Sắc màu Cuộc Sống

Dễ thoả hiệp và cực đoan vì ám ảnh sợ hãi

Chia sẻ

Sợ hãi, có thể khiến người ta dễ dàng thoả hiệp. Hoặc cũng có thể đưa tới những hành vi cực đoan vì lý do an toàn.

Một gã nghiện vật thuốc, liều lĩnh trèo vào nhà hàng xóm trộm. Chủ nhà phát hiện đuổi theo, gã rút dao ra đâm.

Hai bố con, người bị đâm xuyên tim, người bị đâm thủng phổi, không cứu được. Vợ chồng người con thứ bị đâm nhẹ hơn, không chết. Một con nghiện trộm hai cái điện thoại cho một liều thuốc, làm mất mạng hai người.

Vụ án xảy ra ở Thạch Thất, Hà Nội đang gây ám ảnh dư luận. Là một người làm báo, tôi không thích cách người ta gọi các vụ án này bằng các từ “thảm án”, “thảm sát”, “đẫm máu” như một cách để gia tăng sự chú ý. Với tôi bản thân vụ án đã quá đủ cho một sự ám ảnh. Sự ám ảnh sợ hãi.

Một đồng nghiệp của tôi kể, đêm trước, hàng xóm chị ấy đang ngủ chợt tỉnh giấc vì nghe tiếng cạy tum. Không hiểu vô tình hay cố ý, tên trộm làm phát ra tiếng động khá lớn. Sau đó, hắn vào nhà. Cả nhà nằm im, không dám hô hoán, không dám phản kháng gì. Kẻ trộm lần mò, vớ được cái túi, thò tay thấy tiền rồi bỏ đi luôn, không lấy gì thêm. Số tiền trong túi là 20 triệu đồng. Gia đình ấy thở phào.

Đó là một sự thỏa hiệp, một cú áp-phe sinh mệnh thành công. Tên trộm không biết chủ nhà đang thức và nín thở giấu mình. Hắn hành động rất nhanh gọn và chừng mực, trong khoảng thời gian mà sự sợ hãi đang chế ngự nhà chủ.

amanhsohai1

Sợ hãi, có thể khiến người ta dễ dàng thoả hiệp. Hoặc cũng có thể đưa tới những hành vi cực đoan vì lý do an toàn.

Ngày càng phổ biến hơn những băng nhóm dàn cảnh để cướp giật. Một người đang đi trên đường, bỗng bị ép xe vào lề rồi một đám người nhảy vào đánh đập chửi bới, vu cho là cướp chồng người khác, là quỵt nợ, là ăn cắp… Nạn nhân choáng váng ú ớ khóc lóc, để rồi khi tĩnh trí lại thì đám lưu manh đã lột sạch nữ trang, túi ví, điện thoại và có khi cả xe máy. Người đi đường thấy kêu khóc, nhưng ngại can thiệp, tặc lưỡi lướt qua. Càng ngày, chúng ta càng dễ dàng tặc lưỡi bỏ đi trước những sự việc cần can dự. Một người bị tai nạn, một ai đó bị cướp giật, một người vẫy xe xin đi nhờ… chúng ta tặc lưỡi và bỏ đi, tự an ủi sẽ có ai đó làm thay mình. Sự ám ảnh về cái xấu khiến mỗi cá nhân có khuynh hướng thu mình trong vỏ ốc an toàn. Nhưng điều nghịch lý là càng thu mình, người ta càng thấy bất an hơn. Khi càng nhiều người thu mình vì sợ hãi thì xã hội càng không an toàn.

Sợ hãi là một xúc cảm chính đáng nhưng không lành mạnh. Con cái cần kính trọng cha mẹ nhưng sợ cha mẹ thì tình cảm gần gũi không còn. Mỗi công dân cần thượng tôn pháp luật nhưng sợ hãi những người thực thi pháp luật, thì chính pháp luật đã không còn đảm bảo sự công minh nữa. Và đương nhiên, cái xấu, tệ nạn, những thế lực ngầm, nếu đủ sức mạnh để gây ra một nỗi sợ hãi ám ảnh dù là mơ hồ, thì khi đó những nền tảng căn bản của xã hội đã rạn nứt nghiêm trọng. Tôi nhớ, triết gia Voltaire từng nói về điều này: “Nỗi sợ luôn đến sau tội ác, và đó là sự trừng phạt”.

Cả sợ hãi lẫn trừng phạt, liệu có phải động lực của chúng ta?

Chia sẻ
Tin mới nhất