Sắc màu Cuộc Sống

Chuyên gia phân tích hiện tượng tự sát 'Cá voi xanh': Hành động man rợ đánh mạnh vào người yếu tâm lý, nhận thức

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trò chơi “Thách thức Cá voi xanh” hiện đang gieo rắc nỗi kinh hoàng trên toàn thế giới đang khiến cho các bậc phụ huynh Việt Nam đứng ngồi không yên bởi trên thế giới nhiều bạn trẻ đã làm theo và thậm chí đã tìm đến cái chết.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên ‘Thử thách Cá voi xanh'

Trò chơi lan truyền trên Internet có tên “Thử thách Cá voi xanh” đang gieo rắc kinh hoàng cho nhiều gia đình học sinh ở Nga, châu Âu, châu Mỹ… hơn 2 năm qua. Cấp độ cao nhất của trò chơi này dành cho người chiến thắng là “tự sát”. Thật bất ngờ khi có thông tin cho rằng trò chơi này được ghi nhận đã xuất hiện trong giới trẻ ở tỉnh Tiền Giang.

Trò chơi nguy hiểm “Cá voi xanh” có thể dẫn đến cái kết tự sát của người chơi.

Thử thách Cá voi xanh là trò chơi truyền thông xã hội xuất hiện cách đây vài năm trên thế giới, bắt đầu từ nước Nga. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách trong vòng 50 ngày, vào lúc 4h sáng mỗi ngày.

“Thử thách Cá voi xanh” dẫn dắt người chơi thực hiện nhiều việc làm khác nhau, từ bình thường đến nguy hiểm, từ nhẹ nhàng đến “đẳng cấp cao”, như trao đổi trên mạng về cá voi xanh; xem phim Cá voi xanh; xem phim kinh dị; vẽ hình cá voi xanh (bằng bút bi) lên cơ thể; sử dụng dao, lưỡi lam hoặc kim khâu để tạo hình dáng cá voi lên cánh tay hoặc chân…

Trò chơi nguy hiểm “Cá voi xanh” đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, dẫn đến nhiều vụ tự tử thương tâm.

Vào ngày cuối cùng (ngày thứ 50), người chơi sẽ được cộng đồng mạng thừa nhận là “người chiến thắng” khi “dũng cảm” tự kết liễu đời mình (tự sát), giống như những con cá voi xanh tự lao lên bãi biển để tự kết liễu cuộc đời.

“Thử thách Cá voi xanh” trở thành trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Theo ghi nhận của giới truyền thông nước Nga, đã có hàng trăm thanh thiếu niên xứ sở bạch dương, nơi ra đời trò chơi nguy hiểm này, đã tự tử để trở thành “người chiến thắng”.

Từ nước Nga, trò chơi nguy hiểm mang tên “Thử thách Cá voi xanh” đã lan rộng sang vùng Trung Á, châu Âu và châu Mỹ. Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha… đã đưa ra lời cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm cho con em mình từ trò chơi “Thử thách Cá voi xanh”.

Chuyên gia cảnh báo lớp trẻ dễ bị chìm sâu vào trò chơi mạo hiểm tính mạng

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, không chỉ trò chơi này mà nhiều trò chơi khác tương tự đang tràn vào Việt Nam. Người tham gia thường là những thanh thiếu niên còn trong độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý.

Ở độ tuổi này, những lời chê bai, phê phán của người xung quanh, đặc biệt là phụ huynh, khiến các em dễ bị ảnh hưởng về tâm lý, cảm giác bị cô lập và khao khát được giải tỏa.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cảnh báo về mức độ nguy hiểm của trò chơi này.

“Đây là một trò chơi gần như mê tín vì nó khiến con người bị mê hoặc làm theo đó là làm theo những thử thách khi tham gia. Lứa tuổi trung học cơ sở khi thấy những cái mới lạ, bản thân các em có non nớt về cuộc sống, thường không có sân chơi lành mạnh đã lao vào những trò chơi áo trên mạng nguy hiểm đến tính mạng như thế này”, chuyên gia Nguyễn An Chất chia sẻ.

Làm cách nào để tham gia trò chơi vẫn là một ẩn số. Nhiều người cho rằng, muốn tham gia trò chơi này, bạn phải mất công tìm những “chú cá voi”, nghĩa là người đang chơi, họ sẽ giới thiệu bạn với chủ nhân của trò chơi này.

Sau khi cài phần mềm bí mật mà người đó đưa cho, mỗi ngày những người chơi sẽ được gửi một thử thách, phải hoàn thành xong trong ngày. Nhiệm vụ sẽ từ dễ đến khó và hầu hết đều mang tính kích thích cảm giác như đi dạo ở nghĩa địa lúc nửa đêm, xem phim kinh dị và cao nhất là tự sát.

Chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích, giới trẻ Việt Nam thường tiếp thu cái mới theo kiểu tò mò. Cái gì càng bí hiểm, càng mang tính chinh phục sẽ càng hấp dẫn các em. Và một khi đã tham gia và bị cuốn theo trò chơi với những quy tắc, luật lệ thì người chơi sẽ dần dần hoàn toàn tuân thủ, bởi lẽ khi tuân thủ, họ sẽ được công nhận. Và lúc đó, cảm giác của người chơi từ chỗ tuân thủ mệnh lệnh sẽ trở thành làm chủ.

Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, việc thích thú khi tham gia những thử thách trên mạng mà người khác đặt ra khiến người chơi bị mê hoặc thậm chí bảo chết cũng chết.

“Trong trường hợp này do thiếu hiểu biết, thiếu tri thức, thiếu kỹ năng sống, thiếu sân chơi cho thế hệ trẻ nên bộ phận lớp người trẻ chọn cái thử thách tưởng hay để làm theo… từ những việc làm như xem phim kinh dị, ra nghĩa trang, dùng dao lam hoặc dao rạch tay tự huỷ hoại bản thân, thậm chí thử thách cao nhất là tự tử, từ những điều này sẽ làm suy nhược trí tuệ người tham gia, mất tỉnh táo làm theo điều không có lý trí”, chuyên gia Nguyễn An Chất cảnh báo.

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, nhiều người tưởng rằng khi tham gia thử thách cuối cùng là tự tử thì cho rằng đã hoàn thành thử thách nhưng họ đã sai lầm. “Sai lầm đó là do hiểu biết kém, có thể con người tiến vào những cái xấu trên do tâm lý đang bị xáo trộn rất nhiều, bị áp lực lớn như học hành, ăn uống, cư xử, quan hệ xã hội… không biết chọn lọc thế nào nên đi vào con đường sai mà mình cho đó là hay”, chuyên gia nhấn mạnh thêm.

Trước thông tin trò chơi này tràn vào Việt Nam, chuyên gia Nguyễn An Chất đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh đó là nếu phát hiện con có dấu hiệu tham gia vào trò chơi này, tuyệt đối không dùng biện pháp cấm đoán. Bởi lẽ, trẻ luôn có tâm lý càng cấm càng làm. Hãy gần con, lắng nghe con, giúp con giải tỏa những áp lực và hướng dẫn các con tìm hiểu những cái tốt trên môi trường Internet hiện nay. Từ đó, những cái xấu, cái không tốt sẽ dần bị loại bỏ.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất