Sắc màu Cuộc Sống

Đau lòng hình ảnh gót chân nứt nẻ phải khâu bằng chỉ của phụ nữ Tây Bắc

Chia sẻ

Để tránh cho vết nứt nẻ ở gót chân ăn sâu vào phần thịt bên trong, người phụ nữ lớn tuổi ở vùng cao này đã dùng... kim chỉ để khâu lại.

Những bức ảnh này được chia sẻ trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một người phụ nữ dân tộc thiểu số với gương mặt nhăn nheo, khắc khổ, đang địu một em bé say ngủ trên lưng. Tác giả của tấm ảnh này có vẻ là một “phượt thủ” đã chụp lại khi đang du lịch vùng cao trong những ngày đông.

gotchannut (3)

Người phụ nữ vùng cao đang địu một em bé trên lưng. Đứa trẻ ngủ gục, đầu ngả sang một bên nhưng tay vẫn còn cầm chặt miếng bánh. (Ảnh: Casau Chua)

Vào mùa đông, bà vẫn đi độc một đôi dép nhựa cũ kỹ. Đôi gót chân không được che chắn bắt đầu khô cong, tím tái và nứt nẻ lên vì cái lạnh. Thoạt nhìn, người ta tưởng như bà đang bôi một loại thuốc nào đó. Nhưng nhìn kỹ hơn, nhiều người bắt đầu rùng mình, vì các vệt màu cam đó thực chất là những sợi chỉ được khâu vào để tránh những vết nứt nơi gót chân ăn sâu hơn vào thịt.

gotchannut (4)

Trên gót chân của người phụ nữ này có những vệt màu cam, thoạt nhìn người ta sẽ tưởng như bà đang bôi một loại thuốc nào đó. (Ảnh: Casau Chua)

gotchannut (2)

Nhưng nhìn kỹ hơn thì đó chính là những đường chỉ được khâu vào để khép miệng các vết nứt. (Ảnh: Casau Chua)

Chị Lê Thị Huế, tình nguyện viên nhóm Tim Hồng là tác giả của bức ảnh trên. Chị cho biết hình ảnh này được chụp tại xã Làng Chiếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong chuyến đi tình nguyện cho các em học sinh vào năm 2014 của nhóm. Bà cụ trong ảnh là người dân đến xem chương trình, không nói được tiếng Kinh và không nhớ rõ tuổi của mình. 

Khi chị Huế đi phát kẹo cho các em nhỏ và thăm thú xung quanh thì tình cờ bắt gặp đôi gót chân nứt nẻ của cụ. “Mình hỏi khi khâu có đau không, cụ chỉ cười, bảo không. Lớp da bên ngoài đã chai đi rồi, đâm kim vào cũng không cảm thấy gì nữa. Vết nứt sâu kia thì mới gây đau và khó đi lại, nên cụ mới phải khâu”, chị Huế chia sẻ.

Đầu năm nay, câu chuyện này được chia Huế sẻ lại để giúp các bạn tình nguyện viên trong nhóm có thêm động lực trước thềm chuyến đi mới.

Hình ảnh này đã khiến những người chứng kiến phải xúc động mạnh và bắt đầu “thấm” được cái khổ của người dân vùng cao. Nhiều người bất chợt liên tưởng đến đôi gót chân nứt nẻ chai sần của các bà, các mẹ vùng quê vì mùa đông rét mướt vẫn phải ngâm chân trần dưới ruộng để mưu sinh. 

gotchannut (1)

Hai bàn chân của bà chằng chịt vết nứt nẻ do trời lạnh. (Ảnh: Casau Chua)

“Người miền núi chúng tớ mùa đông khổ sở lắm. Ngày xưa mẹ mình còn dùng nhựa đường để khâu chân cơ, ai ở trên vùng cao chắc biết kiểu chữa nẻ đó. Thiếu thốn đến nỗi không có cả lọ kem chống nẻ để bôi, mua được lọ kem thì dùng chả ăn thua vẫn nẻ như thường. Mình chả bao giờ mong có tuyết để chụp ảnh, mình chẳng muốn lên ngắm tuyết trên Sapa vì mình sợ sẽ gặp những mảnh đời như bố mẹ mình, cả một đời khổ sở mà vẫn thiếu thốn. Chỉ mong nghỉ tết thật sớm để về với bố mẹ thôi”, bạn Kiều Lương xúc động nhớ về bố mẹ.

Có thể bạn đã được đọc hay nghe rất nhiều câu chuyện về sự khổ cực của người dân vùng cao khi mùa đông đang về. Nhưng những hình ảnh trên chính là một minh chứng cụ thể và xúc động. Không cần câu chữ dài dòng, hình ảnh về đôi gót chân nứt nẻ này chắc hẳn đã khiến nhiều người phải suy nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Và đâu đó vẫn cần lắm những vòng tay sẻ chia, những hành động thiết thực để những cảnh tượng đau lòng trên ngày càng ít đi.

Chia sẻ
Tin mới nhất