Giải Trí

HLV Đức Trí: Không muốn dùng 'xảo thuật' để khiến người ta thích nghe một sáng tác

Thu Phương
Chia sẻ

Cùng lắng nghe những chia sẻ của nhạc sĩ Đức Trí để hiểu lí do đưa ra quyết định giữ Bá Hưng, Kiều Diễm vào vòng chung kết và loại đi 2 thí sinh tiềm năng Hồng Phước, Kim Ngân tại tập 6 Sing My Song của vị HLV này.

- Sau vòng Ghi âm, nhạc sĩ Đức Trí đã có cơ hội tiếp xúc và hướng dẫn cho các thí sinh trong đội của mình. Với thời gian chỉ gói gọn trong một vài buổi học, nhạc sĩ đã lựa chọn những điều gì mà anh cho là quan trọng nhất để truyền tải đến các bạn?

- Thật ra, mỗi thành viên trong đội tôi đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Có người đã viết được một thời gian, có người mới tập tành sáng tác. Kinh nghiệm mỗi người mỗi khác nên tôi không thể dùng một công thức chung cho tất cả. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng chỉ ra cho các thành viên trong đội những lỗi sáng tác mà người viết nhạc thường mắc phải để các bạn có thể tránh khi bước vào vòng tiếp theo. Tôi cũng giúp họ học cách liên tưởng sự việc khi viết, cách thoát ra khỏi những lối mòn cũ kỹ.

Nhạc sĩ Đức Trí trong một buổi hướng dẫn về kĩ năng sáng tác cho các thành viên trong đội của mình.

- Đa phần các thí sinh tham gia Sing My Song đều là “người mới” trong sáng tác. Anh thấy các bạn ấy còn đang thiếu những điều gì để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp?

- Ở đội của tôi, những thí sinh như MTV, Phạm Hồng Phước là những người đã định hình được phong cách âm nhạc. Điều tôi mong muốn ở họ là ý thức tự bứt phá để vượt ra cái bóng của chính mình. Dĩ nhiên, tôi không bắt các thành viên trong đội phải thay đổi hoàn toàn phong cách sẵn có nhưng trong phạm vi cuộc thi tôi luôn kì vọng và khuyến khích họ thử những thói quen viết mới, khác với những gì đã từng làm.

Với những “người mới” như Kim Ngân, Cao Bá Hưng, tôi muốn giúp các bạn nhiều hơn về kinh nghiệm, tư duy sáng tác. Vì tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nên điều duy nhất Kim Ngân, Cao Bá Hưng còn thiếu chính là kinh nghiệm. Tôi cho rằng đó là một điều hết sức bình thường trong hành trình trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp của các bạn

Buổi học với HLV Đức Trí là những trải nghiệm quý báu cho các thí sinh trên con đường trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.

- Theo anh, phong cách sáng tác của những người trẻ ngày nay có khác biệt gì so với phong cách sáng tác của thế hệ các anh?

- “Điểm son” của thế hệ trẻ bây giờ là ngay cả khi học hỏi họ vẫn luôn ý thức rằng mình sẽ phải làm khác đi để không trở thành một bản sao của ai đó. Các bạn có cái riêng và không để cái bóng của thế hệ đi trước che khuất đi chính mình. Các bạn đã làm việc đó tốt hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Khi tôi mới bắt đầu viết nhạc, tôi luôn nhìn các đàn anh đi trước. Vì âm nhạc của họ quá vĩ đại nên tôi luôn rụt rè khi sáng tác vì thấy mình viết dở hơn họ. Tôi đã mất một thời gian rất lâu để nhận ra âm nhạc của mỗi thời đại sẽ có cái hay riêng. Giới trẻ ngày nay nhận ra điều đó sớm hơn chúng tôi. Tôi nghĩ đó chính là điểm khác biệt lớn nhất.

Những thành viên trong đội Đức Trí đã phần đều là những gương mặt trẻ trong giới sáng tác nhạc.

- Anh từng nhận xét các sáng tác của Cao Bá Hưng rất giàu về khúc thức, anh có thể giải thích thêm về ý này không?

- Theo tôi, Bá Hưng có một khả năng thiên phú trong sáng tác. Bạn ấy viết nhạc rất tự nhiên, không bị gò bó vào một niêm luật nào cả. Trong việc khai triển giai điệu, Hưng cũng không theo lối mòn cho mô tip giai điệu phải mô phỏng hay mô tiến cái tứ đằng trước. Cách viết nhạc của Hưng phóng túng, thoải mái. Không chỉ ở khúc thức là cấu trúc, cách tiến hành một bài hát mà cả tứ nhạc của Hưng cũng rất tự do.

Khả năng đó chưa chắc có được nhờ việc học hành vì theo như tôi biết Hưng chưa bao giờ học sáng tác một cách bài bản. Có thể là do âm nhạc đã có sẵn trong con người Hưng từ trước. Cũng có thể do bạn ấy đã được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ hoặc trong gia đình có nhiều người chơi nhạc nên tiến trình âm nhạc của Hưng diễn ra rất tự nhiên. Vì có sẵn năng khiếu bẩm sinh nên Hưng sáng tác mà không cần nghĩ ngợi đến kĩ thuật. Hay nói cách khác, những kĩ thuật ấy vốn đã ở sẵn trong con người Hưng nhưng bạn ấy đã quên đi để có thể viết nhạc một cách tự do và ngẫu hứng nhất.

Phần trình diễn của Cao Bá Hưng ở vòng thi Sáng tác của Sing My Song giành được số điểm tuyệt đối từ Hội đồng chuyên môn và đánh giá cao của bốn vị HLV

- Một số khán giả nhận xét, tốt nhất Bá Hưng không nên lựa chọn tác phẩm văn chương hay cổ thơ hóa ca từ vì “cái áo đấy” rất rộng với Hưng. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

- Thực ra tôi có nghe một số sáng tác khác của Bá Hưng ở ngoài cuộc thi Sing My Song. Các ca khúc này của Hưng không chỉ bám vào chất liệu dân gian hay văn học cổ mà bạn ấy còn viết về rất nhiều đề tài trẻ trung khác. Bàn tới những hạn chế về mặt ca từ, tôi cho rằng chúng ta nên khuyến khích Hưng học hỏi hơn là soi xét.

Cao Bá Hưng mới chỉ 16 tuổi. Chắc chắn độ tuổi này không phải là thời điểm chín nhất của một tài năng vì nó vẫn đang và sẽ tiếp tục phát triển nữa. Cũng giống như một cây non, nếu biết vun trồng và chờ đợi thì sẽ có ngày nó cho ra quả ngọt. Nhưng nếu chúng ta vội vàng buộc nó lớn lên theo cách mà chúng ta muốn thì có khi thứ thu về chỉ là thứ quả chín ép, sượng sùng. Bá Hưng cũng vậy, điều tôi kì vọng nhất ở bạn ấy là sự bình tĩnh và quá trình trau dồi không ngừng nghỉ trong khoảng thời gian này.

Trước khi vào vòng chung kết, tôi cũng căn dặn Hưng: “Con hãy bỏ qua tất cả những gì người ta đã khen con để tập trung viết nên một bài hát mà con thích nhất. Con không cần phải thắng cuộc thi này bởi vì đối với chú, con đã thắng rồi”. 

- Vì sao anh tiết chế nhạc cụ dân tộc trong phần trình diễn của Bá Hưng nhưng lại đầu tư dàn đàn dây và sáo cho phần trình diễn của Kim Ngân ? Anh có dụng ý gì khi dàn dựng hai tiết mục này?

- Tôi vẫn nói với các bạn rằng khi nội dung đã mạnh thì không nên quá tập trung vào hình thức và ngược lại. Khác với ca khúc của Bá Hưng, bài hát của Kim Ngân vốn có nội dung mỏng, nhẹ, giai điệu đơn giản nên việc đầu tư cho hình thức bên ngoài để phần trình diễn được đẹp hơn, đủ đầy hơn là điều cần thiết.

Tuy nhiên mỗi thí sinh có một chủ kiến của riêng mình và tôi cũng không ép những người cùng làm việc với tôi phải nghe theo mình. Trong trường hợp của Phạm Hồng Phước, tôi nghĩ bạn ấy đã chú trọng phần hình thức quá nhiều khi thêm vào phần trình diễn của mình những yếu tố bên ngoài như đàn bầu, câu hát Dạ cổ hoài lang và sau khi ra sân khấu thì Phước còn thêm cả câu vọng cổ ở đầu bài. Phước có quyền làm theo cách của bạn ấy và tự đưa ra nhận định cuối cùng rằng điều này nên hay không nên. Còn tôi vẫn giữ quan điểm rằng nếu bài hát có nội dung tốt thì đôi khi chỉ cần một cây piano đệm nhạc thôi khán giả cũng sẽ tự cảm nhận được tất cả cái hay, cái đẹp trong đó.

Phần trình diễn của Phạm Hồng Phước nhận được số điểm cao từ hội đông chuyên môn nhưng không thuyết phục được HLV Đức Trí

- Anh nghĩ sao khi HLV Nguyễn Hải Phong cho rằng sự thành công trong phần trình diễn Kim Ngân là nhờ bàn tay sắp xếp, dàn dựng của anh?

- Ý kiến của Nguyễn Hải Phong đúng. Nhưng nếu nói như Phong thì không chỉ Kim Ngân mà với các phần trình diễn khác của Kiều Diễm, Bá Hưng hay Phạm Hồng Phước, tôi cũng sẽ biết cách để dàn dựng làm nó đặc biệt hơn nữa. Ví dụ như bài của Kiều Diễm, tôi có rất nhiều cách để khiến cho người ta thích nó ngay nhưng đó là xảo thuật trong âm nhạc. Tôi không muốn làm như vậy.

Kim Ngân là một trường hợp tôi rất thích và cũng rất tiếc. Các sáng tác của Kim Ngân rất đẹp nhưng cái đẹp ấy sẽ phù hợp nhất với không gian thính phòng hay những sân khấu nhỏ, hơn là một sân khấu lớn, một cuộc chơi lớn như Sing My Song.

Kim Ngân không cần phải là một ngôi sao ở cuộc thi này. Bạn ấy đã tìm ra ngôn ngữ âm nhạc, tìm thấy đối tượng khán giả riêng và nhìn thấy rõ ràng con đường đi phía trước. Nếu vào chung kết, Kim Ngân rất có thể sẽ phải tiếp tục chiến đấu và viết những thứ không phải là mình. Vì vậy, khi nghe bài Vắng nắng, tôi đã có ngay trong đầu ý tưởng cho phần trình diễn hoành tráng của bạn ấy ở trên sân khấu. Và tôi coi như đó như là một phần trình diễn trong đêm chung kết dành riêng cho Kim Ngân.

Ca khúc Vắng nắng không giúp Kim Ngân có chiếc vé vào Chung kết nhưng đã giúp cô nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả

- Sáng tác của Cao Bá Hưng và Kim Ngân đều triển khai giai điệu ngũ cung. Giai điệu ngũ cung của cả hai có sự khác biệt gì không? Và nó có “yếu điểm” gì không?

- Ngũ cung không chỉ có trong âm nhạc của Việt Nam mà hầu hết các nền âm nhạc dân gian trên thế giới đều sử dụng. Phạm vi tôi muốn nói đến ở đây là Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và dĩ nhiên là cả Châu Á. Nếu viết theo bán cung (12 nốt) hoặc viết theo bảy cung (7 nốt) của nhạc Tây phương thì âm nhạc sẽ mang màu sắc của Tây phương. Còn nếu viết nhạc bằng ngũ cung thì sẽ ra màu dân gian nhưng chưa hẳn là dân gian Việt Nam. Mỗi nước trên thế giới sẽ có một điệu thức ngũ cung khác nhau. Ngay cả nhạc Blues của Mỹ cũng theo điệu thức ngũ cung mà họ gọi đó là Pentatonic (ngũ cung). Nên, nếu ai đó có hỏi vì sao bạn này viết ngũ cung, bạn kia cũng viết ngũ cung thì xin thưa rằng trên thế giới có hàng chục giai điệu ngũ cung khác nhau.

Việc chọn triển khai giai điệu ngũ cung trong bài hát của Bá Hưng hay Kim Ngân không có gì lạ bởi rất nhiều sáng tác trên thế giới đều đã làm theo cách này. Tuy nhiên hai bạn đều chọn những giai điệu ngũ cung rất Á Đông. Giai điệu của Kim Ngân có âm hưởng của vùng Tây Bắc trên một nền hòa âm hơi celtic hoặc xa hơn là Nam Trung Quốc trong khi giai điệu của Bá Hưng lại mang màu sắc của đồng bằng Bắc Bộ trên nền hòa âm điện tử.

Ngũ cung có một hạn chế là giai điệu ít nốt hơn nhưng theo tôi việc ít nốt không hẳn là nghèo đi mà thậm chí nó sẽ làm giàu cho bài hát. Giàu ở đây chính là giàu về cách gợi mở những liên tưởng trong cảm nhận người nghe cũng như độ phong phú, đa dạng của các hòa âm đặt vào giai điệu ngũ cung. Tuy nhiên cũng có trường hợp, người viết chỉ lựa chọn một ngũ cung để triển khai thì ca khúc sẽ dễ rơi vào sự nghèo nàn, đơn điệu. May mắn là cả Bá Hưng và Kim Ngân đều chú ý áp dụng đa dạng các giai điệu ngũ cung khác nhau trong sáng tác. Nhạc sĩ Minh Châu cũng có khen hai bạn thông minh trong cách “chuyển hệ” chính là vì lí do này.

- Trong vòng Ghi âm, ca khúc Tương tư của Bá Hưng đã tạo được hiệu ứng rất mạnh mẽ và gây được ấn tượng với người xem thế nhưng ở vòng tiếp theo, bài Kiều tuy vẫn cùng phong cách sáng tác đấy nhưng lại đem tới nhiều tranh cãi. Anh nghĩ vì sao lại có sự thay đổi này trong nhận thức công chúng?

- Một ca khúc có ý kiến khen chê, kẻ thích, người ghét là chuyện rất bình thường. Nếu bạn nói nhiều người thích bài Tương tư hơn bài Kiều thì tôi chắc chắn cũng sẽ có trường hợp ngược lại. Điều này cho thấy không phải lúc nào số đông cũng đúng và số ít sẽ sai.

Lấy ví dụ như việc giao thông ở Việt Nam, nếu tất cả mọi người cùng không dừng đèn đỏ nhưng bạn lại dừng thì đúng sai soi chiếu theo cách nào bây giờ? Đi theo số đông đang sai luật hay dừng lại đúng luật và gặp rắc rối? Việc khác với số đông trong trường hợp này là một điều khá dị. Nhưng nếu không có những điều dị biệt đó thì xã hội sẽ rất đáng buồn ,đáng chán vì ai cũng nói cùng một điều giống nhau…

- Anh nghĩ sao khi 2 sáng tác hội đồng chuyên môn không đánh giá cao là Vắng nắng và Cha già rồi đúng không lại được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Theo anh, trong âm nhạc, mà cụ thể là trong trường hợp này, chúng ta nên ưu tiên tính đại chúng hay tính nghệ thuật hơn?

- Giữa tính đại chúng và tính nghệ thuật, chúng ta không nên lấy một, bỏ một. Nghệ thuật cần phải có công chúng nhưng không phải vì công chúng mà chúng ta thay đổi góc nhìn nghệ thuật. Sự lựa chọn tốt nhất là cân bằng được hai điều trên nhưng dĩ nhiên không phải lúc nào cũng làm được và không phải ai cũng làm được điều đó.

Khi đặt bút viết một ca khúc, chúng ta sẽ không thể biết nó hay hay dở. Sẽ có lúc này lúc kia. Chính vì lí do đó, tôi xem vòng hai của Sing My Song như một thử thách hơn là việc phải có một tác phẩm hay để vào vòng tiếp theo. Vượt qua thử thách lần này, vòng chung kết sẽ là thời điểm để chúng ta lựa chọn ra bài hát hay nhất. Những người có mặt trong vòng chúng kết cũng sẽ phải bằng mọi cách thuyết phục được khán giả với sáng tác của mình.

 Xin cảm ơn nhạc sĩ Đức Trí về cuộc trò chuyện này.

Chia sẻ

Bài viết

Thu Phương

Tin mới nhất