Sắc màu Cuộc Sống

Các tỉnh, thành miền Trung gấp rút di dời người dân, chuẩn bị phương án đối phó với bão số 5

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Trước nguy cơ bão số 5 đổ bộ, các tỉnh thành ở miền Trung đã gấp rút thực di dời người dân sống ở những khu vực không an toàn đến những địa điểm trú bão kiên cố. Những điểm này được trang bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, vật dụng cần thiết...

Theo TTXVN, ngày 11/9, trước nguy cơ bão số 5 độ bộ vào Đà Nẵng, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã di dời người dân sống ở những khu vực không an toàn đến những địa điểm trú bão kiên cố, nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.

Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), các lực lượng chức năng và công an đã tích cực vận động và giúp đỡ người dân sống tại những khu vực không an toàn đến 7 điểm tránh trú bão số 5, gồm: Cơ sở 2 của Công an quận Sơn Trà; Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng; 

Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh; Trường Nguyễn Tri Phương; Nhà chống bão đa năng k156/48 đường Nguyễn Phan Vinh; Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (134 Ngô Quyền); Thư viện thân thiện 90 Phan Bá Phiến. 

Các tỉnh, thành miền Trung gấp rút di dời người dân, chuẩn bị phương án đối phó với bão số 5 Ảnh 1
Người dân tránh bão tại Thư viện thân thiện 90 Phan Bá Phiến (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ảnh: TTXVN

Tính đến 15 giờ cùng ngày, phường Thọ Quang đã vận động 12 hộ gia đình với 28 người sống tại địa điểm đồi núi về nơi trú bão. Từ nay đến tối, lực lượng chức năng tiếp tục vận động người dân, đảm bảo mọi người dân trên địa bàn đều được an toàn trước bão số 5.

Đại úy Dương Văn Thắng, Phó trưởng Công an phường Thọ Quang cho biết, các điểm tránh trú bão của địa phương đều được trang bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, dụng cụ nấu bếp, chăn chiếu, đèn pin… đảm bảo cho người dân yên tâm trú bão. Ngoài ra, phường còn cắt cử 4 cán bộ gồm công an, nhân viên phường ở lại túc trực tại các điểm này. Đặc biệt, trước khi tránh bão người dân đều được xét nghiệm SARS-CoV-2 và trong khi tránh bão mọi người phải thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Theo ghi nhận của PLO, đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào trú ẩn an toàn. Riêng 54 phương tiện/316 lao động ngoại  tỉnh đang neo đậu tại cảng cá Thuận An thì địa phương đã bố trí các điểm sơ tán, vừa đảm bảo an toàn về thiên tai, và đảm bảo an toàn về phòng chống dịch Covid-19. 

Tỉnh cũng dự trữ được 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo, rà soát di dời 18.000 hộ/64.000 người nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến 18 giờ hôm nay, tỉnh sẽ cố gắng di tản 95.000 người dân, trong đó có 85.000 người dân ở sáu huyện thị, thành phố ven biển và gần 10.000 hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Theo ông Bửu, sáng nay đã phát sinh 11 ca F0 tại thị xã Điện Bàn, ở đó có khu công nghiệp tập trung 25.000 công nhân, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Các tỉnh, thành miền Trung gấp rút di dời người dân, chuẩn bị phương án đối phó với bão số 5 Ảnh 2
Các tỉnh, thành miền Trung gấp rút di dời người dân, chuẩn bị phương án đối phó với bão số 5 Ảnh 3
Bão số 5 gây mưa lớn tại Đà Nẵng trong ngày 11/9. Ảnh: TTXVN

"Ngay sáng nay, Bí thư tỉnh ủy đã chỉ đạo phải áp dụng chỉ thị 16+ tại thị xã Điện Bàn. Với tình hình mưa bão như hiện nay, việc áp dụng chỉ thị 16+ thì rất khó khăn cho công tác triển khai ứng phó phòng chống thiên tai và phòng chống dịch" - ông Bửu chia sẻ.

Ghi nhận của VOV.vn, tại Quảng Bình, những ngày qua đã có mưa lớn, dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng thấp trũng. 

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, địa phương đã vận động nhân dân chủ động cắt tỉa cành cây, giằng chống, gia cố nhà ở, các công trình công cộng, tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra.

Các tỉnh, thành miền Trung gấp rút di dời người dân, chuẩn bị phương án đối phó với bão số 5 Ảnh 4
Đoàn viên thanh niên gia cố mái của các trường học tại Quảng Bình. Ảnh: VOV

Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã thu hoạch 13.400 héc ta lúa, đạt tỷ lệ 87% diện tích lúa Hè- Thu. Mưa to kèm gió mạnh đã khiến hơn 1.000 héc ta lúa, sắn, rau màu ở các địa phương ở tỉnh này đổ rạp, ngập úng. Hiện nay, nông dân tỉnh Quảng Bình đang tranh thủ gặt lúa “chạy bão”. 

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống, triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các điểm xung yếu.        

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin mới nhất