Sắc màu Cuộc Sống

Cặp vợ chồng ở nóc nhà vệ sinh trên phố cổ Hà Nội chống chọi với nắng nóng: ‘Nhiều hôm không ngủ được, chẳng dám ra ngoài’

Định Nguyễn
Chia sẻ

Dưới nắng nóng gay gắt chiếu thẳng vào căn nhà rộng 8m2 được dựng trên nóc nhà vệ sinh của vợ chồng ông Nguyễn Phùng Hải (85 tuổi) ở phố cổ Hà Nội khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn, khổ sở.

Nhiều ngày nay, từng đợt nắng nóng liên tục hất vào căn nhà 8m2 trên nóc nhà vệ sinh công cộng ở ngõ ở Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây là nơi sinh sống của ông Nguyễn Phùng Hải (85 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Xâm (75 tuổi), cùng cô con gái 26 tuổi suốt hơn 40 năm qua. Khu nhà vệ sinh là của chung của 6 hộ gia đình trong ngõ.

Vách nhà là những tấm tôn, quây tạm bợ, chắp vá, lâu ngày hoen gỉ, tạo thành những lỗ thủng nhỏ. Từng tia nắng liên dọi thẳng vào nhà. Bên trong nhà tăm tối và xập xệ, tường bong tróc từng mảng, chất đầy đồ đạc. Do nắng nóng vợ chống ông Hải mấy ngày qua liên tục ở trong nhà đóng kín cửa lại. Ba chiếc quạt bật liên tục 24/24h.

Căn nhà rộng 8m2 nằm trên nóc nhà vệ sinh hiện là nơi sinh sống của gia đình ông Hải.

Hằng ngày ông Hải phải di chuyển xuống qua các bậc thang.

Ông Hải kể, vợ chồng đã phải chịu cảnh nắng nóng kéo dài lâu nhất trong suốt 27 năm qua. Vì nắng nóng khiến cuộc sống gia đình ông bị đảo lộn. Cả ngày chỉ ở trong nhà không dám ra ngoài.

“Mấy ngày qua nóng quá không chịu được. Tôi cứ mở cửa ra là hơi nóng hất vào nhà. Vợ chồng phải thay nhau hất nước lên nền nhà. lấy khăn ướt thấm lên tường. Nóng khiến tường nóng như thiêu. Đến nửa đêm thời tiết dịu lại mới chợp mắt được lúc. Ngày thì vợ chồng cứ ngồi lì trong phòng”, bà Xâm chia sẻ.

Nắng nóng vợ chồng ông Hải luôn ngồi trong phòng không dám ra ngoài.

Theo ông Hải, trước đây con ngõ này chỉ có gia đình ông ở, sau có thêm mấy hộ nữa. Năm 1975, vì độc thân, không muốn làm phiền gia đình, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng có thể tận dụng được để ở nên ông dọn lên. Hồi đó ông chỉ ở khoảng 3 m2, lợp mái và quây cót ép, giấy dầu. Năm 1989 ông lấy vợ, nhà thêm người nên cơi nới ra bằng diện tích bây giờ.

Bà Xâm người Hà Tây cũ lấy ông Hải năm 39 tuổi, còn ông khi đó đã bước sang tuổi 50. Qua mai mối nên bà Xâm cũng không tìm hiểu kỹ. Ngày tân hôn bà. bật khóc sang nhà người thân ngủ vì hoảng hồn biết nơi chồng ở là nóc nhà vệ sinh công cộng dột nát, tạm bợ. Hôm sau bà bỏ đi, nhưng nghĩ lại giàu nghèo gì đó cũng là chồng mình nên lại trở về với ông. Hai vợ chồng cùng sinh sống rồi có với nhau hai người con.

Bà Xâm buồn bã và không dám mời anh em họ hàng lên nhà mình chơi bao giờ.

Cuộc sống chật chội khổ sở nên sau khi lập gia đình, người con trai ra ngoài thuê trọ ngôi nhà 50m2 sinh sống. Vợ chồng con trai cũng bảo ông bà qua ở cùng nhưng bà bảo ở đây khổ nhưng cũng quen vì không muốn làm phiền con cháu.

“Con rủ chúng tôi qua ở nhưng chúng nó cũng ở trọ chưa nhà cửa gì. Giờ mà qua ở thì phiền con cháu nên vợ chồng tôi quyết ở đây. Nắng nóng này muốn lắp cái điều hoà cũng không có chỗ mà lắp. Con cũng bảo mua cái quạt điều hoà cho mát nhưng không có chỗ để nên đành mua thêm cái quạt treo lên tường”, bà Xâm chia sẻ.

Hằng ngày ông Hải liên tục phải dọn nhà vệ sinh sạch sẽ.

Ở trên nóc khu vệ sinh nên hầu như lúc nào nhà ông Hải cũng phảng phất mùi xú uế, đặc biệt khi trời nắng nóng. Ngày nào hai ông bà cũng thay nhau dội nước, quét nhà vệ sinh chung mong nhà mình ở trên bớt ô nhiễm. Ông cũng là người chăm lau dọn nhất trong ngõ vì một ngày mà không dọn thì cả nhà phải mất ăn mất ngủ.

“Sáng tối nào cũng phải dọn sạch sẽ nhà vệ sinh. Nắng nóng phải dọn nhiều hơn, khổ lắm nhưng đành chịu chứ biết làm sao được”, ông Hải than thở. Từ ngày lấy chồng tới nay, bà Xâm chẳng dám mời họ hàng lên chơi vì xấu hổ. Hai người con cũng chưa từng mời bạn bè về nhà. Bà cũng ái ngại khi thi thoảng nhận được điện thoại của anh em họ hàng ở quê gọi điện nói vừa đọc báo thấy hình ảnh của vợ chồng được đăng tải.

Trần nhà được lắp miếng xốp tránh nóng hầm hập từ mái tôn.

“Ngại lắm nhưng cuộc sống nó vậy rồi…”, ông Hải tự nói như động viên bản thân. Còn bà Xâm thì lẳng lặng không nói thêm gì. Hai vợ chồng ông Hải bao năm qua vẫn ao ước có một căn nhà to rộng hơn. Tuy nhiên kinh tế giờ phụ thuộc vào cậu con trai đã ở riêng, thêm vài đồng ông Hải bơm xe ngoài phố nên chẳng dư dả. Bà Xâm từng bán bún riêu nhưng vài năm nay nghỉ vì bệnh khớp vì thế ước mơ về ngôi nhà mới dường như là không tưởng.

“Các con có đợt cũng ngỏ ý vay tiền để sơn sửa lại ngôi nhà này cho sạch sẽ hơn nhưng tôi bảo không có tiền thì thôi. Giờ vẫn ở tạm được nên cứ ở. Ngày mưa gió, gió rét còn đỡ chứ ngày nắng như thế này thì sợ quá”, ông Hải nói thêm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất