Phim Ảnh

'The Witch' - Có những nỗi sợ còn hơn cả phù thủy

Chia sẻ

Như câu kết lửng lơ “dựa trên vô số những lời đồn thổi”, “The Witch” là ngọn gió lạnh lẽo từ thời nước Anh mông muội thổi tới khán giả hiện đại

Thuộc thế hệ những nhà làm phim trẻ, đạo diễn Robert Eggers không phải là một người thích đi theo kiểu khuôn mẫu. Câu chuyện về một gia đình vào những năm 30 thế kỉ 17 tại Anh bị xé nát bởi ma thuật và sự ám ảnh mang tên The Witch đã cho khán giả thấy điều đó.

Hình tượng phù thuỷ không mới nhưng đầy ám ảnh

“The VVitch: A New-England Folktale (2015)” hay còn được gọi là “The Witch”.

 Dựa trên những ghi chép còn rơi rớt lại từ 400 năm trước, The VVitch: A New England Folktale không phải là phiên bản cách tân hiện đại của hình ảnh phù thuỷ. Thay vào đó, bằng chất liệu điện ảnh, The Witch phản ánh một thời đại lịch sử qua hình tượng một gia đình, nỗi lo sợ và nghi kị về những thứ siêu nhiên còn rất hiện hữu, ác quỷ sống trong bản thể mỗi cá nhân chỉ đợi thoát ra khi niềm tin bị đạp đổ, con người thú tội và bắt đầu hoài nghi lẫn nhau.

Bộ phim là câu chuyện sống còn ngắn ngủi của một gia đình Thanh giáo (Puritan) bị đuổi ra sống gần bìa rừng. Việc đứa trẻ sơ sinh biến mất đã khởi đầu cho chuỗi ác mộng của họ. Mùa màng thất thu, những sự kiện kì lạ nối tiếp nhau bắt đầu đe doạ tất cả về sự tồn tại của một mụ phù thuỷ trong rừng (Bathsheba Garnett).

Rõ ràng nhân vật chính trong The Witch không phải là cặp song sinh, bà mẹ hay cậu bé Caleb. Nhân vật chính có thể được xem là Thomasin - cô con gái xinh đẹp đang tuổi dậy thì, hoặc ông bố William, hoặc cậu con trai Caleb. Thế nhưng hình tượng xuyên suốt cả bộ phim là “phù thuỷ” - một đối tượng ma quái chỉ xuất hiện thấp thoáng với nhân dạng không cụ thể.

Đạo diễn Eggers thay vào việc xây dựng một hệ quy chiếu riêng của mình về hình ảnh phù thuỷ thời xưa, đã cố gắng miêu tả chân thực nhất những gì anh hình dung về nỗi sợ nguyên thuỷ của con người. Hình ảnh phù thuỷ được cho là bắt nguồn từ những hoang tưởng của đàn ông về phụ nữ. Không phán xét, không thương hại, The Witch chỉ miêu tả một thế giới ma quỷ lẫn lộn, mê muội trong sự thiếu hiểu biết và đói khát niềm tin. Những lời cầu nguyện xuất hiện dàn trải, nhưng chẳng có linh hồn nào được cứu rỗi.

Dàn diễn viên kì lạ trong nền phim u ám

Một gia đình chịu sự trừng phạt của cộng đồng Thanh giáo đã phải bỏ xứ mà đi đến cánh rừng “bị nguyền rủa”.

Mỗi góc quay của bộ phim đều đảm bảo tính hàm súc và gợi tả, thậm chí nhắm mắt người ta cũng hình dung ra hình ảnh một người đàn ông bổ củi, đằng sau là khói bếp bảng lảng bay lên từ ống khói ngôi nhà, phía xa là cánh rừng đen thẫm in nền lên bầu trời. Tất cả mọi hoan hỉ, hy vọng, sợ hãi, chết chóc đều diễn ra trên phông nền bợt bạt như một xác chết dưới bàn tay dựng phim của Jarin Blaschke.

Suốt bộ phim là rất nhiều hình ảnh đáng sợ.

Anya Taylor-Joy vào vai Thomasin, con cả của gia đình. Lớn lên trong sự thiếu quan tâm của cha mẹ (vì họ quá bận chia sẻ tình yêu cho cả đống trẻ con khác, cùng với sự đói kém và lạnh lẽo). Nữ diễn viên trẻ - sắc đẹp mang hai quốc tịch mới tuổi đôi mươi hiện lên đẹp đến ma mị trong từng cảnh quay. Thomasin bước vào tuổi dậy thì đầy hoài nghi về tình thương của gia đình cho mình, chịu đựng sự căm ghét của các em, phải làm nhiều việc nhà, bị cha mẹ nghi ngờ…Thomasin là trung tâm của bộ phim để nêu bật vị trí thiệt thòi của người phụ nữ trong một xã hội trọng nam. Họ thường xuyên chịu đựng những bất công, cho tới khi vượt ngưỡng bị đè nén, những người phụ nữ này thường rơi vào điên loạn hay tự oán.

Hai vợ chồng William - Katherine được thể hiện bởi cặp diễn viên từng cùng xuất hiện trên phim trường Game of Thrones - Ralph Ineson và Kate Dickie. Cả hai đều quá quen thuộc với phông nền u tối của một bộ phim, thể hiện được sự bất lực của một gia trưởng khi cố gắng cứu vớt gia đình khỏi mối nghi ngờ có thể giết chết họ, và một bà mẹ đau lòng đến mù quáng. Vai cậu con trai Caleb cùng cặp song sinh cũng thực hiện xuất sắc vai trò của mình, những diễn viên nhí này không chỉ nói thành thạo chất giọng Anh quốc cổ với những từ ngữ nay đã không còn phổ biến như “thee”, “thou”…mà còn chuyên nghiệp trong từng tình huống diễn xuất.

Bằng tiết tấu dồn dập và ám ảnh của Mark Korven, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Robert Eggers chịu ảnh hưởng của những tác phẩm kinh điển như The Shining (Kubrick), Häxan: Witchcraft Through the Ages (Benjamin Christensen) hay Cries and Whispers (Ingmar Bergman). Không giống như những phiên bản ma quái của anh em nhà Grimm hay Cô bé quàng khăn đỏ, The Witch giống như một câu chuyện đáng sợ góp nhặt bằng lời đồn thổi giống như “người ta kể rằng” từ 400 năm trước. Không có tác giả, không có một gương mặt cụ thể, không có hình tượng rõ ràng, The Witch mãi kẹt lại ở New England năm 1630 như một thứ tư liệu được thêu dệt về hình ảnh phù thuỷ. Hơn thế, bộ phim không lên án nhưng ám chỉ một xã hội gia trưởng, mông muội, đói kém và mù quáng đức tin. Cuối cùng thì câu hỏi của Caleb vẫn để lại cho tới giờ đầy ám ảnh: “I beg Thee, my Christ, why hast Thou damned my family?”

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất