Sắc màu Cuộc Sống

Công chức TP.HCM: 3 năm tăng lương thêm được 400.000 đồng

Theo Zing
Chia sẻ

Theo UBND TP.HCM, chính sách tiền lương dành cho cán bộ công chức, viên chức còn nhiều bất cập. Nhiều người sau 3 năm chỉ được nâng lương thêm 400.000 đồng.

Sáng 9/12, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Trưởng ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công) đã khảo sát tại TP.HCM.

Báo cáo của UBND TP.HCM nêu rõ chính sách tiền lương hiện hành còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức và người lao động.

Trong khu vực hành chính, sự nghiệp, lương cơ bản thấp và chậm điều chỉnh, mức tăng chủ yếu bù đắp trượt giá, chưa bảo đảm nhu cầu sống cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khu vực sản xuất - kinh doanh (1,3 triệu đồng so với hơn 3 triệu đồng).

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Chung.

Hệ thống thang, bảng lương trong khối hành chính nặng về bằng cấp, chưa phản ánh được trình độ, chất lượng đáp ứng công việc hoặc chức vụ đảm nhận. Hệ số giãn cách giữa các bậc lương thấp (sau 3 năm nâng hệ số lương thêm 0,35, tương ứng khoảng hơn 400.000 đồng), làm giảm hiệu quả của hệ số lương, tăng tính bình quân trong trả lương.

Cơ chế chi trả tiền lương chưa tạo điều kiện cho các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có điều kiện hình thành cơ chế bổ sung quỹ tiền lương để nâng cao thu nhập đội ngũ công chức.

Về chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, UBND TP.HCM đánh giá hệ thống pháp luật về tiền chưa quy định lương tối thiểu theo thời vụ (tuần, ngày, giờ…). Do đó, TP kiến nghị phải quy định mức lương tối thiểu này, điều chỉnh mức lương cán bộ, công chức ít nhất phải bằng lương thấp nhất của người lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.

TP.HCM kiến nghị cần xây dựng Luật về tiền lương tối thiểu, quy định rõ điều kiện, phương pháp tính, xác định lương tối thiểu để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn.

TP.HCM kiến nghị phải quy định mức lương tối thiểu, điều chỉnh mức lương cán bộ, công chức ít nhất phải bằng lương thấp nhất của người lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng.

Đối với chính sách bảo hiểm xã hội, thành phố hiện có gần 2,2 triệu người tham gia. Trong nửa đầu năm 2017, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 95,36%, bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 32,18% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 94,99% so với kế hoạch được giao.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng đánh giá TP.HCM là trung tâm kinh tế năng động bậc nhất của cả nước nên có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá thực trạng cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Theo đó, Ban chỉ đạo ghi nhận việc thiết kế chính sách tiền lương phải bảo đảm thu hẹp chênh lệch giữa khối hành chính và doanh nghiệp, thực sự là động lực cho hoạt động công vụ và sản xuất kinh doanh. Thay đổi theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ chứ không cào bằng, bình quân như hiện nay.

Đối với cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Phó thủ tướng cho rằng cần thiết kế chế độ BHXH đa tầng, tuân thủ các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro và bảo đảm bền vững Quỹ BHXH.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Zing

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất