Giải Trí

Format mới của Gặp nhau cuối năm 2020 khó duy trì lâu như Táo Quân?

Grassie
Chia sẻ

Người hâm mộ Gặp nhau cuối năm hoài nghi rằng format làng Vũ Đại khó có thể duy trì lâu, trái ngược với format Táo Quân đã được duy trì suốt 15 năm qua. 

Chương trình Gặp nhau cuối năm 2020 thay thế format cũ (Táo Quân) được khán giả Việt Nam trông đợi từ lâu. Thay cho những màn lên chầu của các Táo, Gặp năm cuối năm 2020 đưa các nhân vật văn học như Lão Hạc (Quốc Khánh), Thị Mầu (Vân Dung), Chí Phèo (Xuân Hinh), Xuân tóc đỏ (Xuân Bắc), Phó Đoan (Thanh Thanh Hiền), Nô (Tự Long) sống chung ở làng Vũ Đại “Homestay”.

Thông qua tiếng cười trào phúng, Gặp nhau cuối năm 2020 vẫn mang tinh thần nói lên những vấn đề làm người dân trăn trở bao gồm kinh tế, giáo dục, giao thông, xã hội và y tế. Tuy nhiên, bởi không còn những màn báo cáo của các Táo, Gặp nhau cuối năm 2020 phải tìm đến nhiều cách lồng ghép đa dạng, mới mẻ hơn.

Mặt khác, khán giả cũng hoài nghi rằng format này khó có thể duy trì lâu, trái ngược với format Táo Quân đã được duy trì suốt 15 năm qua.

Trước hết, Táo Quân ra đời và được đón nhận mạnh mẽ với tinh thần là chương trình cuối năm duy nhất tổng hợp lại những sự kiện đình đám trong năm qua thông qua tiếng cười duyên dáng. Trong mùa Táo năm ngoái, các nghệ sỹ hài kì cựu biến tấu những xu hướng đình đám của giới trẻ theo màu sắc của riêng mình: từ trào lưu “đi bão”, nhân vật truyền hình đình đám Quỳnh búp bê, My “sói”, dượng (phim Quỳnh búp bê) cho đến các câu thoại quen thuộc: “Anh chỉ cần lý do thôi”, “Em còn đang sợ ế đây này”…

Cùng với đó, Táo Quân 2019 - cũng như các mùa Táo Quân khác - vẫn khéo léo đá xoáy vấn nạn nổi cộm trong năm qua như bạo hành học đường, sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, bài toán kinh phí làm sách giáo khoa, nạn nhận “quà quê”, tham nhũng, đến tắc nghẽn giao thông, cách “đi bão” thiếu văn minh, vấn đề nan giải chứng nhận nghèo cho người nghèo…

Năm nay, với format mới, Gặp nhau cuối năm 2020 kết hợp sân khấu hài với ca hát và múa. Không còn những màn báo cáo, các vấn đề được đề cập không đủ nhiều và đủ sâu như những năm trước đó, vì vậy người xem khó tìm thấy cảm giác sảng khoái với các tiếng cười trào phúng.

Nhiều ý kiến cho rằng Gặp nhau cuối năm 2020 thiên về giải trí hơn là đả kích, các xu hướng mới của giới trẻ được sử dụng liên tục nhưng không ít vấn đề nổi cộm trong năm không bị phê phán trong chương trình.

Thêm vào đó, dàn nhân vật như Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng và các Táo không khiến khán giả chán ngán dù đã xuất hiện trên màn ảnh nhỏ suốt 15 năm. Cùng với những gương mặt quen thuộc này, nhiều format cũng được lồng ghép như Táo Quân: Vietnam Idol (2011), Táo Quân: Ai là trợ lý (2015)…

Ở chiều ngược lại, các nhân vật như Chí Phèo, Lão Hạc, Thị Mầu, Xuân tóc đỏ, Phó Đoan khó có thể xuất hiện liên tục trong nhiều năm như vậy, nhất là khi chính các nhân vật này vốn đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội trong năm 2019 thông qua kênh Youtube 1977 Vlog.

Có thể nói, từ một thương hiệu có một không hai với những nhân vật được yêu mến như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Gặp nhau cuối năm 2020 đã đánh mất tính độc đáo của mình.

Không thể phủ nhận rằng, Gặp nhau cuối năm 2020 vẫn là một chương trình phù hợp để người xem cùng ngồi lại thưởng thức bên gia đình vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhưng tiếng cười tống cựu nghênh tân của Táo Quân đã không còn sắc sảo như xưa. Thêm vào đó, sự yêu mến mà khán giả dành cho Táo Quân quá lớn đến nỗi khó lòng đón nhận một chương trình hoàn toàn mới mà không so sánh, hoài cổ.

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất