Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện ít biết về hiệu vàng giàu nức tiếng Hà Nội, 3 năm mua 3 căn nhà phố cổ

Định Nguyễn
Chia sẻ

Từ bí quyết ‘lấy công làm lãi’, giữ chữ tín hiệu vàng Sư Tử nổi danh một thời ở phố cổ Hà Nội luôn đông khách nườm nượp. Trong vòng 3 năm, chủ tiệm vàng này mua liên tiếp 3 căn nhà mặt phố khiến không ít người sửng sốt.

Hiệu vàng Sư tử vang bóng một thời

Căn biệt thự nhà vườn số 115 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội rộng gần 700m2 ngày nay là nơi sinh sống của 7 gia đình với gần 50 nhân khẩu. Ngoài cổng chính ở phố 115 Hàng Bạc sầm uất thì ngôi nhà còn có cổng phụ ở số 6 Đinh Liệt.

Ngôi biệt thự này vốn thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh – Phạm Thị Tề. Vợ chồng cụ Thanh trước đây vốn là chủ hiệu vàng Sư Tử từng nức tiếng giàu có vang bóng một thời ở phố cổ Hà Nội.

Khu phố Hàng Bạc sầm uất ngày nay.

Ông Phạm Ngọc Giao (80 tuổi, con cụ Thanh) cho biết, căn nhà hiện có 4 thế hệ cùng sinh sống. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, đây là một trong những căn nhà lớn nhất nhì khu phố. Ở đó, người dân Hà Nội từng chứng kiến công việc buôn bán tấp nập của một hiệu vàng có tên Hiệu vàng Sư Tử nổi tiếng bậc nhất Hà Nội thời bấy giờ.

“Người ta vẫn bảo ngoài bắc có Hiệu vàng Sư Tử trong nam có hiệu vàng Kim Thành. Hai hiệu vàng đều nổi tiếng như nhau khắp khoảng thời gian dài. Tôi tự hào vì sinh ra trong gia đình có bố mẹ tài giỏi”, ông Giao cười.

Số 115 Hàng Bạc ngày nay hiện là nơi sinh sống của gia đình ông Giao.

Theo ông Giao, gia đình vốn quê từ làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ở làng Châu Khê trước đây nổi tiếng về nghề lọc đãi vàng. Cũng chính vì thế người dân nơi đây tha phương khắp nhiều nơi với nghề làm vàng bạc rồi nổi danh.

Nhớ lại ký ức huy hoàng đã qua, ông Giao kể, thời thanh niên trai trẻ cha ông là cụ Phạm Văn Thanh khôi ngô tuấn tú. Đỗ Tú tài cụ Thanh xin vào cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn nên sống bằng nghề làm vàng rồi lập gia đình với bà Phạm Thị Tề. Cụ Tề lấy chồng khi mới bước sang tuổi 17, lúc đó cụ còn là cô gái xinh đẹp nổi tiếng nghề làm bánh kẹo ở tiệm Hồng Bích thuộc phố Bạch Mai ngày nay.

Ông Giao vui vẻ kể về ký ức huy hoàng của hiệu vàng Sư tử của gia đình.

Sau khi kết duyên, cả hai sinh con gái đầu lòng nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông Thành bàn bạc rồi quyết định đi vào Nghệ An lập nghiệp kiếm kế sinh nhai với nghề làm bánh kẹo gia truyền của gia đình cụ Tề.

“Khi cha mẹ tôi chuẩn bị xong hết hành lý để ra tàu thì một cụ hàng xóm sang hỏi ‘cậu mợ đi đâu?, Cậu nhìn xung quan hàng xóm sống thế nào mình sống thế. Mình có nghề lọc vàng sao không phát huy mà phải đi đâu nữa’. Nghe xong bố mẹ tôi ngẫm rồi quyết định bám trụ lại đây”, ông Giao kể lại.

Vợ chồng cụ Thanh nức tiếng một thời ở phố cổ Hà Nội.

Nhờ câu hỏi của bà cụ hàng xóm, vợ chồng ông Thanh bàn nhau tìm hướng phát triển với nghề làm vàng bạc. Vốn có tài trí lại thêm tay nghề làm vàng ông Thanh bàn với vợ ‘liều một phen’ vay vốn làm nhãn hiệu mang tên Hiệu vàng ‘Sư tử’ rồi trình toà công nhận bản quyền.

“Hiệu vàng Sư tử với ý nghĩa oai nghiêm được thành lập. Gia đình tôi làm vàng lá ra đẹp mắt độc đáo nên được nhiều người đón nhận. Hồi đó vàng của khách nhưng nhãn hiệu của mình. Vàng chủ yếu từ người dân ở các nơi đặc biệt ở Hoà Bình mang về. Mọi người đổi vàng thô lấy vàng cốt hoặc khách mang vàng thô đến nhờ gia đình tôi chế tác lại”, ông Giao chia sẻ.

Cụ Phạm Thị Tề nổi danh xinh đẹp, sắc sảo một thời.

Công việc buôn bán của họ rất đắt hàng. Theo đó, bố mẹ ông Giao sinh được 8 người con, ông Giao là con thứ 4 nhưng từ khi 9 tuổi, mỗi ngày ông đều phải cùng 10 gia nhân tham gia phụ giúp công việc buôn bán của gia đình.

“Ngày nào cũng như ngày nào, tôi phải đóng gói hàng trăm lạng vàng để xuất khẩu và đi giao hàng cho các nhà buôn trong thành phố. Lúc đó, việc giao nhận hàng không cần phải ký kết giấy tờ gì. Khách bán được vàng là họ mang đến trả tiền cho mẹ tôi”, ông Giao cho biết.

3 năm mua 3 căn nhà phố cổ Hà Nội

Để thương hiệu vàng phát triển vững mạnh như vậy, ông Giao cũng bật bí: “Cha mẹ tôi luôn căn dặn con cháu và gia công phải luôn trung thực và giữ chữ tín. Cốt lõi đều từ việc ‘lấy công làm lãi’ nên khách rất tin tưởng vào uy tín của mình. Hiệu vàng Sư tử đợt đó vang danh cả khu phố không ai sánh bằng”.

Khi còn nhỏ anh em trong gia đình ông Giao như những “cậu ấm, cô chiêu”.

Việc buôn bán thuận lợi chỉ trong vòng 3 năm từ năm 1942 đến 1944 gia đình ông Giao mua liên tiếp 3 căn nhà phố cổ Hà Nội. Căn nào cũng có diện tích hàng trăm mét vuông (gồm 1 căn ở phố Hàng Bạc, 1 căn ở phố Hàng Vôi và 1 căn ở phố Hàng Bè). Năm 1945 gia đình ông bán 3 căn nhà trên để mua căn rộng gần 700m2 ở số 115 phố Hàng Bạc ngày nay. Thời điểm đó việc mua nhà đều trị giá vàng trăm nghìn lượng vàng khiến không ít người khu phố sửng sốt.

“Thời kỳ đỉnh cao nhất của hiệu vàng gia đình tôi đó là vào năm 1953. Thời điểm đó hiệu vàng này sánh ngang với hiệu vàng Kim Thành trong miền Nam. Lúc nào cũng 10 gia nhân làm vàng. Bố mẹ tôi cũng nhận những người lang thang cơ nhỡ về hướng dẫn nghề nghiệp. Không ít người làm được dựng vợ gả chồng từ đây như cậu nhỏ lấy cô sen, có người sau thì hoạt động cách mạng”, ông Giao vui vẻ kể.

Gia đình ông Giao hiện vẫn gìn giữ những bức ảnh quý thời xa xưa.

Sống trong gia đình thương gia giàu có, ông Giao và anh chị em trong nhà không khác gì “cậu ấm, cô chiêu”. Đi đâu cũng có ô tô đưa đón, sống cuộc sống như những ông bà hoàng.

Mặc dù giàu nức tiếng phố cổ một thời nhưng vợ chồng ông Thanh sống vô cùng giản dị, không phô trương. Ông bà luôn căn dặn con cái có chí tiến thủ, tự lập. Cha mẹ rất thương con nhưng không chiều chuộng ai. Đủ 18 tuổi mọi người phải đi làm tự lập cho bản thân, không phải thích đòi cái gì cũng được. Chính vì thế mà anh em trong gia đình ông Giao luôn tự lập, không sống dựa dẫm vào ai.

Dù ở tuổi 80 nhưng ông Giao vẫn rất khoẻ mạnh và giữ tinh thần lạc quan.

Hiệu vàng Sư tử tồn tại được 18 năm thì tạm dừng hoạt động. Gia đình ông Giao sau đó cũng bán lại toàn bộ số vàng cho Nhà nước quản lý với giá cung cấp. Các con cháu trong gia đình ông Giao cũng làm công việc khác và không còn ai kinh doanh vàng bạc nữa.

“Tôi sau theo nghề Đông y, hai con gái thì công việc ổn định. Còn gia đình anh em đều có công việc cả. Sống đến giờ phút này ,tôi cũng chẳng nuối tiếc điều gì. Tôi luôn giữ tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Mỗi năm vợ chồng tôi đều dành thời gian đi du lịch, vui chơi. Tôi cũng đã đi du lịch được gần 30 nước rồi. Giờ cũng chẳng biết sống đến khi nào nhưng chúng tôi cứ sống vui khoẻ có ích thì tự nhiên mình ắt tươi khoẻ ra”, ông Giao chia sẻ thêm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất