Sắc màu Cuộc Sống

Chàng thợ đạp xe cắt tóc '0 đồng' cho người vô gia cư: 'Hãy mỉm cười vì đời còn bao điều tử tế'

Ngọc Ngân
Chia sẻ

Trời chạng vạng tối, anh chất thùng đồ nghề cắt tóc lên chiếc xe đạp 'dã chiến' rồi bon bon trên các con đường lớn nhỏ. Giúp người vô gia cư có mái tóc gọn gàng và sạch sẽ, lắng nghe câu chuyện được kể từ những vỉa hè Sài Gòn… đó là việc anh Nguyễn Văn Pháp (sinh năm 1996) làm mỗi tối.

Sài Gòn chưa bao giờ thiếu những điều tử tế. Tôi đã tin như vậy khi bắt đầu câu chuyện cùng Nguyễn Văn Pháp. Cứ hết giờ làm việc tại tiệm cắt tóc, anh lại đạp xe rong ruổi khắp các ngõ phố để cắt tóc giúp người vô gia cư.

Thi thoảng, anh mang cho họ thức ăn, nước uống để lấp đầy dạ dày sau ngày làm việc vất vả. Và từ đó, những điều ấm áp đã được lan toả từ trái tim đến trái tim.

Chào Pháp, anh bắt đầu công việc này như thế nào?

Chuyện bắt đầu từ 10 năm trước, lúc đó mình còn là thằng bé 14 tuổi phá phách nhưng cũng đã hiểu sự đời chút chút. Tự mình quyết định đi học một cái nghề bởi một mình ở Sài Gòn vốn là điều không dễ dàng. 

Mình học chỗ này chỗ kia, rồi gặp được thầy dạy mình hiện tại và theo nghề đến giờ. Có công việc ổn định nên thi thoảng mình cũng hay đi phát quà cho những người vô gia cư ở ngoài đường.

Có lần, mình chứng kiến cảnh họ phải ngồi bệt dưới đất cắt tóc và cảm thấy xót xa quá. Quyết định đi cắt tóc miễn phí cũng từ đó mà hình thành. Mình “tân trang” lại chiếc xe đạp cũ được người đồng nghiệp cho, sắm 1 cái ghế để họ ngồi, để họ cảm giác đang ở tiệm cắt tóc như bao người khác. 

Ban đầu, số tiền mình bỏ ra làm là tiền vay mượn bởi thời điểm dịch bệnh kinh tế rất khó khăn. Mọi người khá ủng hộ mình, dù việc làm khiến quỹ thời gian cho bản thân hẹp lại nhưng thực sự mình đã rất hạnh phúc. 

Một buổi ‘cắt tóc 0 đồng’ của anh diễn ra như thế nào?

Sau khi tan ca ở tiệm, mình sẽ cùng vài bạn đạp xe rong ruổi khắp các tuyến đường. Gặp trẻ em nghèo, người khó khăn, vô gia cư mình sẽ tiến đến và hỏi thăm họ xem có nhu cầu không. Đối với mình, mỗi mái tóc đều phải được thực hiện một cách chỉn chu, cẩn thận nhất. 

Những em bé lang thang, cụ ông bán vé số, chú xe ôm… đều là khách hàng của mình. Ngồi cắt tóc, mình cũng hay nghe họ tâm sự về cuộc sống. Có chú không có nhà cửa, ban ngày đi nhặt ve chai tối đến tìm mặt bằng nhà nào đóng cửa sớm thì bỏ mền gối ra ngủ. Nghe xong mình rất xúc động vì họ quá vất vả và khốn khó.

Có khi anh lại mặc trang phục chú hề đi cắt tóc, anh có thể chia sẻ nhiều hơn về hình ảnh này?

Vì bộ đồ chú hề rất dễ thương nên mình đã chọn mặc bộ đồ đó để tạo sự thân thiện đối với những người vô gia cư. 

Không chỉ ở Sài Gòn, anh còn mang cả xe đạp lên Đà Lạt cắt tóc miễn phí. Hành trình này hẳn là rất đặc biệt?

Người Đà Lạt rất dễ thương và mến khách. Muốn cắt cho người khó khăn ở trên đó, mình phải vào trong vùng xa cách trung tâm thành phố cả 10 cây số, đạp xe rất mệt vì toàn đường dốc. 

Ở quảng trường thành phố, mình có cơ hội bắt chuyện và mời những người họ có hoàn cảnh khó khăn đến cắt tóc. Thông thường họ chỉ được cắt tóc 1 đến 2 lần trong năm nên tóc họ rất dài. Sau khi cắt xong, họ cảm ơn rối rít khiến mình rất hạnh phúc.

Chắc hẳn anh cũng đã có những “khách hàng” rất đáng nhớ?

Có lần, mình cắt tóc cho một bé nhỏ tầm 10 tuổi. Trong lúc cắt mình có hỏi bé nhà con ở đâu, sao khuya rồi không về nhà ngủ mà mà ra đây ngồi như vậy. Bé trả lời mẹ con bỏ con từ nhỏ, bố thất lạc con 2 năm nay, bây giờ con không biết đi về đâu nên chỉ ngủ ở ngoài đường như vậy. Lúc đó nghe xong, mình bị khựng lại không cắt được nữa. Thật sự rất xót xa.

Ban ngày vất vả ở tiệm, buổi tối vẫn đi cắt tóc cho người vô gia cư, anh cảm thấy mình đã nhận được những gì?

Mình nhận được nhiều điều ý nghĩa. Từ chuyện họ kể, cách họ đối mặt với khó khăn để giành lấy miếng cơm manh áo hằng ngày. Nó khiến mình có động lực sống hơn.

Bên cạnh đó, mình cũng muốn làm được điều ý nghĩa cho xã hội. Dù việc nhỏ hay việc lớn, chỉ cần mình cố gắng và có tấm lòng chân thành thì sẽ mang đến được những điều tích cực. Trong thời gian sắp tới, mình sẽ cố gắng “tân trang” lại chiếc xe cub 50 để dễ dàng di chuyển, đi đến nhiều nơi trong thành phố và các tỉnh nữa.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Ngân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất