Giải Trí

Đám tang nghệ sĩ Anh Vũ và câu chuyện cũ 'không hồi kết': Đến bao giờ 'người đã khuất' mới thật sự được 'yên nghỉ'?

Đặng Ngân
Chia sẻ

Vẫn là một "câu chuyện cũ" về ý thức người dân khi dự đám tang nghệ sĩ nhưng mãi không "hồi kết".

Ngày 9/4, nghệ sĩ Anh Vũ được đưa về đến Việt Nam trong sự ngậm ngùi và tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp và những khán giả yêu mến anh. Tang lễ được diễn ra cùng ngày thu hút đông đảo người tham dự dẫn đến ùn tắc giao thông, thế nhưng không phải ai cũng có mặt với mục đích đưa tiễn người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh.

Họ không xuất hiện với sự ái ngại hay xót xa trên gương mặt mà thay vào đó là nét háo hức không giấu nổi như đang tham gia một kỳ “lễ hội” với thái độ phấn khích thản nhiên. Họ không cần quan tâm bên trong là bao nhiêu thương đau đang dồn nén, một người mẹ đã vĩnh viễn mất đi đứa con trai yêu quý, những người thân chẳng thể chào nhau một câu tiễn biệt cuối cùng, những người đồng nghiệp “kề vai sát cánh” bao năm qua giờ chỉ có thể đứng trước linh cữu mà nấc nghẹn,… Tình cảnh ấy, sao mà xót xa quá đỗi!

Đám tang nghệ sĩ: “Đại hội” bình phẩm không hồi kết

“Xời ơi, có mấy dịp được gặp người nổi tiếng”, “Thằng/con… (tên nghệ sĩ) kìa”, “Sao ở ngoài già vậy?”, “Nghệ sĩ mà mặc đồ bèo vậy?”, “Đợi một chút nữa đi có … (tên nghệ sĩ) tới tha hồ chụp hình”,… Có lẽ những câu thoại này không hề xa lạ với những ai từng có mặt tham dự đám tang của bất kỳ một nghệ sĩ nào.

Giữa lúc tang gia bối rối, các sao Việt đều chọn cho mình những trang phục đơn giản nhất, hạn chế trang điểm quá mức để thể hiện sự tôn trọng với người đã khuất. Họ đến để viếng một người bạn chứ không phải đi diễn hay cần nơi “đánh bóng” tên tuổi mà phải phô trương hay ăn diện “cộp mác” ngôi sao. Ấy thế mà chưa bao giờ những bình luận ác ý về họ “lắng dịu”, những sự phán xét cứ thay nhau “trút xuống” thậm chí là dèm pha tình cảm của họ dành cho người đã khuất có là thật hay không,…

Người ta thoải mái chỉ trỏ, chèo kéo xin chụp ảnh thậm chí là đùa giỡn trước nỗi đau của những người nghệ sĩ khi đến tiễn đưa đồng nghiệp. Tréo ngoe thay khi đến dự tang lễ ai cũng chọn những trang phục tối màu, giản dị nhưng những bộ phận với tư tưởng đi dự “lễ hội” thì lại ăn diện lòe loẹt, cố lấy những “bộ cánh” sặc sỡ, bắt mắt nhất để có được tấm ảnh ưng ý với nghệ sĩ để còn về “sống ảo”.

Hỡi ôi, đời thực mà còn bạc lòng với nhau, xem thường nỗi đau của người khác thì dăm ba phút được “trầm trồ” trên mạng xã hội có đổi lấy cho họ sự tôn trọng của những người xung quanh hay không?

Sự vô cảm khiến người khác phải “lắc đầu”

Chưa dừng lại ở đó, những khán giả chân chính, thật sự đến để đưa tiễn nghệ sĩ mình yêu mến thậm chí còn bị chen lấn, xô đẩy không thể vào viếng vì có quá nhiều người dàn hàng ở phía trước để quay phim và livestream. Tích cực và cần mẫn từ lúc trời còn nắng gắt đến tận khi màn đêm buông xuống, bất chấp người nhà nghệ sĩ đề nghị xếp hàng ngay ngắn.

Không nỡ bỏ lỡ dù chỉ một khắc, không biết có bao nhiêu người theo dõi những gì họ ghi lại nhưng hành động xấu xí của họ thì tất cả mọi người tại lễ viếng chắc chẳng bao giờ quên nổi.

Một vấn nạn đặc biệt tại hầu hết các tang lễ vẫn là kẻ gian trà trộn móc túi, giật dọc của khách viếng, thậm chí là nghệ sĩ. Những kẻ đó biết đây là nơi nhiều người sơ ý nhất vì quá buồn đau trước mất mát, và dĩ nhiên còn thời gian “trục lợi” nào dễ dàng hơn thế. Quá đáng sợ cho suy nghĩ này! Khi nỗi đau của con người bị biến thành công cụ cho những đối tượng xấu hoành hành, đây còn vượt hơn cả câu chuyện về ý thức mà là sự suy đồi về đạo đức, khiến người khác không chỉ ngán ngẩm mà phải rùng mình.

Không phải “mới mẻ” nào cũng “ngọt ngào”

Tại sao lại nhắc đến sự “mới mẻ” ở đây? Vì đám tang nghệ sĩ Anh Vũ vừa qua không chỉ có sự xuất hiện của “đám đông xấu xí” mà còn bị phiền nhiễu bởi một bộ phận khác: Những youtuber thiếu văn hóa. Youtuber cũng như bao nghề nghiệp khác, là một công việc xứng đáng được tôn trọng nhưng giá như những người có mặt tại lễ viếng hôm qua hiểu rằng đó không phải địa điểm thích hợp để họ “hành nghề”.

Phản cảm biết bao khi họ thoải mái giơ máy lên và thuyết trình về cố nghệ sĩ Anh Vũ, từng cá nhân đến viếng, chỉ trỏ điểm mặt từng người và không quên kết thúc màn thuyết trình bằng câu nói: “Nhớ like và share để tiếp tục theo dõi nhé” hay “Like và share để cập nhật những tin tức nóng”,… Nghe có cay đắng không?

Hôm qua tại lễ viếng nghệ sĩ Anh Vũ, cả người thân và bạn bè đến viếng đều phải rất vất vả để di chuyển bởi không chỉ “đám đông hiếu kỳ” chèo kéo xin chụp ảnh mà còn vì những “vị khách không mời” này. Họ thản nhiên chiếm hết chỗ để phô trương bản thân, cười đùa, thậm chí là tạo dáng chụp ảnh kệch cỡm khi ngay bên cạnh đó là một tang gia đang vừa chịu đựng nỗi đau mất người thân còn phải sắp xếp mớ hỗn độn do họ bày ra. Họ tập nói những lời hoa mỹ để làm gì, ăn diện chỉn chu sành điệu để làm gì khi trong mắt công chúng hình ảnh vẫn xấu xí đến méo mó vì những hành vi thiếu đạo đức kia.

Hãy để “người đã khuất” được “yên nghỉ”

Nhân những điều trái khoáy trong đám tang cố nghệ sĩ Anh Vũ lại càng thêm xót xa vì đây vốn là hiện trạng nhiều năm trở lại đây tại các tang lễ của nghệ sĩ. Thường nghe câu: “Không ai chê đám cưới, không ai cười đám ma” nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu được đạo lý đơn giản này.

Đã không biết bao nhiêu lần cảnh tỉnh, không biết bao nhiêu nghệ sĩ đã lên tiếng, không biết bao nhiêu bài học ý thức được đưa ra vẫn mãi là “dã tràng xe cát”. Luôn có một “đám đông xấu xí” xuất hiện để chỉ trỏ, cười đùa, thậm chí là giỡn hớt vì “có phải người nhà tôi mất đâu mà tôi phải buồn“. Thế đã chẳng phải người nhà của mình, sao quý vị còn đến, thậm chí là túc trực suốt chỉ để khiến tình hình thêm lộn xộn, phiền lòng tang gia? Chẳng có một lý do nào để bào chữa cho sự thiếu tôn trọng, ý thức kém cỏi cả.

Những người nghệ sĩ đã dùng cả cuộc đời để mang tiếng cười, niềm vui đến cho khán giả. Đến lúc họ nằm xuống, xin hãy dành cho họ và tang gia một sự trân trọng đúng mực. Bài học ý thức này quá đơn giản, sao mãi mà chẳng thể thành hiện thực? Nghĩ đến thấy xót xa!

Chia sẻ

Bài viết

Đặng Ngân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất