Sắc màu Cuộc Sống

Dấu ấn xã hội Việt Nam 2020: Sự tử tế lên ngôi và tình người lúc hoạn nạn

Khải Anh
Chia sẻ

Khép lại năm 2020, những câu chuyện ấm áp về tình đoàn kết, hoạn nạn có nhau luôn là điều mà chúng ta luôn dõi theo.

Khi đau thương đang cố “hạ gục” chúng ta

Đại dịch COVID-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến tận thời điểm năm 2021 sắp đến.

Tại Việt Nam, trong thời điểm COVID hoành hành đã có rất nhiều người dân phải điêu đứng vì cảnh mất việc. Nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản, không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Đời sống con người bị ảnh hưởng nặng nề khi liên tục nơm nớp lo sợ trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Không chỉ vậy việc giải quyết bùng phát các ổ dịch hoặc tổ chức các đợt đưa người dân Việt Nam trở về nước cũng gây nhiều tranh cãi cùng quy trình vất vả để kiểm soát. 

Khó khăn lại chồng chất khó khăn, khi mà khoảng giữa năm cơn bão quy mô lớn nhất trong những năm trở lại đây đổ bộ vào khu vực miền Trung thương yêu của nước ta. Bão cuốn, lũ ngập đã nhấn chìm biết bao cảnh đời khốn khổ, nhọc nhằn nơi rẻo đất ốm o, gầy mòn. 

Giữa năm 2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng khô hạn, đất đai canh tác nứt nẻ, mùa màng thất bát. Năm qua mùa khô gây khó khăn thêm cho nông dân khi tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gia tăng và gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

xâm nhập mặn và....
hạn hán kéo dài

Trong hoạn nạn là chân tình

Khép lại một năm 2020 với nhiều người có lẽ là một năm đau thương, mất mát nhưng tin chắc rằng sẽ càng nhiều người nhận thấy được khoảnh khắc tình người ấm áp giữa màn đêm u tối này. 

Làm sao chúng ta quên được những y bác sĩ, tình nguyện viên trong đội ngũ y tế cả nước đã “căng mình” gồng gánh nước Việt bình an vô sự vượt qua mùa dịch cao điểm. Những con người không quản ngại mệt mỏi, liên tục tăng ca và dấn thân vào tuyến đầu phòng dịch để giúp giảm bớt số người mắc bệnh cũng như một cách trấn an lòng dân. Những chuyến "chi viện" cho Đà Nẵng ở đợt dịch thứ 2, những lần “xung trận” ở vùng sâu vùng xa với trang thiết bị thiếu thốn phải nhờ người dân đóng góp để vận chuyển đồ bảo hộ đến kịp thời. 

Và không thể không nhắc đến công trình của thiếu tá, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Xuân Sử - Người đóng vai trò chủ chốt phát triển bộ KIT xét nghiệm Covid-19, đã trở thành công cụ đắc lực để chẩn đoán sớm và sàng lọc những người nghi nhiễm bệnh mà không phải trông chờ sự viện trợ đến từ WHO. 

Bác sĩ Hoàng Xuân Sử (phải) và nhóm nghiên cứu bộ KIT xét nghiệm Covid-19

Quanh năm chúng ta vẫn luôn có những tổ chức đứng ra nhận quyên góp từ thiện để giúp đỡ dân nghèo hoặc thiên tai, bão lũ. Thế nhưng, đến sự hỗ trợ, tinh thần tương thân tương ái trong thời điểm ai ai cũng khó khăn thì lại càng giá trị hơn hết thảy. Bởi lẽ khi này chính bản thân mỗi người cũng phải đang chật vật mưu sinh, căng thẳng đối phó tình hình diễn biến đại dịch. Ấy thế mà người Việt vẫn có thể tiếp tục thực hiện tôn chỉ bao đời của dân tộc, hoàn thành trọng trách được giao phó. 

Thủy Tiên giúp đỡ đồng bào miền Trung

Những lúc hoạn nạn, chúng ta mới thấy chân tình. Trải bảo khó khăn vất vả, từ đại dịch cho đến lũ lụt, hạn hán cả nước ta đồng tâm hiệp lực đẩy lùi. Câu chuyện về cô nàng ca sĩ Thủy Tiên mở đầu cho phong trào quyên góp tiền cứu trợ đồng bào bão lụt, nhờ đó người dân Việt Nam có những nguồn tin cậy từ các nghệ sĩ nổi tiếng như: Trấn Thành, Hoài Linh, Mỹ Tâm... để trao gửi món tiền “đùm bọc” cho miền Trung thương yêu. Hoặc như các dự án nghiên cứu, chế tạo ra "cây ATM" gạo và khẩu trang của anh Hoàng Tuấn Anh đã hỗ trợ phần nào cho các hộ gia đình nghèo túng, không đủ khả năng duy trì nhu cầu sống và bảo vệ an toàn cho bản thân.

ATM rút gạo

Trên tinh thần “vì nước quên thân, vì dân quên mình”, ta như thấy lại những hình ảnh hào hùng của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất. Từ trong những câu chuyện những hình ảnh ít ỏi được quay lại trong thời điểm bão cuốn phăng tất cả mái nhà, gây sạt lở đất, chôn vùi biết bao mạng người. Thời điểm ấy, câu chuyện về người anh hùng Phan Thanh Miên - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), đã lo toan chu toàn cho con dân xã mình.

Một người chỉ huy không lùi bước trước khó khăn, ông Miên trực tiếp đến hỗ trợ di chuyển người dân đến nơi an toàn, phân phát lương thực, nhu yếu phẩm. Sau cùng, vì một mực lo cho an nguy của người khác mà xem nhẹ bản thân, ông Phan Thanh Miên đã qua đời vì nhiễm trùng vết thương trên đầu gối. Vết thương nhỏ ấy ướm máu và ngập trong dòng nước xiết, chứng nhân về một nhân vật đã đặt nghĩa vụ và con dân hơn cả bản thân mình.

Phan Thanh Miên và sự hy sinh cao cả

Có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít. Những bạn trẻ đang là học sinh sinh viên cũng mong muốn được đóng góp công sức để giúp đỡ đồng bào. Những dự án hỗ trợ cộng đồng, những tờ tiền nhỏ lẻ được gom góp hay các bao quần áo được quyên tặng sẽ gửi đến những hộ dân bị nước ngập ướt hết nhu yếu phẩm, phục trang trong nhà.

Khi hoạn nạn qua đi, điều còn lại chính là tình người, giữa một bầu trời đêm âm u. Đây có lẽ chính là điểm sáng nhất của cả xã hội Việt Nam trong năm 2020. Phía cuối con đường luôn là ánh sáng, phải không?

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất