Sắc màu Cuộc Sống

GenZ và 'n' chuyện công sở: Đừng để bị cuốn theo vũ trụ drama!

Khải Anh
Chia sẻ

Chốn công sở là nơi làm việc chung của GenZ, Gen Y lẫn Gen X, vậy, điều gì xảy ra nếu bạn vô tình bị cuốn vào 'vũ trụ drama'?

Khác biệt thế hệ

Gen Y được biết là thế hệ được sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 – 2000, Gen Y là thế hệ tiếp nối thế hệ X - những người sinh ra từ năm 1965 đến năm 1980. Và Gen Z là thế hệ gồm những người sinh từ cuối những năm 1995 đến năm 2010¹. Theo dự đoán đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần 1 phần 3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam.

Sự khác biệt tạo ra nét phong phú, nhưng cũng không ít mâu thuẫn, xung khắc trong cách làm việc. Buổi chiều, khi bạn tất tả về nhà vì những đứa trẻ đang đợi, một số Gen Z "trẻ khỏe độc thân" sẽ bắt đầu lên đồ "quẩy". Bạn coi YouTube, Gen Z đu trend TikTok.

Trong văn phòng, bạn gọi trà, chúng uống sữa. Sếp cằn nhằn, bạn mang task về sửa từ tốn, chúng trao đổi thẳng với sếp... Đây chỉ là những ví dụ be bé, cho thấy được chốn công sở cũng có những cách biết thế hệ. Và từ đó, drama chốn công sở cũng từ đó mà bắt đầu. 

Bạn Nguyễn Trần Hải Vy (SN 1997) cho biết: "Vừa ra trường, mình xin về một công ty sản xuất giày để làm. Vì công ty có rất nhiều người lớn tuổi, nên mình là bé nhất. Có lẽ ngay từ đầu, cách ăn mặc, tóc tai, cách nói chuyện "chêm" từ của mình đã khiến các chị không hài lòng. 

Ngày kỉ niệm thành lập công ty, mình đã diện một bộ váy lên cơ quan, một chị đứng sau lưng mình vỗ vai: Sao ăn mặc không chăm chút thế em? Đối với chị, trang phục "lồng lộn" phải là váy hoa, sáng màu "rực rỡ", còn diện "cây đen" như mình là một việc không nên, và chẳng hay. Sau đó, họ cũng bắt đầu "xầm xì" về mình. Drama mệt mỏi! Dần dà, mình cũng cảm thấy cách làm việc của công ty khá cũ kĩ. Mình tìm cái mới để phát triển, họ vẫn dựa vào những đường lối cũ. Mình nghỉ việc chỉ vì văn hóa công ty không phù hợp, thế thôi!".

Có nên coi công ty là một gia đình?

Gần đây, có một khái niệm được Gen Z lưu tâm, chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội: "Xin đừng xem công ty là một gia đình, hãy xem đó là nơi làm việc". Bởi nếu xem là một gia đình, bạn sẽ dễ dàng quên mất quyền lợi và nghĩa vụ của mình. 

Bên cạnh đó, vấn đề "phe cách", drama trong công ty không dễ gì tránh khỏi. nếu xem ai là gia đình, bạn buộc phải về phe của họ, đem lại quyền lợi cho nhóm mình bất kể nó có phù hợp với lợi ích công ty hay không. "Drama chốn công sở" hay nói nôm na là thị phi ở nơi đi làm cũng là điều hay xuất hiện ở các "công ty gia đình".

Quan điểm này đã khiến nhiều GenZ tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội. Nguyễn Phúc Bảo Lâm, một GenZ đang làm nhiếp ảnh gia kiêm design cho công ty thời trang cho biết: "Bước vào công ty, các sếp luôn dặn mình hãy xem đây là nhà, là gia đình em nhé. Chỉ một tuần đầu tiên, mình đã cảm nhận được "drama" của chị phó phòng và anh trưởng phòng. Họ chia làm hai phe rõ rệt. Họ công kích nhau trong buổi họp, sau cuộc làm việc, trên bàn ăn với đồng nghiệp. "Căng đét" thế đó! Mình không muốn cuốn vào drama nhưng có những vấn đề cần xử lí chung, mình buộc phải chọn. Thời gian đó đối với mình khá mệt mỏi".

Tuy nhiên, để "vững tay chèo" giữa loạt drama chốn công sở, bạn hoàn toàn có thể chọn được định hướng riêng cho mình. Ví dụ, nếu không phải chuyện liên-quan-đến-bản-thân, xin đừng "góp gió thành bão", đừng bình luận người khác khi không hiểu rõ về họ.

Thi thoảng, bạn sẽ là người đứng giữa "hai làn đạn", nếu đã không thể trung lập, bạn không nên can thiệp vào câu chuyện chung. Bạn Bảo Anh (SN 1999) cho biết: "Mình đang là thực tập sinh ở một công ty truyền thông. Ngay từ đầu khi làm việc với chị sếp, chị ấy đã dặn mình rằng trong công ty có những người thích và ghét nhau. Việc của em là làm tốt việc của ban, của công ty, đừng chen vào, "góp chuyện" với những phe cánh sẽ rất rắc rối và ảnh hưởng đến bản thân. Mà thật vậy, đó chính là bí kíp để mình "bình yên" qua bao nhiêu cuộc giông bão".

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin mới nhất