
Liêu Hà Trinh được biết đến là một MC, nhà văn giàu cảm xúc với lối dẫn dắt sâu lắng, truyền cảm hứng. Năm 2022, cô kết hôn với ông xã - doanh nhân Anh Khoa.
Đến tháng 6/2023, nữ MC hạnh phúc đón con trai đầu lòng, bé Luka chào đời. Bước vào hành trình mới với vai trò làm vợ, làm mẹ, Liêu Hà Trinh vẫn duy trì niềm đam mê nghệ thuật và cân bằng giữa công việc với cuộc sống gia đình.
Nhân dịp 8/3, SAOstar đã có buổi trò chuyện cùng Liêu Hà Trinh để lắng nghe những chia sẻ về hành trình làm nghề, chăm sóc tổ ấm và những thông điệp ý nghĩa dành cho phụ nữ hiện đại.
Chào Liêu Hà Trinh. Việc bạn đi phỏng vấn nhiều người nổi tiếng thì nó diễn ra với tần suất hàng ngày, hàng tuần rồi. Nhưng việc bạn là khách mời của một chương trình nào đó thì khá hiếm hoi. Cảm xúc của bạn hôm nay như thế nào?
Tôi cảm thấy nó giống như một phần của công việc mỗi ngày. Việc mình trở thành người phỏng vấn hay đi phỏng vấn chung quy nó cũng chỉ là quá trình trao đổi thông tin lẫn nhau. Thông qua đó, mình có thể phát triển bản thân. Tôi nghĩ việc này khá quen thuộc mỗi ngày nên tôi thấy khá thoải mái. Nó giống như dòng chảy mỗi ngày vậy đó.
Tôi thấy được sự thấu cảm ở bạn rất cao. Tôi nghĩ điều này không thể có được trong một sớm một chiều.Tôi tin tuổi thơ của mỗi người có vai trò rất quan trọng để tạo nên con người hiện tại. Vậy, bạn nghĩ sao về câu chuyện này?
Tôi nghĩ nó đúng nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện lớn. Đó là một hành trình để tôi tự trưởng thành và chiêm nghiệm. Đối với tôi, việc chia sẻ là điều cần thiết để có thể tham khảo nhiều nguồn khác nhau. Mình tiếp thu thêm kiến thức, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hành trình trải nghiệm cá nhân với đủ hỷ - nộ - ái - ố.
Sự thấu hiểu của bạn có đóng góp cho tình yêu hay cuộc sống gia đình của bạn không?
Tôi nghĩ nó cũng có ảnh hưởng phần nào. Như hôm qua, tôi và chồng tôi có một cuộc phản chiếu khá nghiêm túc. Tôi không gọi đó là cuộc cãi nhau, vì tôi nhìn nhận quá trình trưởng thành của mỗi người mình có đến cả nghìn nhân cách mỗi ngày và mình phải học cách yêu để bớt ghét nhân cách đó của nhau qua việc đối thoại, trao đổi. Việc mà tôi đang cố gắng mỗi ngày không chỉ là thấu cảm người khác mà còn là sống thật với cảm xúc của mình và giải mã nó.

- Khi con chào đời, cuộc sống của bạn đã thay đổi như thế nào?
Trước đây tôi vốn là một người xuề xòa, khi có con tôi cũng chưa thể thay đổi tính cách đó nhưng tôi hiểu sự xuề xoà đó sẽ gây ra những tổn hại nhất định cho quy trình chăm con.
Vì vậy, tôi đã chủ động chỉnh sửa bản thân để phù hợp hơn, ví dụ tôi thường không dọn giường sau mỗi sáng thức dậy vì có suy nghĩ buổi trưa rồi cũng sẽ về giường ngủ. Nhưng mẹ chồng tôi và chồng đã nhắc tôi nên gọn gàng thì tôi sẽ tập được kỷ luật cho bản thân. Lúc đầu, tôi không bị tác động bởi lời khuyên đó, vì tôi nghĩ nếu tôi không dọn thì chồng tôi sẽ dọn thôi.
Nhưng tôi nhận ra trẻ em dưới 1 tuổi rưỡi sẽ nhìn theo hành động của người lớn bắt chước, nếu tôi diễn giải là “Con ơi, con hãy là một đứa trẻ ngoan, con hãy ngăn nắp, dọn đồ chơi của con” nhưng nếu chính mẹ còn không dọn giường sao có thể được? Vì vậy mỗi sáng khi thức dậy tôi sẽ có quy tắc đầu tiên là dọn giường thật ngăn nắp, tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Tôi nhận ra mỗi người sau khi có con sẽ tự quán chiếu thói quen và hành vi của họ, mà trước đó họ vẫn cố hữu chấp niệm rằng thói quen đó không ảnh hưởng tới ai, và vẫn giữ vững điều đó.
Nhưng khi tôi nhận ra rằng những thói quen này có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau, vì vậy khi trở thành một người mẹ, tôi thay đổi mọi thứ, điều chỉnh mọi chuyện để diễn ra một cách tự nhiên. Bởi mình sẽ đặt một tình yêu lớn hơn để nuôi nấng một con người về sau sẽ sống lâu hơn. Bởi mình không thể sống cùng bạn ấy và bạn ấy sẽ tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của mình.
Nếu nói Liêu Hà Trinh có thay đổi không thì tôi cũng không thể nào ngồi liệt kê, suy nghĩ chính xác về mọi thứ. Nhưng thật sự mọi suy nghĩ, tế bào, chỉ số của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi dần nhận ra những gì mọi người nói đều hoàn toàn chính xác, có thể tôi sẽ hối hận, muốn quay trở lại nhiều chuyện, nhưng tôi không bao giờ hối hận vì đã sinh ra một đứa trẻ.
Tôi từng có suy nghĩ là “Mẹ thật sự cảm ơn con, cho dù sau này con có thành công hay thất bại thì việc con cho mẹ có cảm giác làm mẹ đầy hạnh phúc trong những năm qua thì đã quá dư”.
Sự xuất hiện của con đã dạy cho tôi bài học làm người hoàn thiện hơn cả nhân, từ gian khó đến thành công, hay danh tiếng hoặc học thuật. Đó là hành trình đáng giá nhất tôi đã được trải nghiệm trong kiếp sống này.
- Với một người mẹ bận rộn như Liêu Hà Trinh, có khi bạn rơi vào tâm thế mắc kẹt không? Ví dụ như mình muốn hiện diện trong mọi khoảnh khắc của con nhưng bạn chưa làm được?
Tôi nghĩ người mẹ nào cũng gặp một bài toán khó là họ đối xử với đứa trẻ của mình rất tốt, nhưng đứa trẻ bên trong tâm hồn thì phải làm sao?. May mắn tôi có rất nhiều đứa trẻ chữa lành trong từng giai đoạn trưởng thành. Vì vậy khi có con, hoặc có hôn nhân hay công việc tôi đều tập trung toàn lực hết sức có thể. Tệ hơn nữa, chúng ta là những người trưởng thành nên không thể kêu ca cho những thứ xảy ra cùng một lúc.

- Nhìn bên ngoài có thể thấy Liêu Hà Trinh là người dịu dàng, đằm thắm nhưng bên trong có cá tính mạnh mẽ. Mối quan hệ của 2 vợ chồng bạn trong hôn nhân như thế nào?
Tôi thấy mình cứng đầu, khác với những gì mọi người thấy. Tôi sẽ nói rất nhiều trong công việc nhưng khi về nhà tôi chỉ im lặng và không muốn chia sẻ. Trong khi giao tiếp với người thân, tôi sợ sự phân tích sẽ không mang hình dáng của tình thương. Tôi tập quan sát và hành động nhiều hơn.
Từ khi kết hôn, tôi nhận ra lời nói của mình thấu cảm đến đâu cũng không giải quyết được nỗi đau của đôi phương. Nó như “liều thuốc” quá liều nên mình sẽ giữ im lặng. Ngược lại, tôi quan sát thấy chồng là người thích chia sẻ. Đôi khi, chồng cũng bắt tôi nói nhiều hơn, nhưng tôi thấy mình không có nhu cầu. Chồng tôi giỏi toán, tôi thích quay content nên cuối tuần hai vợ chồng thường sẽ sắp xếp thời gian để quay clip cùng nhau.
Anh là người kinh doanh nên sẽ không thể bắt nhịp nhanh bằng tôi. Vì vậy, anh có yêu cầu tôi chậm lại. Hai vợ chồng tôi có nhiều khác biệt. Đó là sự bướng bỉnh của tôi. Tôi cần học cách mềm mại hơn. Khi anh bày tỏ cảm xúc, tôi bày tỏ giải pháp. Tôi nhận ra điều này không thể thay đổi được.
- Những việc này diễn ra trước hay sau khi kết hôn?
Điều này diễn ra từ trước đó rồi, trong hôn nhân chồng tôi luôn là người “xuống nước”. Tôi đang cố gắng học cách đáp ứng đúng sự thấu hiểu. Trước đây khi tranh luận, tôi sẽ thấy buồn và hay nghĩ rằng sao tình yêu của mình không trọn vẹn. Hiện tại thì khác, khi cãi nhau xong tôi có cảm hứng làm thơ. Tôi nghĩ, nội tâm cần được trung thực. Mình không nên thay đổi theo tuýp người này, như thế khổ sở lớn lên. Tôi không muốn là người bỏ đi những giá trị của bản thân để chiều lòng người khác. Tôi tìm cách tìm giá trị dựa trên cốt lõi của mình là người thích đi tìm giải pháp.
Ông xã tôi đồng ý quan điểm, chuyện cãi nhau, giao tiếp không hiểu ý nhau là chuyện rất bình thường. Tôi giao tiếp với nhiều cặp vợ chồng và họ thừa nhận điều đó. Việc cả hai đang tranh luận cứ bình thường hoá nó. Khi đó, mình có thể đăng tải quá trời story nhưng đừng để người khác nghĩ rằng mình đang tấn công vào một ai đó. Cuộc hôn nhân bình thường không thể tránh khỏi những lúc cãi nhau. Mình phải là người trải nghiệm đầy đủ “hỉ - nộ - ái - ố”. Tôi không bắt buộc đối phương phải nhận ra điều gì đó quá lớn lao. Chúng tôi mới bước vào cuộc chơi hôn nhân này được 2 năm thôi.
- 2 năm trong cuộc hôn nhân không có tuần trăng mật, lại thêm nuôi con nhỏ và khối lượng công việc hiện tại mà bạn đang đảm đương, tôi nghĩ bạn cùng chồng đang làm rất tốt.
Tôi rất thích cách chị nói bởi vì tôi và chồng, mẹ chồng cùng Luka đang làm rất tốt, chứ không phải “Mình đang làm rất tốt”. Tôi nghĩ mọi người nên có suy nghĩ: “Chúng ta đang làm rất tốt”, mặc dù không phải lúc nào cũng thuận lợi.

- Đặc thù công việc của bạn phải tiếp xúc nhiều người, xuất hiện trên truyền thông nhưng tôi cảm nhận bạn là người hướng nội, cần thời gian một mình để tái tạo năng lượng, chiêm nghiệm. Tuy nhiên với lịch trình dày đặc như hiện tại, bạn sắp xếp như thế nào để có thời gian dành cho bản thân?
Câu hỏi này cũng rất là hay và tự dưng 2 chữ “ích kỷ” hiện lên trong đầu. Tôi nhận ra rằng, đôi khi quán chiếu bản thân với một số từ tiêu cực lại là điều hay. Tôi là một người ích kỷ, đặt cái tôi của mình cao và biết được những điều gì sẽ khiến cái tôi bị tổn thương. Đó là việc giành giật thời gian nên tôi đã cố gắng dành hết tâm sức, thời gian cho một năm rưỡi trở thành người mẹ toàn thời gian.
Nhưng sau đó, tôi đề xuất em bé nên đi mầm non bán thời gian. Tôi và mẹ chồng vẫn cần có thời gian riêng cho bản thân, công việc như đi làm đẹp, đi họp, đi chùa, đi chợ, đi cà phê, làm dự án mới… Em bé cũng rất hạnh phúc khi đi học, mặc dù trong 1 tuần đầu tiên có hơi vất vả nhưng tôi nghĩ đây không phải là vấn đề nghiêm trọng vì ai cũng cần thời gian để làm quen với môi trường mới.
Tôi dành thời gian cho bản thân bằng cách ích kỷ hơn. Yêu bản thân và cố gắng “đấu tranh” để dành thời gian cho mình. Mặc dù đối tượng để mình “đấu tranh” là… đứa nhỏ.
Sự ích kỷ của tôi quyết liệt là vì tôi tin, không chỉ mình mà cả mẹ chồng cũng cần điều đó. Bà đã gần 60 tuổi, không thể lúc nào cũng phải chạy theo để ôm cháu, giữ cháu
Hơn nữa, nếu mình nói yêu bản thân thì cũng phải hành động ngay, không thể cứ chờ đợi theo kiểu “Thôi đợi con lớn hơn một chút…” Không, tôi đã cho mình một “deadline” một năm rưỡi, và bây giờ là lúc phải thực hiện."
- Bạn có tư duy như thế nào trong việc nuôi dạy con? Bạn mong muốn Luka trở thành người như thế nào khi trưởng thành và từng bước mà bạn xây dựng nên điều này ra sao?
Tôi không dám nói trước vì sợ “bước không ra”. Nhưng nếu trích lại một vài đặc tính tốt mà bé nên được thừa hưởng, tôi muốn bé có một phần giống với bà nội, đó là một người kiên cường, gần như không có thử thách nào đánh bại được. Mình sẽ đấu tranh cho sức khỏe của mình, cho hạnh phúc của mình tới phút cuối cùng. Có thể thức khuya dậy sớm, vất vả nhưng không bỏ cuộc mà luôn tìm ra hướng đi vì mình gánh trên vai rất nhiều người.
Tôi nghĩ có thể không để lại tài sản cho con, nhưng nếu con có được tư duy đó, con sẽ nhanh chóng tạo ra của cải bằng trí óc và sự thông minh của mình. Tôi ước gì con tôi sẽ học được tư duy đó từ ba.
Còn nếu mong muốn con học được một điều gì đó từ mẹ, tôi mong là bé nhận được mọi thứ diễn ra trên đời là một dòng chảy mà không ai còn sức để đi đường dài khi bơi ngược dòng, hãy thuận theo mọi thứ dù đó là một tập thể khiến con khó chịu, một môi trường mới mà con chưa thích nghi, hoặc lúc con vụt sáng thì đó cũng là một khoảnh khắc, một phần của cuộc sống vì sẽ có lúc êm, lúc dữ.
Tôi mong con có được sự kiên cường, tư duy gãy gọn, logic và mong con thuận theo dòng chảy để thoải mái đi qua cuộc đời mà không oán trách.

- Nếu nhìn lại, bạn mong muốn mình sẽ làm tốt hơn ở khoản nào trong vai trò người vợ, người mẹ?
Tôi nghĩ đó là nữ công gia chánh. Nếu không còn người hỗ trợ cơm nước, sắp xếp nhà cửa tinh tươm thì mình cũng không thể viện cớ bản thân là “Nhân Mã bầy hầy”. Tôi muốn trở thành một người mẹ khéo léo hơn, ví dụ có thể vá ngay cho con chiếc quần bị rách, cắm hoa tươm tất trên bàn thờ, bày biện nhà cửa gọn gàng…
Tôi ước mình có thể học thật nhanh nhiều kỹ năng trong cuộc sống, nhất là khoản nội trợ. Tôi muốn khi con nhớ về mẹ, không chỉ là một hình ảnh đẹp mà còn là một người mẹ khéo léo, biết cách khiến ngôi nhà trở thành một tổ ấm thực sự. Từ đó, con có thể học theo, làm theo những điều mà tôi đang cố gắng làm, như cách mà tôi mong muốn học được từ mẹ chồng.
Cảm ơn MC Liêu Hà Trinh vì những chia sẻ chân thành trên. Chúc chị ngày càng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp và luôn hạnh phúc bên cạnh gia đình!