Sắc màu Cuộc Sống

5 giải pháp chống dịch COVID-19 tại TP. HCM trong 2 tuần tiếp tục giãn cách xã hội

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Chủ tịch TP.HCM nhận định, 2 tuần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sẽ là thời gian để thành phố tập trung, quyết tâm khống chế được dịch bệnh.

Ngày 15/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP. Buổi họp nhằm tìm ra phương án, biện pháp quyết liệt để đẩy lùi được dịch CoIVD-19 sau 2 tuần áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 sắp tới.

"Chúng ta cần trả lời được câu hỏi 2 tuần tới, thành phố dập dịch ra sao, giải pháp của chúng ta như thế nào. Nỗi lo lắng lớn nhất của chúng ta hiện tại là số ca mắc COVID-19 chưa rõ nguồn gốc, phát hiện qua khám sàng lọc, tầm soát ngày càng tăng cao", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp ngày 15/6. Ảnh: Dân Trí

Ông Nguyễn Thành Phong nhận định, "công thức chung" của các chùm ca bệnh là phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện. Sau đó, ngành y tế phát hiện thêm ca nhiễm qua tầm soát, truy vết nơi ở và chung cư, khu nhà ở tập trung hoặc nơi làm việc. Tất cả đều không xác định nguồn lây.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu lực lượng chức năng, cơ quan y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả chuỗi không rõ nguồn lây đã ghi nhận được. Đặc biệt, việc lấy mẫu cần được triển khai nhanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhận định, 2 tuần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sẽ là thời gian để thành phố tập trung, quyết tâm khống chế được dịch bệnh. Ông đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính.

Giải pháp đầu tiên: lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng đối với những ca mắc COVID-19 không rõ nguồn lây.

Giải pháp thứ 2: thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn. Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị lực lượng chức năng và y tế tập trung hoàn tất lấy mẫu 280.000 công nhân trên địa bàn trước ngày 21/6.

Giải pháp thứ 3: giám sát, tầm soát những địa điểm, khu vực, trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2. Những nơi có nguy cơ cao gồm sân bay, nhà ga xe lửa, cảng hàng hải. Ông Phong yêu cầu các đơn vị giám sát y tế chặt chẽ hành khách, tổ bay đến trong ngày.

Bên cạnh đó, những ca bệnh sau xuất viện và các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung cũng cần được theo dõi, bởi thực tế nhiều ca hoàn thành cách ly nhưng vẫn nhiễm bệnh. Nhân viên sân bay, chuyên gia nhập cảnh cần tầm soát định kỳ.

Lực lượng y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Lao Động

Giải pháp thứ 4: thực hiện tầm soát, sàng lọc chặt chẽ người có triệu chứng đến khám tại các bệnh viện. Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh khi xảy ra lây nhiễm tại bệnh viện, dù dịch bệnh xuất hiện ở bộ phận nào cũng bộc lộ sự hạn chế về mặt quản lý.

Giải pháp thứ 5: về tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã hình thành tổ công tác về mua và tổ chức tiêm vaccine.

Tổ mua và tiêm vaccine TP tiếp tục thực hiện các bước để đẩy nhanh việc mua và tiêm vắc xin cho người dân TP.HCM. Xây dựng và công khai kế hoạch cụ thể về số lượng tiếp nhận, đối tượng và thời gian tiêm vaccine đối với số lượng vaccine được Trung ương hỗ trợ cho TP.HCM trong tất cả các đợt.

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất