Sắc màu Cuộc Sống

Bỏ làm quản lý với thu nhập khủng, nữ 9X về quê làm thợ mộc khởi nghiệp’ ở góc chuồng gà

Định Nguyễn
Chia sẻ

Đang làm quản lý thiết kế cho một tập đoàn xây dựng với thu nhập cao thế nhưng Nguyễn Hảo (28 tuổi) đã quyết định theo đuổi đam mê với nghề thợ mộc. Đây là nghề mà ít ai là phụ nữ có đủ can đảm và kiên trì liều lĩnh theo đuổi như Hảo.

Bỏ làm quản lý tại tập đoàn về quê làm thợ mộc

Cứ cuối tuần, Nguyễn Hảo (28 tuổi, hiện đang sinh sống tại Khu đô thị Mỗ Lao 2, quận Hà Đông, Hà Nội) lại trở về quê ở làng Thọ An, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Hảo về đây để bắt đầu với những công việc làm mộc của mình. 

Hảo hiện đang khởi nghiệp với nghề thợ mộc.

Vừa ngồi vẽ trang trí đồ mộc, Hảo cho biết, ngay từ nhỏ đã làm những công việc như giữ gỗ, bào gỗ, tiếp đồ cho bố làm nghề mộc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, Hảo về làm quản lý cho một tập đoàn xây dựng với hơn 5 năm làm công việc thiết kế bản vẽ. 

Việc làm cho Hảo một thu nhập rất tốt với mức lương trên 30 triệu đồng/tháng thế nhưng chính vì ngồi bàn giấy nhiều khiến cô cảm thấy nhàm chán. Nghĩ về cuộc sống ngày xưa, phụ bố làm công việc mộc, đó là khoảng thời gian Hảo cảm thấy vui vẻ nhất và rồi Hảo đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi nghề mộc.

Gỗ thừa Hảo xin từ những gia đình hàng xóm.
Sau khi mang về nhà Hảo tự bào rồi sáng chế ra các đồ vật.
Hảo sẽ nghĩ ra từng đồ vật khác nhau. 

Nhiều người vẫn nghĩ nghề thợ mộc nhọc nhằn vốn chỉ dành cho đàn ông. Với dáng hình mảnh thảnh chưa đầy 40kg ít ai nghĩ Hảo tự mình bào gỗ, cắt chế để cho ra những sản phẩm là đồ chơi trẻ em hay đóng những vật dụng khác nhau đầy bắt mắt như vậy.

“Bố tôi trước đây vốn là thợ mộc chuyên đóng giường tủ. Khi tôi đang học lớp 10 thì bố bị tai biến, tiếp sau đó đến người cô ruột cũng bị. Một mình mẹ tôi tảo tần gánh vác lo cho 4 đứa con ăn học đại học. Năm nào bố tôi cũng phải đi viện do những di chứng do tai biến gây ra. 

Từ hồi sinh viên tôi cũng đã đi làm thêm để thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống học tập đỡ gia đình. Tiền học bổng của kỳ trước tôi lại lấy để đóng cho kỳ sau. Hồi sinh viên năm cuối tôi cùng hai bạn nữa bắt đầu sáng tạo làm ra những đồ vật tái chế bằng gỗ. Chúng tôi nhận công trình làm ban công cho gia đình hoặc trong khuôn viên trường mầm non để các em có thể vui chơi đùa nghịch sáng tạo”, Hảo kể lại.

Ra trường Hảo đi làm thiết kế rồi lập gia đình. Công việc thợ mộc trước đó cô cũng không có thời gian theo đuổi nữa. Cô tập trung làm thiết kế cho một tập đoàn xây dựng. Dù làm gì Hảo vẫn luôn đặt mục tiêu rõ ràng để mình phấn đấu và đạt được. Cô luôn nhận được sự đánh giá cao năng lực của lãnh đạo tập đoàn cũng như luôn đạt thành tích xuất sắc trong công việc.

Những đồ vật được tô vẽ để thêm bắt mắt. 

Thời gian nghỉ dịch COVID-19 vừa qua Hảo về quê bên gia đình. Nhìn những vật dụng làm mộc của bố xếp ngoài chuồng gà đã lâu bao ký ức trong cô lại ùa về. Trong lòng cô gái nhỏ nhắn này bỗng hiện hữu với bao kế hoạch. Hảo nghĩ hằng ngày quanh khu vực có rất nhiều gia đình làm mộc sẽ có nhiều gỗ thừa. Thứ hai cô muốn nối nghiệp công việc mà bố mình từng dang dở. Từ đó bố có thể phụ cô những công việc nhỏ đủ sức để bố cũng có thể kiếm thêm thu nhập.

‘Khởi nghiệp’ ở góc chuồng gà của gia đình

Không ngần ngại Hảo bắt đầu mua dụng cụ cầm tay, máy sử dụng đa năng, cưa cầm tay. máy mài, cưa lọng chỉ… Địa điểm Hảo “khởi nghiệp” chính là góc chuồng gà của gia đình mình. 

“Tôi tận dụng góc chuồng gà nơi mà trước đây bố vẫn thường làm việc. Tuy nhiên cả chục năm qua nó không được sử dụng nữa. Khi làm việc tại đây ngoài muỗi ra thì nghe đủ thứ gà kêu, chim kêu… cũng vui tai”, Hảo hài hước nói.

Những đồ dùng để trẻ nhỏ thoả sức sáng tạo, xếp hình.

Một mình tự phải mày mò, tìm hiểu cách sử dụng máy móc sao cho sử dụng an toàn, hiệu quả. Biến điểm yếu thành điểm mạnh khi Hảo tham gia vào hội nhóm mộc, chỉ có một mình là gái ở trong nhóm cho nên những bí kíp độc đáo trong nghề mộc Hảo luôn được mọi người chia sẻ.

Hảo chia sẻ: “Trong thời gian đầu theo đuổi nghề mộc tôi gặp rất nhiều khó khăn, gia đình không ủng hộ, người thân bạn bè ai cũng nói tôi bị khùng, bị điên, ai cũng nghĩ công việc đó chỉ dành cho đàn ông, những người có sức khỏe, với một cô gái yếu ớt như tôi thì sẽ không thể làm được”.

Từ những mảnh gỗ phế thải Hảo chế tạo thành các hình thù đồ dùng khác nhau.

Hàng ngày Hảo vẫn đi đến các hộ làm mộc xung quanh gia đình mình để xin những mảng gỗ, mẫu gỗ thừa về. Khi về cô lại nghĩ với mẫu gỗ đó sẽ làm được những gì. Vốn là dân kiến trúc nên Hảo dễ dàng tư duy ra hình thù các đồ vật rồi sáng tạo sao cho đẹp mắt. 

Đã có những khoảng thời gian Hảo làm việc từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm mà vẫn chưa hết việc. Là lúc khách hàng đặt gì Hảo cũng làm, có sản phẩm làm mất hai đến ba ngày mà chỉ nhận được vài chục nghìn đồng, nhưng Hảo vẫn cảm thấy vui vẻ bởi vì đó là cách giúp Hảo rèn luyện tay nghề.

Với mức thu nhập chỉ bằng một phần nhỏ công việc trước đây, dù đã có lúc Hảo nghĩ sẽ phải dừng lại công việc làm mộc, nhưng nghĩ đến mục đích ban đầu của mình là gì nên Hảo đã vượt qua và tiếp tục theo đuổi đam mê. 

Một trong số hàng nghìn đồ dùng Hảo chế tạo ra.

Đôi khi chỉ đơn giản là tự tay làm đồ chơi cho cô con gái ba tuổi, với mong muốn dành cho con những sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, từ những sản phẩm đó con có thể học được nhiều điều ý nghĩa. 

Mất rất nhiều công sức để làm ra một sản phẩm, người mà Hảo muốn khoe nhất chính là chồng và những người thân trong gia đình, khi mang những sản phẩm đó ra ai cũng bảo sẽ không có ai bỏ tiền ra để đi mua những đồ như thế này. Hảo suy nghĩ rất nhiều, vì phải tốn rất nhiều công sức và thời gian mới cho ra được một sản phẩm, vậy mà những người thân thiết gần mình nhất lại nói ra những lời nói đó.

Thế rồi, Hảo đã kiểm chứng lại những điều mọi người nói bằng cách chụp ảnh các sản phẩm đưa lên mạng để bán. Các sản phẩm đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Điều đó đã tạo thêm động lực để Hảo cố gắng theo đuổi đam mê.

Gắn bó với nghề mộc cuộc sống của Hảo đã thay đổi rất nhiều, Hảo thỏa sức sáng tạo với các sản phẩm đồ chơi thân thiện với môi trường. Cô không còn cô gái sáng hối hả đến văn phòng rồi tối về nhà lại luẩn quẩn trong một công việc ngồi máy tính.

“Hiện tại trên thị trường có rất nhiều những sản phẩm làm đẹp hơn, tinh tế hơn so với đồ mà tôi đang làm. Thế nhưng giá trị cảm xúc của những sản phẩm đó lại thấp hơn các sản phẩm của tôi, những đồ chơi tôi tự tay thiết kế bằng việc tận dụng những mẩu gỗ phế phẩm tại các xưởng mộc. Tôi muốn những đồ vật này trẻ nhỏ sẽ thoả sức sáng tạo, mọi người có thể tận dụng từ phế phẩm để làm đồ vật trang trí trong nhà giúp ngôi nhà thêm đẹp hơn”, Hảo chia sẻ thêm.

Cũng nhiều lần công ty cũ vẫn ngỏ lời bảo Hảo quay lại làm thế nhưng cô bảo hiện tại đang muốn thoả sức với đam mê của mình. Cô tin những điều mình vạch ra bản thân sẽ phát triển tốt và làm được.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin mới nhất