Sắc màu Cuộc Sống

Bồ câu mang màu sắc kì lạ ở Nhà thờ Đức Bà: Trẻ em thích thú, người lớn nổi giận

Hồng Ngọc
Chia sẻ

Theo chị Thanh - người "chăm sóc" đàn bồ câu ở Nhà thờ Đức Bà: "4, 5 tháng nay hàng chục chú bồ câu bị nhuộm lông vẫn khỏe mạnh và không bị rụng lông nhiều". Tuy nhiên...

Từ nhiều năm nay, đàn bồ câu đã trở thành một phần biểu tượng tô điểm cho khu vực Nhà Thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố. Giữa tất bật hối hả của cuộc sống, cánh chim hòa bình chao lượn trên không đã mang đến vẻ đẹp bình yên, tách bạch với hối hả đua chen của chốn thị thành.

Khoác áo galaxy, pastel cho biểu tượng hòa bình

Cả người dân Sài Gòn lẫn du khách nước ngoài cũng vô cùng hào hứng với tiếng lách tách phát ra từ chiếc lon đậu lắc như một tín hiệu thu hút đàn chim bồ câu bay về. Ngoài hai màu lông trắng - đen nguyên thủy, dạo quanh khuôn viên nhà thờ Đức Bà hẳn nhiều người sẽ bị thu hút bởi những cánh chim sặc sỡ màu: Vàng, hồng, xanh, tím…

Đàn chim theo tiếng lon đậu lắc kéo nhau bay về ăn đậu từ khách du lịch và các em nhỏ trước trường Hòa Bình.

Những chú chim mang màu sắc rực rỡ, nổi bật giữa đàn.

Đàn chim bồ câu lên đến hàng trăm con này là chim tự nhiên, được chị Nguyễn Thị Quang Thanh - bán nước gần khu vực nhà thờ Đức Bà nghĩ ra ý tưởng kinh doanh đậu và thóc để nuôi chúng. Chia sẻ về lí do “khoác màu áo mới” cho bồ câu, chị Thanh cũng cho hay: sau khi xem được hình ảnh những chú chim lông rực rỡ ở nước ngoài, chị nảy ra ý định nhuộm lông cho chúng. “Cả đàn có tất cả mấy mươi con được nhuộm lông. Việc nhuộm lông cũng tương tự như mình nhuộm tóc vậy thôi. Mới nhuộm thì màu chói chang, nhưng đến khi được tắm táp nhiều lần thì màu nhả ra bớt, qua một thời gian mới đẹp lên được”.

Việc nhuộm lông cũng phải đòi hỏi “tay nghề”: chim bồ câu được chọn phải là những con đực “ưu tú”, lông trắng muốt, có thế nhuộm mới lên màu. Phải biết cách giữ cánh, giữ chân trong tay làm sao để chúng không nhúc nhích, cựa quậy. Việc phết màu lên lông cũng khá mất thời gian nên một ngày chị Thanh chỉ nhuộm được vài con.

Bồ câu được nhuộm phải là con trống có lông trắng để dễ ăn màu.

Chia sẻ về bí quyết “phối màu”, chị Thanh cũng thật thà cho hay: “Màu mua về được nhuộm theo cách ngẫu nhiên. Nhiều bạn trẻ trầm trồ ngạc nhiên bảo bồ câu mang màu pastel (màu ngọt ngào, nhẹ nhàng), màu galaxy (màu của dải ngân hà). Tôi cũng chỉ nhuộm vô tình mà đâu ngờ tự nhiên lại hợp mốt”.

Từ Tết đến nay, sau khi phủ “áo mới” thì đàn bồ câu bỗng hút khách hơn hẳn. Nhiều người không chỉ đến chiêm ngưỡng mà còn chụp ảnh và ngỏ lời muốn cho chim ăn. Nhận thấy nhu cầu này, chị mở rộng kinh doanh thêm đậu xanh để bán cho du khách. Cứ 10.000 đồng, khách sẽ nhận về 1/3 hộp nhỏ đậu xanh để cho chim ăn và thu hút chúng chụp ảnh. “Tôi không biết nhờ thế khách quan tâm hơn hay thời điểm hè bọn trẻ ra chơi nhiều, nhưng thời gian qua thì đông đúc hơn hẳn. Riêng những người nước ngoài thì vô cùng thích thú” - chị Thanh hào hứng cho hay.

Đàn bồ câu rực rỡ thu hút nhiều sự quan tâm của du khách, từ đó việc kinh doanh thức ăn cho chim cũng khấm khá hơn.

Trẻ con thích, người lớn kịch liệt phản đối:

Không thể phủ nhận những đàn chim khoác áo mới tạo thành điểm nhấn rực rỡ cho gam màu trầm mặc của những công trình nơi đây. Bồ câu hồng, xanh, vàng… ngỡ chỉ có trong hoạt hình hay truyện tranh thì nay đã được mang ra đời thực, thu hút sự thích thú của trẻ em. Thế nhưng, với những người trưởng thành, thì bên cạnh nét mới lạ bắt mắt, điều này còn đi kèm với mối e ngại:

Nhiều cư dân mạng bày tỏ bức xúc trước hình ảnh những chú chim được nhuộm màu lòe loẹt.

Chị Lê Uyên 1978 chia sẻ: “Thoạt đầu tôi không khỏi thắc mắc sao đàn bồ câu đen - trắng lại chen vào những con màu sắc kì lạ. Tôi còn ngỡ chúng là giống bồ câu mới được nhập từ nước ngoài về. Dẫu sao tôi vẫn thích màu gốc của nó, cánh chim hòa bình mà mang màu sắc lòe loẹt thì còn ý nghĩa gì nữa đâu”.

Còn theo anh Hoàng Thái (1980) cũng là một người nuôi bồ câu lại kịch liệt phản đối việc nhuộm màu: “Với tôi, màu tự nhiên vẫn là đẹp nhất vì nhìn trong trắng, yên bình. Ấy là chưa kể đến lông chim bị nhuộm không còn mượt mà như trước mà khô và xù hơn. Tôi từng xem báo đài về cảnh nhuộm bồ câu thế này, người ta giữ chặt chúng trong tay cho cánh xòe ra rồi dùng cọ phết màu lên, như vậy là cưỡng ép còn gì”.

Bồ câu nhiều màu sắc thu hút sự quan tâm của trẻ em nhưng không phải người lớn nào cũng thích thú.

Khi mang thắc mắc liệu việc nhuộm có ảnh hưởng gì đến sức khỏe chúng hay không, chị Thanh - người chăm nom và nhuộm màu cho đàn chim trả lời chắc nịch: “Chúng chỉ được nhuộm phần lông bên ngoài chứ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến da thịt bên trong. Suốt 4,5 tháng nay chúng không có biểu hiện gì đặc biệt về sức khỏe. Vả lại, tôi chỉ nhuộm một vài con để thêm sinh động chứ không có ý định nhuộm hết cả đàn”.

Trong suốt mấy mươi năm chăm sóc và gắn bó với đàn chim thì việc nhuộm màu của chị Thanh đơn thuần chỉ xuất phát từ suy nhĩ muốn làm đẹp cho chúng. Thế nhưng, ảnh hưởng của màu hóa học và nguy hại về sức khỏe cho đàn chim, thì có lẽ chị Thanh có thể vẫn chưa lường hết được hậu quả

Ở những chú bồ câu đã phai màu nhuộm (sau 4,5 tháng) chị Thanh vẫn đang lưỡng lự không biết có nên tiếp tục nhuộm lông cho chúng hay không.

Những chú bồ câu trắng muốt đã được thay màu lông để thu hút sự chú ý của du khách.

Đàn bồ câu 700 con giữa khu “đất vàng” thành phố

Từ năm 2005, thời điểm dịch cúm gia cầm phát triển mạnh, thì đàn bồ câu khoảng mấy mươi con bị các trang trại xua đuổi bay về khu vực Nhà thờ Đức bà, Bưu điện thành phố sinh sống. Nhìn đàn chim ốm yếu vì không tìm được thức ăn ngay khu trung tâm, chị Thanh mới mang đậu, thóc ra cho chim ăn. Lâu ngày thành quen, đàn chim hoang mấy mươi con được cho ăn, chăm sóc đã tăng lên đến khoảng 700 con ở thời điểm hiện tại.

Đều đặn 6h sáng mỗi ngày, đàn chim bồ câu theo tiếng huýt sáo cùng sà xuống khuôn viên Bưu điện thành phố để chờ ăn thóc. Khi mặt trời bắt đầu đứng bóng hay khi trời sắp về chiều, tiếng lon đậu lắc của chị Thanh như một tín hiệu quen thuộc thu hút đàn chim bay về ăn, uống nước và tắm mát.

Kể về kinh nghiệm chăm sóc, chị Thanh cho hay: Những lần có dịch cúm, hễ phát hiện trong đàn có con nào mắt lờ đờ, di chuyển ì ạch, chị liền mua thuốc về trộn vào thức ăn hay nước uống để tránh lây lan cho cả đàn. Chúng là chim hoang nên thỉnh thoảng vẫn bị săn bắn về làm thức ăn hay bị xua đuổi, bị nhiều người đi xe vô ý cán chết.

Chia sẻ

Bài viết

Hồng Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất