Sắc màu Cuộc Sống

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ Pháp về nước sẽ bị xử lý như thế nào?

Tùng Nguyễn
Chia sẻ

Theo Luật sư, để có căn cứ xem xét trách nhiệm và xử lý các cá nhân liên quan trong vụ việc, mấu chốt là cần xác định yếu tố lỗi, cũng như động cơ, mục đích thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy của các nữ tiếp viên.

Liên quan đến vụ việc 4 tiếp viên một hãng hàng không vừa bị tạm giữ để phục vụ điều tra, làm rõ việc xách “chất cấm” từ nước ngoài về Việt Nam, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là một vụ việc phức tạp và nghiêm trọng.

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ Pháp về nước sẽ bị xử lý như thế nào? Ảnh 1
Ảnh: Tổng cục Hải quan.

Sự việc không chỉ ảnh hưởng đến danh dự cá nhân của các tiếp viên hàng không mà còn gây mất niềm tin, uy tín của hãng hàng không trong mắt người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Với kết quả xác minh ban đầu, cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đây là số lượng lớn chất ma túy được giấu trong các hộp kem đánh răng.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xác minh rõ các thông tin và chứng cứ khác liên quan đến hành vi vận chuyển ma túy về nước của các tiếp viên này.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, dưới góc nhìn pháp lý, nếu hành vi của các tiếp viên trên cấu thành tội vận chuyển trái phép chất ma tuý, căn cứ khoản 4 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015, những người này có thể bị xử lý hình sự về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Với khối lượng ma túy đặc biệt lớn mà cơ quan chức năng đã thu giữ, hình phạt mà 4 tiếp viên có thể đối diện là tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra theo khoản 5 Điều này, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, luật sư cho biết, để có căn cứ xem xét trách nhiệm và xử lý các cá nhân liên quan trong vụ việc, mấu chốt là cần xác định yếu tố lỗi, cũng như động cơ, mục đích thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy của các nữ tiếp viên.

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ Pháp về nước sẽ bị xử lý như thế nào? Ảnh 2
Ảnh: Tổng cục Hải quan.

Bởi theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự, tội vận chuyển trái phép chất ma túy có lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là người thực hiện hành vi phạm tội phải biết là hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra.

Do vậy, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự đối với các tiếp viên hàng không này nếu có căn cứ cho thấy những người này biết các chất ở trong các tuýp kem đánh răng trên là chất ma túy nhưng vẫn cố ý vận chuyển về Việt Nam để thu lợi bất chính.

Luật sư cũng cho biết, việc chứng minh các nữ tiếp viên hàng không có biết đây là chất ma túy hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, căn cứ vào các yếu tố như: mức độ nhận thức, đặc điểm nhân thân, diễn biến hành vi và các tình tiết khác có liên quan. 

Cũng theo quy định của pháp luật, người phạm tội không có nghĩa vụ phải nhận tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra lời khai để chống lại mình, mà trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ Pháp về nước sẽ bị xử lý như thế nào? Ảnh 3
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Mặt khác, lời khai nhận tội không được coi là chứng cứ buộc tội nếu lời khai đó không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác để phản ánh sự thật khách quan.

Bởi vậy, việc các nữ tiếp viên này có thừa nhận về hành vi phạm tội hay không không phải vấn đề quan trọng. Việc điều tra, khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can sẽ được cơ quan chức năng tiến hành trong trường hợp có tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội mà không phụ thuộc vào lời khai nhận tội của những người này. 

Tuy nhiên, Luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, đối với nghề nghiệp đặc thù là tiếp viên hàng không, trong quy định của luật hàng không, nội quy của hãng và chương trình đào tạo, các tiếp viên không được nhận, cầm hộ đồ của người khác từ nước ngoài về Việt Nam.

Quá trình đào tạo, các tiếp viên hàng không cũng được trang bị các kiến thức, biện pháp an ninh cho bản thân bao gồm bảo đảm cách ly và giám sát hành lý cá nhân tránh trường hợp người xấu lợi dụng sơ hở và bỏ các vật phẩm cấm vào vali như chất gây cháy nổ, vũ khí, chất gây nghiện,...

 “Dù xử lý như thế nào chăng nữa thì số ma túy này cũng sẽ bị thu giữ, tiêu hủy” - Luật sư khẳng định. Đồng thời cơ quan chức năng sẽ mở rộng điều tra, xác định các đối tượng có liên quan trong vụ việc, đặc biệt ai là người mua bán, ai là người vận chuyển để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Trước sự việc trên, luật sư nêu ý kiến, đây là một lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn đối với cả người dân khi tham gia các chuyến bay nội địa/quốc tế.

“Tình trạng gửi nhờ hàng hoá, thậm chí mua bán số kg hành lý ký gửi cũng là một dịch vụ phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, kể cả là người quen hay bạn bè nhờ gửi đồ, giả sử trong hàng hoá có chứa chất cấm, chúng ta cũng không thể xác định được bằng mắt thường.

Vì thế, để bảo vệ chính bản thân mình, người dân không nên nhận gửi hàng hoá thông qua các chuyến bay hàng không, hoặc bảo quản hành lý cẩn thận khi làm thủ tục tại sân bay, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng đưa hàng hoá lạ vào trong valy của mình”, Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo.

Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng

Chia sẻ

Bài viết

Tùng Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất