Sắc màu Cuộc Sống

Covid-19 sáng 17/11: Ca mắc mới tăng mạnh, dịch rất nóng ở Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam

Theo Báo Quốc tế
Chia sẻ

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.045.397 ca nhiễm Covid-19, các địa phương ghi nhận số nhiễm cao là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.045.397 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.609 ca nhiễm).

Tính từ 16h ngày 15/11 đến 16h ngày 16/11, Việt Nam ghi nhận 9.650 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 9.641 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.038 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 4.369 ca trong cộng đồng).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đến nay:

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.040.346 ca, trong đó có 868.180 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Tình hình điều trị

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 16/11: 6.481, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 870.997. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.101 ca.

Từ 17h30 ngày 15/11 đến 17h30 ngày 16/11 ghi nhận 87 ca tử vong; trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 83 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.270 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

4 người trong cùng gia đình ở Hà Nam nhiễm bệnh, chưa rõ nguồn lây

Covid-19 sáng 17/11: Ca mắc mới tăng mạnh, dịch rất nóng ở Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam Ảnh 1
Sau 2 tháng bùng phát đợt dịch mới, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.162 ca mắc Covid-19. (Nguồn: CDC Hà Nam)

Tối 16/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 7 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 4 trường hợp ở phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý là người cùng gia đình được phát hiện thông qua sàng lọc tại cơ sở y tế, chưa rõ nguồn lây.

Trong ngày 16/11, Hà Nam cũng ghi nhận 2 trường hợp F0 liên quan đến ổ dịch tại Công ty Cổ phần Happytex Việt Nam (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm).

Sau 2 tháng bùng phát đợt dịch mới, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.162 trường hợp F0, 10.261 trường hợp F1 và 25.580 trường hợp F2. Đến nay còn 1.310 F1 đang cách ly y tế (trong đó 438 người cách ly tập trung và 872 người cách ly tại nhà).

Sáng 16/11, tỉnh Hà Nam đã triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi. Loại vaccine tiêm cho trẻ em trong chiến dịch này là vaccine Pfizer.

Theo lộ trình, trẻ từ 15- 17 tuổi đang sống và học tập trên địa bàn tỉnh là những đối tượng được tiêm trước tiên.

Bắc Giang thêm 57 ca mắc liên quan đến khu công nghiệp

Tối 16/11, theo thông tin của Sở Y tế Bắc Giang, trong ngày, trên địa bàn phát sinh thêm 60 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 55 F0 liên quan đến chùm ca bệnh ở khu công nghiệp khởi phát ngày 10/11 và 2 F0 liên quan đến chùm ca bệnh ở khu công nghiệp khởi phát ngày 28/10…

Covid-19 sáng 17/11: Ca mắc mới tăng mạnh, dịch rất nóng ở Nam Định, Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam Ảnh 2
Tình hình dịch trên địa bàn Bắc Giang về tổng thể cơ bản từng bước được kiểm soát, không để phát sinh diện rộng. (Nguồn: SKĐS)

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, việc tổ chức sắp xếp cho công nhân làm việc "3 cùng" trong doanh nghiệp đang có yếu tố dịch tễ rất khó khăn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Nhiều doanh nghiệp chưa có phương án phù hợp để "sống chung" với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

Do vậy, cần bố trí khu cách ly tập trung riêng tại các khu công nghiệp, không trưng dụng trường học làm khu cách ly cho công nhân để không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật danh sách công nhân gửi về các huyện, thành phố để thuận lợi cho việc truy vết khi có dịch bệnh xảy ra.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đánh giá, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh về tổng thể cơ bản từng bước được kiểm soát, không để phát sinh diện rộng.

Tuy nhiên nếu không nâng cao cảnh giác, không nâng cao ý thức phòng chống của người dân, trách nhiệm phòng dịch của doanh nghiệp, năng lực phản ứng, khống chế dịch của các cấp chính quyền thì vẫn có thể phát sinh ổ dịch mới.

Nam Định phong tỏa hơn 15 nghìn dân tại 1 huyện

Thông tin nhanh từ ngành y tế Nam Định cho biết, trong ngày 16/11, tỉnh này ghi nhận 73 ca bệnh Covid-19 mới, trong đó huyện Hải Hậu ghi nhận số ca mắc nhiều nhất là 49 ca.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã tiến hành phong tỏa cách ly y tế đối với toàn bộ các khu dân cư gồm 20 xóm với tổng số 4.298 hộ, 15.371 nhân khẩu trên địa bàn huyện Hải Hậu.

Yêu cầu người dân trong khu vực phong tỏa thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu thì ở yên đó", "nhà cách ly với nhà", "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Huyện Hải Hậu yêu yêu cầu tất cả những người đã đến xã Hải Minh hoặc tiếp xúc gần với người dân xã Hải Minh từ ngày 5/11đến nay phải khẩn trương khai báo y tế và cách ly theo dõi sức khỏe tại gia đình.

Người đến Hà Nội từ miền Nam phải cách ly tại nhà 7 ngày

Ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới.

Theo đó, từ ngày 17/11, Hà Nội điều chỉnh công tác thu dung điều trị các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; điều chỉnh quy định cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và quy định cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội.

Cụ thể, về công tác kiểm soát người đến Hà Nội: Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… sẽ phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ bảy thay cho chỉ xét nghiệm một lần vào ngày thứ nhất khi đến Hà Nội.

Đối với những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 khi đi về Hà Nội từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam) thì cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và xét nghiệm theo quy định (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).

Với những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 khi về Hà Nội từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm một lần vào ngày thứ nhất.

Riêng với người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine đi về từ khu vực ở cấp độ 2 thì tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ bảy.

UBND TP Hà Nội cũng điều chỉnh quy định thực hiện cách ly tập trung đối với F1 xuống còn 14 ngày; thí điểm thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 đủ điều kiện theo quy định.

Về phương án thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2, Hà Nội cho phép thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ" do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế…

Chia sẻ

Theo

Báo Quốc tế

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất