đã thấy được một "xã hội thu nhỏ" trong lòng con hẻm. Là đứa con nít nghịch ngợm muốn "sanh bệnh", là cặp vợ chồng gây gổ sáng đêm, là xe cơm sườn phưng phức mùi thơm bày bán nép vào hẻm... Những con người, khung cảnh, lời nói... như phác thảo bức tranh chân thật về hẻm Sài Gòn. Điều đặc biệt là dù được chọn làm bối cảnh của bộ phim "trăm tỷ" đình đám nhưng ít người dân xung quanh biết về con hẻm này. 

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 3
Cầu Nguyễn Văn Cừ trước hẻm

Không ồn ào, náo nhiệt như trong phim, hẻm "Bố Già" ngoài đời thực khá bình yên. Đặt chân vào hẻm, bạn sẽ nghe thấy những thanh âm quen thuộc: tiếng con nít cười đùa, tiếng lách cách khuấy cà phê của xe nước, tiếng chào hỏi, tiếng quạt tay, tiếng trở mình của người già...

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 4

Hẻm "Bố Già" thuộc khu vực đang được giải tỏa nên khá thưa người dân, nhiều nhà đã dời đi. Theo lời chia sẻ của người dân, hiện có khoảng 65 hộ gia đình còn sinh sống trong khu vực này. Hẻm có nhiều lối rẽ thông ra đường lớn, mang đầy đủ những đặc trưng "rất Sài Gòn". Một quán cóc nho nhỏ nép bên vệ đường, những đứa trẻ con chạy đùa nghịch, tiếng cười nói phá vỡ không khí yên lặng của buổi trưa, cụ già ngồi phẩy quạt trước hiên nhà... 

Ai nói Sài Gòn không lãng mạn, xin mời đến hẻm Sài Gòn, và đặc biệt là hẻm Bố Già. Bạn sẽ lại thấy "rung rinh" trước khoảng sân nắng vàng như rót mật, những bông hoa nhỏ leo dây bò khắp cửa sổ... Nhiêu đó thôi cũng thấy được con hẻm này có quá nhiều góc nhỏ đáng yêu.

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 5

Ngôi nhà của bà Thủy (cư dân hẻm) khá đặc biệt, nằm cạnh bên ngôi nhà của cô Cẩm Lệ (Lê Giang thủ vai) trong phim Bố Già. Bà kể: "Tôi sinh ra và lớn lên tại con hẻm này, đến nay đã được 70 năm. Tôi đã có biết bao kỉ niệm với con hẻm này, từ thời tôi còn con gái cho đến lúc mái tóc đã điểm bạc. Ở đây muốn vào chợ lớn rất gần, sang phía cầu Ông Lãnh cũng thuận tiện. Cuộc sống ở đây rất êm đềm". 

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 6

Hiện tại, nhà bà Thủy đang có 8 người. Do nhà có người lớn tuổi nên bà không thể cho đoàn phim thuê lại, nhưng theo bà, những ngày có "Bố Già" về, xóm nhỏ lúc nào cũng đông vui, náo nhiệt. Thậm chí, có gia đình "ăn ngủ" cùng đoàn phim do cho mượn nhà làm bối cảnh.

Chuyện ở hẻm

Bố Già không phải là bộ phim đầu tiên chọn bối cảnh tại con hẻm này. Có lẽ do có lối vào thoáng đãng, nhiều mái nhà phủ bụi thời gian, con người hào sảng, nhiệt thành... mà con hẻm này có đầy đủ chất liệu để khai quát nên không gian của một con hẻm Sài thành. Thỉnh thoảng, con nít trong hẻm lại reo vui khi có đoàn phim về, hay nhóm thanh niên lại háo hức rủ nhau ra rạp coi "xóm mình lên phim".

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 7

"Cứ 2,3 giờ chiều, là những người trong đoàn phim lại tấp nập và bận rộn. Cái tính hào sảng của người Sài Gòn thể hiện rõ nhất trong những ngày có đoàn phim đến. Người cho mượn cái lu nước, người chặt cây mãng cầu để làm bối cảnh... Tôi rất thích Trấn Thành, mỗi lần thấy cậu ấy xuất hiện ở đây là vui lắm", bà Ba (cư dân hẻm) chia sẻ.

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 8
Bối cảnh nhà ba Sang khi được dỡ đi

Vào buổi sáng, từ đầu ngõ tới cuối hẻm đều đầy ắp hàng quán được bày ra, nào là bánh canh, hủ tiếu, nui xào bò... với giá bình dân từ 30.000 đến 40.000 đồng. 

Con hẻm rộn vang tiếng cười nói, chào hỏi, những đứa trẻ trong xóm thì rủ nhau chơi trò trốn tìm ở những vách nhà nằm khuất trong con hẻm... Nhịp sống Sài Gòn bình yên, nhưng tràn đầy sức sống luôn hiện hữu ở đây. 

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 9

Ở hẻm, người dân thuộc làu làu "nhà của ba Sang", "nhà may cô Cẩm Lệ"... bởi đoàn phim đã gắn bó ở đây suốt 2,3 tháng ròng. Cũng như khi nhắc về những cảnh quay nổi bật trong con hẻm nhỏ, người dân sẵn sàng dắt tay bạn và chỉ: "Chỗ này là chỗ diễn cảnh trong buổi tiệc nè", "Khúc kia là làm nhà bà Hai (NSND Ngọc Giàu thủ vai", "Khúc này là khúc diễn cảnh nước ngập"... 

'Khi nào có tiền, sẽ ra rạp coi Trấn Thành'

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 10

Đó là chia sẻ của bà Hai, người dân trong hẻm. Gia đình bà có 2 chị em, bà làm nghề nội trợ. Bà kể: "Tôi hay xem hài và thích Trấn Thành ở chỗ thông minh, duyên dáng. Có một lần, tôi thấy Trấn Thành đi quay phim ngang hẻm mình bèn với theo nói: Trấn Thành, tui chúc cậu gặp được nhiều may mắn nha. Cậu ấy liền xoay người sang cười đáp: Dạ con cảm ơn dì". 

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 11

Bà Hai lớn tuổi, không theo dõi được làn sóng "Bố Già" lan tỏa khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội và nhận được đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Khi nghe chúng tôi kể về cột mốc "trăm tỷ" đáng tự hào của Bố Già, bà không giấu được sự vui mừng: "Khi có tiền, tôi sẽ ra rạp coi Trấn Thành". Thỉnh thoảng, bà Hai vẫn xem trailer Bố Già trên TV và tấm tắc tự hào về con người, góc phố hẻm mình. 

Cuộc sống thường nhật ở con hẻm 'Bố Già' và những chuyện chưa bao giờ kể Ảnh 12

Nếu bạn đã từng lớn lên ở hẻm, bạn sẽ cảm nhận được cái không khí mà Bố Già đã mang lại, rất Sài Gòn, rất Việt Nam. Bước ra khỏi rạp phim, trở về con hẻm nhỏ, bạn có thể thấy lòng mình cảm thông hơn với những người hàng xóm. Họ, đôi khi ồn ào, lắm lúc phàn nàn về chuyện con cá, mớ rau... nhưng luôn sống nghĩa tình, hào sảng "hết cỡ".

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Photo

Khải Anh

Tin mới nhất