Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bữa cơm đơn sơ với cấp dưới và đời thường giản dị của Tổng Bí thư

Trong ký ức của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Tổng Bí thư là người sống giản dị, tình cảm và đặc biệt ham đọc sách.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống giản dị, khiêm nhường"

Từng làm nhiều vị trí như: Phó Chủ nhiệm Khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Thành Ủy Hà Nội đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức có cơ hội được gặp và làm việc, thậm chí thân tình với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bữa cơm đơn sơ với cấp dưới và đời thường giản dị của Tổng Bí thư Ảnh 1

Bởi vậy, ông có rất nhiều điều để nhớ và kể về Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói với tôi thế này: "Nhà mình bên Đông Anh cũng khó khăn và vất vả lắm". Rồi ông kể rất chân thành với tôi thời học cấp 3, ông đi thi học sinh giỏi môn Văn, được bà nội cho một hào để ăn quà nhưng cuối cùng ông chẳng ăn gì cả, sau lại cầm một hào đó về gửi bà.

Những câu chuyện đơn giản, thân tình nhưng thể hiện nhân cách của một người sống giản dị, khiêm nhường", ông Chức xúc động.  

Theo ông Chức, phong cách cùng lối sống này của Tổng Bí thư hình thành từ rất lâu và không thay đổi dù sau này ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Trong trí nhớ của TS Nguyễn Viết Chức, thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, còn ông làm ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư có đến thăm nhà ông và ngồi chiếu ăn uống vui vẻ, bình thường với gia đình ông chẳng nề hà gì. Gia đình ông Chức lúc đó không đầy đủ như bây giờ, bàn ghế cũng chẳng có, chỉ ngồi dưới chiếc chiếu cũ và hơi rách. 

Bạn thân của ông Chức - từng làm việc ở Tạp chí Cộng sản - cũng kể với ông những kỷ niệm rất sâu sắc và chân tình về Tổng Bí thư. 

"Bạn tôi còn giữ những bức ảnh ông ấy cắt tóc cho Tổng Bí thư. Mỗi lần tóc hơi tốt, hai người lại tự cắt cho nhau, không ra tiệm bao giờ.

Nói thế để thấy, tác phong của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi với anh em, bạn bè nên mọi người đều yêu mến. Điều này đã có từ lâu, phong cách của ông đã đi vào cuộc sống rồi chứ không phải đến khi ông làm Tổng Bí thư", ông Chức chia sẻ.

Vị Tiến sĩ kể, thời ông gặp gỡ, làm việc nhiều và thân thiết với Tổng Bí thư là giai đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội còn ông là Thành ủy viên. 

"Có lần ông sang thăm nhà tôi và hỏi vợ tôi: "Chú ấy cho cô ở thế này mà cô cũng chịu được à?". Vợ tôi cũng thật thà: "Em lấy nhà em được ở thế nào thì chịu vậy thôi ạ". Tôi nhớ mãi câu hỏi và sự chân tình của ông ấy", ông Chức bồi hồi.

Bữa cơm đơn sơ với cấp dưới và đời thường giản dị của Tổng Bí thư Ảnh 2
TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: Quang Tấn).

Ông Chức nhớ lại, trước đây, có giai đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở tầng 2 khu tập thể tại phố Đặng Tất.

Trong trí nhớ của ông, nơi ở của Tổng Bí thư khi đó rất đỗi bình dị, cổng ngoài có người gác, cầu thang đi lên cũ và rất bé. Phòng khách thì nhỏ khoảng 10m2 với bộ bàn ghế mộc mạc, trong phòng cũng chẳng bài trí hay có vật dụng gì đắt đỏ.

Đến khi ra về, người bảo vệ ở đó bảo với ông Chức rằng: "Chú nói với bác Trọng theo tiêu chuẩn về ở nhà số 5 Thiền Quang đi. Bộ Chính Trị đề nghị rất nhiều lần rồi nhưng bác không về. Chúng tôi là người phải bảo vệ ở đây rất sợ sai sót".

Sau khi nhiều người đề nghị, Tổng Bí thư cũng về nhà số 5 Thiền Quang. Tại đó, nơi ở của Tổng Bí thư cũng như những cán bộ khác, rất đỗi bình thường và không có gì sang trọng.

Trong ấn tượng của ông Chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, khiêm nhường, liêm khiết là thế và cũng không khi nào nói gì "đao to búa lớn". Ngay cả khi triển khai công việc hay lúc giải lao, đều là những câu chuyện gần gũi, dung dị và lúc nào cũng nhấn mạnh yếu tố văn hóa ở mỗi con người.

"Tổng Bí thư nói, sự chân thành, thật thà, chia sẻ và giúp đỡ nhau cũng là thể hiện văn hóa. Thực tế, để hoàn thành trách nhiệm của mình cũng là văn hóa.

Trong công việc, Tổng Bí thư chỉ nhắc nhẹ cũng khiến các đồng chí và cấp dưới của mình phải suy nghĩ. Có lần, ông hỏi tôi: "Ông Chức làm văn hóa Thủ đô dạo này thấy thế nào?". Một câu hỏi đơn giản thế thôi cũng buộc tôi phải suy nghĩ và trả lời nhiều điều", ông Chức nói.

Bữa cơm đơn sơ với cấp dưới và đời thường giản dị của Tổng Bí thư Ảnh 3
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên Khoa ngữ văn, khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội) (Ảnh: VNU).

Chia sẻ thêm những điều đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Chức nhớ như in: "Trong tất cả cuộc họp Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư lúc nào cũng ăn mặc rất chỉn chu, chuẩn mực nhưng không phải thời thượng, cao cấp gì.

Phong cách và lối sống đó cũng ảnh hưởng đến mọi thành viên trong gia đình, từ vợ đến con của Tổng Bí thư. Bà Mận (Phu nhân của Tổng Bí thư - PV) giản dị, mộc mạc và chân tình chứ không có biểu hiện gì của vợ một cán bộ cấp cao cả"

Ông Chức kể, bà Mận và vợ của ông Chức cũng là chị em thân thiết với nhau. "Một lần, có 10 quả trứng sạch ở Đông Anh, bà ấy cũng chia sẻ với vợ tôi, thân tình lắm. 

Sau này, khi ông ấy lên làm Tổng Bí thư, chúng tôi ít còn cơ hội gặp nhau thường xuyên như trước, chỉ hỏi thăm qua gia đình. Với tôi, những lần được làm việc, trò chuyện với Tổng Bí Thư mãi là kỷ niệm đẹp, dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời", ông Chức xúc động. 

Bữa cơm đơn sơ với cấp dưới và đời thường giản dị của Tổng Bí thư Ảnh 4
"Tài sản vô giá mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại là tấm gương sống giản dị, khiêm nhường, liêm khiết và đầy mẫu mực...", TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh (Ảnh: Tiến Tuấn). 

Tổng Bí thư là nhà văn hóa lớn, xuất sắc

Ở một khía cạnh khác, ông Chức nể phục Tổng Bí thư là người ham đọc sách và đọc rất thuộc, từ văn học nghệ thuật cho đến các cuốn sách nghiên cứu… Khi trò chuyện với Tổng Bí thư, ông mới chợt nhớ "hóa ra cuốn này mình cũng đọc nhưng không nhớ hết được".

Tổng Bí thư là người yêu thích văn học nghệ thuật. Ông luôn mong muốn văn học nước nhà có những tác phẩm xứng tầm với thời đại.

"Tổng Bí thư có rất nhiều câu nói trong chỉ đạo văn hóa, phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà khiến tôi và những người làm văn hóa vô cùng tâm đắc, thấm thía.

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư từng nói, "văn hóa còn, dân tộc còn". Đánh giá văn hóa như vậy là lớn lao và khái quát lắm.

Nói về vấn đề lớn trong xã hội nhưng Tổng Bí thư luôn vận dụng chính thơ, ca dao, tục ngữ rất gần gũi và dễ hiểu. Khi trò chuyện với các cấp dưới, Tổng Bí thư thường có câu "ông nghĩ sao?", "có phải thế không ông?" thể hiện một sự tôn trọng, lắng nghe và không áp đặt.

Những vấn đề văn hóa Tổng Bí thư yêu cầu và đưa ra thành văn kiện của Đảng như phải quan tâm đến văn hóa tương đương với chính trị, kinh tế, xã hội là những điều mà mọi người đều thấy và ghi nhận nhưng thông qua phát biểu của ông với tư cách là Tổng Bí thư đó còn như một mệnh lệnh, chia sẻ sâu sắc. Giao nhiệm vụ cho những người làm văn hóa một cách tế nhị, tình cảm nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc", ông Chức bộc bạch.

Nói về những dấu ấn đặc biệt cố Tổng Bí thư để lại, ông Chức cho hay: "Tài sản vô giá và quý báu nhất Tổng Bí thư để lại là tấm gương sống giản dị, khiêm nhường, liêm khiết và đầy mẫu mực. Là tấm lòng vì dân và vì sự phát triển của đất nước, tiến bộ của dân tộc. Là tình cảm hòa đồng và sâu sắc trong anh em, đồng chí, đồng bào.

Còn những công lao to lớn của Tổng Bí thư, tôi nghĩ Huân chương sao vàng - Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước - trao tặng đã là đánh giá cao nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất ở thời điểm hiện nay", ông Chức xúc động. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất