Sắc màu Cuộc Sống

Ám ảnh ánh mắt những đứa trẻ bị nhốt sau cánh cửa sắt giữa Hà Nội: ‘Cháu muốn được đi học…’

Định Nguyễn
Chia sẻ

Sau cánh cửa sắt, bé Vy năm nay 10 tuổi cùng bé gái 7 tuổi bị bệnh down thò đầu ra. Cả 3 đứa trẻ bị nhốt ở nhà để cho người bà đi làm rửa bát, dọn nhà thuê… Bao năm qua Vy vẫn khao khát được đến trường học cùng các bạn nhưng chưa thành hiện thực.

Cuộc sống của ba đứa trẻ bị nhốt trong gian nhà rộng chưa đầy 10m2, không có giấy khai sinh

Nằm sâu trong ngõ 67 Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là ngôi nhà rộng chưa đầy 10m2 của bà Nguyễn Thị Ly (68 tuổi). Hằng ngày bà Ly đi rửa bát, dọn nhà thuê để kiếm tiền trang trải lo cuộc sống cho 3 đứa trẻ nhỏ (gồm 1 cháu ngoại và 2 chắt ngoại).

Cuộc sống của 3 đứa trẻ hằng ngày ở trong bóng tối của căn nhà phía sau cánh cửa sắt bị khoá. Chúng chỉ quanh quẩn ở trong nhà chơi với nhau, tự ăn uống rồi lăn ra ngủ cho tới khi bà Ly đi làm trở về. Cuộc sống khốn khó cực chẳng đã người bà, người cụ như bà Ly mới phải dứt ruột khoá các cháu ở trong nhà.

Mỗi khi đi làm bà Ly lại khoá nhốt 3 đứa cháu, chắt ở nhà.

Cô bé bị bệnh down thò đầu nhìn ra ngoài.

Mở tấm chắn cửa thò đôi mắt ra, cô bé Phạm Khánh Vy (10 tuổi) nặng trĩu nỗi buồn. Bé gái thỏ thẻ nói vọng ra ngoài. Thấy vậy, một bé gái khác thò mặt ra ở tấm chắn cửa bên cạnh. Cô bé bị bệnh down thấy có người lạ đôi mắt tròn xoe rồi cười khí khách.

Dù đã 10 tuổi nhưng bé Vy bao năm qua không được đến trường. Khi hỏi về mong muốn được đến lớp không ánh mắt trong veo ấy như rực sáng, miệng đáp: “Cháu có, cháu muốn đi học lắm…”

Lời kể bé gái 10 tuổi không được đi học.

Theo lời kể ngắt quãng của cô bé, hàng ngày bà Ly đi làm từ sáng đến tối mới về. Ở nhà Ly có trách nhiệm trông và cho 2 đứa nhỏ hơn ăn, ngủ. Cứ vậy cuộc sống của ba đứa trẻ được lập trình đều đặn từ ngày này qua ngày khác.

Về tới đầu ngõ, bà Ly cất tiếng chào khách từ phía xa. Nghe tiếng bà, 3 đứa trẻ hét lên vì vui sướng: “Bà đã về”. Cánh cửa sắt vừa mở ra, đứa lớn, đứa bé ôm chầm lấy bà rồi chạy ra đầu ngõ ngó nghiêng. Cô bé bị bệnh down vui sướng chạy lon ton ra trước cửa nhà đối diện tạo dáng cười tíu tít. Mặc dù không biết nói nhưng cô bé cảm nhận được niềm vui khi bà trở về nhà.

Thấy bà Ly đi làm về mở cửa bé gái mừng rỡ.

Vừa mở cửa các cháu xúm lại gần bà Ly.

Bé gái bị down vội chạy ra ngoài tạo dáng. Cô bé có lẽ bị cuồng chân vì bị nhốt trong nhà quá lâu.

“Cả buổi nhốt trong nhà cuồng chân nên lúc nào các cháu cũng muốn ra ngoài. Hôm nay có người gọi nên tôi mới được về sớm buổi trưa chứ thường ngày tôi cắm cơm sẵn, nấu thức ăn rồi ba chị em nó tự túc ăn uống rồi đi ngủ cho tới chiều tối tôi trở về nhà”, bà Ly nói.

Gần ở tuổi thất thập nhưng khuôn mặt bà Ly vẫn hiện rõ đầy nỗi trăn trở. Ở tuổi này đáng ra bà vui vầy bên con cháu thế nhưng cuộc sống khổ sở cứ bám lấy người đàn bà bất hạnh này từng ngày. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài giữa trời oi bức hơn 40 độ C, bà Ly kéo từng đứa vào rửa mặt, lau người để hạ nhiệt cơ thể do nắng nóng.

Bà Ly liên tục gạt nước mắt khi kể về hoàn cảnh của mình. 10 tuổi nhưng bé Vy chưa được đến trường.

Hằng ngày khi bà đi vắng, Vy sẽ chăm sóc cho hai bé nhỏ hơn.

Bắt đầu câu chuyện, bà Ly chỉ vào từng đứa trẻ: “Đứa lớn nhất tên Phạm Khánh Vy năm nay 10 tuổi. Đứa lớn thứ 2 năm nay 7 tuổi, tôi thường gọi là Vân. Cháu nó bị down không biết nói. Còn đứa nhỏ nhất tên Sam Bô, được 2 tuổi rưỡi. Hai đứa nhỏ chưa được khai sinh và đặt tên chính thức. Còn cả 3 đứa đến nay chưa một ngày được đến trường”.

Bà Ly kể, trước đây bà có nhà ở quận Thanh Xuân, nhưng chồng bà bị ung thư nên năm 2014 phải bán đi lấy tiền chữa bệnh. Chỗ ở hiện tại của bà trước là căn bếp rộng chưa đầy 10 m2. Do không có nhiều tiền, bà phải mua lại, làm thêm gác xép để lấy chỗ 4 bà cháu chui ra, chui vào. Đến nay dù đã ở đây được 6 năm, nhưng hộ khẩu vẫn ở quận Thanh Xuân.

Cứ đẻ con ra các con cháu lại để lại cho bà Ly nuôi dưỡng. Bà cũng không thể nào liên lạc được với họ.

Khi hỏi về bố mẹ của 3 cháu nhỏ, bà Ly cố gạt đi những giọt nước mắt và nói: “Đó là câu chuyện buồn, xấu hổ lắm. Tôi chẳng muốn kể làm gì”. Bà có 4 người con nhưng người con trai cả bị bệnh hiểm nghèo mất năm 31 tuổi, còn 3 người con thì nay đây mai đó, cuộc sống không ổn định. Bà cũng không biết con cháu mình đang làm gì ở đâu?

Trong 3 đứa trẻ, bé gái tên Vân là cháu ngoại của bà Ly. Còn cháu Khánh Vy và Sam Bô là chắt ngoại của bà. Dù nhiều năm nuôi nấng, chăm sóc nhưng bà Ly cũng không biết bố lũ trẻ là ai, vì không có hôn thú gì. Cứ sinh con ra là con cháu lại bỏ lại cho bà nuôi nấng rồi thi thoảng gọi điện về hỏi thăm, bà Ly cũng không thể liên lạc lại được với số điện thoại đó nữa. Đến giờ sống chết ra sao bà cũng không hề hay biết.

“Hai đứa lớn mẹ chúng bỏ lại đây từ khi vài tháng tuổi. Còn đứa nhỏ nhất tên Ram Bô. Tết vừa rồi mẹ nó gọi điện bảo đem về gửi. Tôi trốn đi và nói về quê rồi. Vậy mà, nó còn bắt xe grab mang sang gửi ở nhà hàng xóm. Đến chiều tối khi tôi đi làm về thi người hàng xóm bế thằng bé sang. Tôi giận lắm, nhưng chẳng lẽ đều là cháu chắt mà mình lại không nuôi, sao nỡ bỏ nó được”, bà Ly buồn rầu nói.

Bữa cơm đạm bạc của 3 đứa trẻ tội nghiệp

Bà Ly chỉ có duy nhất giấy khai sinh của bé Vy, còn lại bé Vân bị bệnh down chỉ còn sót lại mảnh giấy chứng sinh photo không còn bản chính nên không thể làm giấy khai sinh. Bé Sam Bô thì bà cũng không biết cháu sinh ra ngày tháng năm nào, bà chỉ đoán được 2,5 tuổi. Chính vướng mắc về mặt thủ tục giấy tờ nên 3 đứa nhỏ đang ở với bà không làm được khai sinh, chưa được đến trường.

Bé Sam Bô mới được mẹ nhờ xe ôm chở tới cho bà Ly.

Bé Sam Pô bên người dì bị down của mình.

“Tôi cũng đã hỏi để làm thủ tục nhưng cần rất nhiều giấy tờ, giờ tôi già rồi không đủ sức chạy để lo nữa. Chỉ thương các cháu sống mà không được đặt tên, muốn đi học mà không được đến trường”, bà Ly tâm sự.

Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng mong ước lớn nhất của bà Ly không phải là tiền bạc. Bà chỉ lo đến lúc chết đi các cháu vẫn chưa được khai sinh, không được ai công nhận.

“Tôi chỉ mong các cháu được đi học. Cháu Vân bị bệnh down nếu làm được giấy khai sinh thì trung tâm bảo trợ sẽ nhận. Thế nhưng còn bố mẹ cháu nữa. Tôi muốn gửi con bé vào Trung tâm bảo trợ xã hội để cháu có cuộc sống tốt hơn. Bé Sam Bô tôi sẽ dành chút sức lực cuối cùng, tìm bằng được mẹ cháu về để chăm sóc. Ở với mẹ nó sẽ có cuộc sống tốt hơn. Còn con bé Vy mấy mấy tôi cũng tìm cách mong cháu được đến trường. Con bé nó muốn đi học lắm đáng ra giờ nó lên lớp 4 rồi vậy mà vẫn ở nhà”, bà Ly nói.

“Tôi chỉ mong các cháu được đi học. Cháu Vân bị bệnh down nếu làm được giấy khai sinh thì trung tâm bảo trợ sẽ nhận…”, bà Ly nghẹn ngào.

Bữa cơm đạm bạc của cả 4 bà cháu với món bí đỏ.

Ba đứa trẻ ăn ngon lành.

Quá trưa, bà Ly tất bật lo bữa cơm cho các cháu. Nồi cơm bà cắm sẵn từ sáng, nồi canh bí đỏ bà cũng nấu từ sáng sớm. Lục trong tủ ra bà lấy hai quả trứng rán cho 3 đứa cháu ăn qua bữa nhưng đúng lúc bếp hết gas nhưng chưa có tiền mua bình mới nên bà Ly đành cất vào trong tủ lạnh. Món duy nhất là bí đỏ cả ba đứa trẻ xúc lấy ăn ngon lành.

Trước khi ra về, bé Vy thì thầm: “Cháu muốn được đi học lắm. Nghe các bác nói nếu đi học cháu phải học với các em 6 tuổi, cháu đồng ý ngay. Cháu được ông cụ Sơn (hàng xóm) tặng 1 chiếc áo dài và váy trắng hồi Tết, cháu vẫn để dành để khi nào được đi học thì mặc”.

Với bà Ly, cuộc sống đời mình không còn là bao thế nhưng nỗi niềm trăn trở cho người cháu đi học cũng như đứa cháu được vào Trung tâm bảo trợ xã hội chưa một ngày nguôi ngoai. Bà vẫn biết rằng ăn có thể thiếu thốn một chút nhưng việc cháu mà không có con chữ trong đầu là điều khổ nhất sau này…

Sẽ sớm cho bé 10 tuổi đến trường

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lụa, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, đối với trường hợp 4 bà cháu (1 cháu, 2 chắt) của nhà bà Ly rất phức tạp. Bố mẹ các cháu đều không sinh sống trên địa bàn, cũng không biết họ ở đâu. Bà Ly có chồng đã mất, bán nhà ở quận Thanh Xuân rồi sinh sống ở phường Trung Văn, chỉ ở vài m2 mua tiếp tay.

“Khi chúng tôi đặt vấn đề thì bà Ly chỉ bảo ở tạm thôi. Tổ dân phố cũng nói ở tạm như thế cũng nên làm tạm trú tạm vắng thế nhưng bà Ly chưa làm dù sống tại phường nhiều năm”, bà Lụa cho hay.

Bà Ly không có giấy tờ liên quan đến các cháu nên UBND phường Trung Văn gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết.

Về trường hợp của cháu Vy (10 tuổi) mong muốn được đi học, bà Lụa cho biết, phía UBND phường cũng đã trực tiếp trao đổi với Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Văn tìm cách cho cháu được đi học vào năm học mới tới đây.

“Hồ sơ của cháu chỉ có mỗi giấy khai sinh, chúng tôi đang rất muốn tìm lại nơi có hộ khẩu thường trú của bố mẹ cháu bé mà phường không thể nào liên hệ được để làm tạm trú cho cháu. Với hoàn cảnh éo le của cháu Vy thì cô hiệu trưởng sẵn sàng tiếp nhận vào đợt tuyển sinh tới đây. Nếu giải quyết được giấy tờ vướng mắc thì nhà trường sẽ hỗ trợ cho cháu đi học, các cô cũng sẽ quyên góp giúp đỡ cháu”, bà Lụa nhấn mạnh.

Về trường hợp hai cháu nhỏ còn lại, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn cũng nêu rõ cả hai không có giấy chứng sinh, phường không có cách nào giải quyết hai trường hợp này. Cháu bé bị down bà Ly có mong muốn cho cháu đi Trung tâm bảo trợ xã hội tuy nhiên bố mẹ cháu bé vẫn còn, chính quyền không biết họ đâu. Bố mẹ hoàn toàn minh mẫn không bệnh tật gì nên bà Ly không thể giám hộ được cho cháu.

“Nếu chúng tôi đưa cháu đi trung tâm bảo trợ bố mẹ cháu về không đồng ý thì phường sẽ rất khó xử. UBND phường cũng họp nội dung này xuống yêu cầu bà Ly cung cấp giấy tờ nhưng bà Ly cũng không có giấy tờ gì liên quan, điện thoại cũng không có số để liên lạc với bố mẹ cháu bé.

Phường nhìn hoàn cảnh của 4 bà cháu như thế cũng rất thương tâm, cơ sở pháp lý chính quyền giải quyết phải có căn cứ, giấy tờ đằng này cả 4 bà cháu có mỗi duy nhất giấy khai sinh của bé Vy và sổ hộ khẩu của bà Ly ở quận Thanh Xuân, còn lại không có giấy tờ gì liên quan đến hai cháu nhỏ còn lại”, bà Lụa nói.

UBND phường Trung Văn cũng ghi nhận nguyện vọng của bà Ly. Tuy nhiên, phường cũng mong muốn bố mẹ cháu bé gặp mặt giải quyết. Nếu cháu bé bị down muốn đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội UBND phường sẽ làm thủ tục hỗ trợ.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất