Phim Ảnh

Vì sao Cánh Diều Vàng dần bị giới chuyên môn ghẻ lạnh và công chúng thờ ơ?

Hoàng Lê
Chia sẻ

Một loạt phim hay không thèm gửi tranh giải. Hàng loạt người làm nghề bộc lộ sự thờ ơ. Công chúng chẳng mấy quan tâm đến các hạng mục giải thưởng. Cánh diều Vàng rõ ràng đang bị thất thế trong môi trường điện ảnh Việt.

Giới chuyên môn ghẻ lạnh Cánh diều vàng

Cánh diều Vàng đã khép lại gần 1 tuần lễ nhưng vẫn rơi rớt lại dư âm. Tiếc thay, đấy không phải là những tán thưởng tích cực hoặc sự tò mò quan tâm đối với những bộ phim dành giải, hay những thông tin phân tích sự xứng đáng của những gương mặt đoạt giải.

Trái lại, thông tin giải thưởng chẳng mấy lan truyền (đa số khán giả chẳng biết về các chủ nhân thắng cuộc các hạng mục). Nó bị chìm khuất giữa những thông tin bên lề, như sự cố đọc sai tên phim của một nữ diễn viên lớn tuổi hay nghi án tình cảm của một đôi nam nữ diễn viên đoạt giải.

15 năm tuổi đời, Cánh diều vẫn không xây dựng được uy tín và sức hút cho mình. Nhà báo - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, người theo dõi rất sát sao tình hình điện ảnh trong nước thẳng thắn cho biết anh hầu như không quan tâm đến Cánh diều.

“Cánh diều là một giải nhôm nhoam. Hiện tại chất lượng thấp quá, toàn phim thương mại. Cả Bông sen cũng thế, 2 giải là giải của Hiệp hộiCục Điện ảnh đều quá cũ kỹ, những người hết thời chấm giải những phim đương thời. Cách nhìn của họ cũng bị cũ kỹ và lệch lạc”.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh - cha đẻ của bộ phim chất lượng Lô tô nhận định: “Cánh diều lâu nay đã không trở thành một thước đo chuẩn mực. Giải thưởng đáng phải là một định danh về mặt chất lượng, nhưng có nhiều sự trao giải không thỏa đáng, nên phim Lô tô không gửi dự thi (do một lý do tế nhị từ nhà sản xuất - đơn vị giữ bản quyền bộ phim) cũng không thấy tiếc”.

Là người đoạt giải năm nay (giải Quay phim xuất sắc cho phim Đảo của dân ngụ cư), nhưng nhà quay phim Lý Thái Dũng cũng không hề hào hứng với giải nhà nghề của Hội Điện ảnh. Trước tình hình giải thưởng kém uy tín và sức hút, đặt vấn đề về việc đã đến lúc phải thay đổi, anh cho biết cũng không mảy may quan tâm chú ý.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, tên tuổi hàng đầu trong dòng phim nghệ thuật - đối tượng chính yếu nhất của các giải thưởng điện ảnh cũng một mực cho hay, anh không dành suy nghĩ cho giải thưởng Cánh diều này.

Vì sao Cánh diều thiếu uy tín?

Trước hết ở chính chất lượng của giải thưởng. Là giải thưởng của Hội nghề nghiệp, đáng lẽ nó phải đề cao yếu tố nghề nghiệp và nghệ thuật nhất. Nhưng từ nhiều kỳ nay, Cánh diều cho thấy mình chú trọng đến nhiều yếu tố khác khi tính đếm cả về doanh thu (thể hiện qua tiêu chí: Đạt hiệu quả xã hội tích cực).

Ở giải Cánh diều mùa vừa qua, những bộ phim thắng lợi về doanh thu như Em chưa 18 (174 tỷ), Cô gái đến từ hôm qua (70 tỷ) Cô Ba Sài Gòn (60 tỷ) được cho là đã có lợi thế hơn các đối thủ khác khi “ăn điểm” ở tiêu chí này.

Đây là một điều không thực sự đúng đắn. Chất lượng và Doanh thu là 2 phạm trù khác nhau và đáng lẽ nên tách bạch. Những phim tốt về khán giả đã được tưởng thưởng bằng hiệu quả bán vé. Còn ở các sân chơi nghề nghiệp, đáng lẽ phải được đong đếm bằng các yếu tố khác, chứ không nên một lần nữa trộn lẫn điều này.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh phản đối tiêu chí này của Cánh diều. Anh đề xuất: “Nếu muốn ghi nhận, khuyến khích các phim đạt hiệu quả doanh thu thì Cánh diều nên tạo hẳn thêm một hạng mục giải thưởng Phim thu hút khán giả nhất. Chứ nhất quyết không nên nhập nhèm giữa các tiêu chí này trong bảng chấm điểm”.

Cánh diều có 4 tiêu chí: Sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện; Mang đậm bản sắc dân tộc; Giàu giá trị nhân văn và Đạt hiệu quả xã hội”. Trừ tiêu chí đầu là tối quan trọng, cách nhìn nhận, đánh giá của BGK về 3 tiêu chí sau xem ra cũng rất nhiều điều đáng nói.

Bộ phim Đảo của dân ngụ cư đưa lên phim những nét văn hoá đặc sắc - những dấu ấn dân tộc độc đáo nhưng dưới góc nhìn của nhà biên kịch kỳ cựu Trịnh Thanh Nhã - thành viên BGK Cánh diều vừa qua thì khác hẳn. Trong một chia sẻ hậu Cánh diều trên báo Gia đình Xã hội, chị nhận xét “Cảm giác như là phim của… Liên hợp quốc. Ông chủ người Hoa, rồi có cả người Khmer, cả người theo đạo Hồi”.

Yếu tố “nhân văn” cũng được đánh giá một cách cơ học, theo lối bất lợi dễ thuộc về những tác phẩm gai góc. Đạo diễn Nhuệ Giang - thành viên BGK Cánh diều hạng mục Điện ảnh chia sẻ, chị thấy bộ phim Đảo của dân ngụ cư có cái kết quá khốc liệt, bế tắc… nên phim mất điểm ở tiêu chí này.

Không cởi mở trước những cách thể hiện mới mẻ, quá an toàn với tiêu chí nhân văn đôi khi bộc lộ nhiều hạn chế, quá thương mại với tiêu chí hiệu quả xã hội, Cánh diều Vàng nhiều khi không xác lập được cho mình một vị thế xứng đáng của một giải thưởng giàu tính chuyên môn.

Cánh diều, bông sen vẫn quanh quẩn ao làng

Không chỉ Cánh diều, mà cả Bông sen cũng gặp phải tình trạng tương tự. Đây là 2 giải thưởng mang tính chuyên môn nhất của điện ảnh Việt. Nhưng nhìn vào kết quả nhiều lần chấm giải, nhiều tác phẩm lên ngôi cao nhất lại không phải là những bộ phim xuất sắc nhất về chuyên môn. Trong khi đó, nhiều bộ phim mang tính nghệ thuật cao, tiệm cận dòng chảy điện ảnh quốc tế lại không được vinh danh đúng tầm.

Năm 2004, giải thưởng bỏ trống giải Cánh diều Vàng cho phim hay nhất (được hiểu đồng nghĩa với việc không có tác phẩm xuất sắc). Trong khi đó, năm này có sự góp mặt của Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), một trong những tác phẩm có thể nói là hay nhất trong lịch sử điện ảnh Việt.

Năm 2008, BGK cũng quyết định không trao giải Vàng dù có sự xuất hiện của Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), một trong những tác phẩm đáng nói nhất trong suốt chiều dài tồn tại của điện ảnh nước nhà.

Năm 2009, giải có sự tham gia của Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), bộ phim Việt đầu tiên (nếu không kể những tác phẩm của nhà làm phim Việt kiều Trần Anh Hùng) hoà mình vào dòng chảy các LHP danh tiếng hàng đầu khi được chọn vào LHP Venice.

Thế nhưng, bộ phim này thua cuộc trước Bông sen Vàng Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh), một bộ phim cũng tốt nhưng không đến nỗi trên tầm. Thậm chí, Chơi vơi còn xếp sau bộ phim bình thường đạt Bông sen Bạc là 14 ngày phép (đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa).

Ở Bông sen Vàng 2015, Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), bộ phim Việt từng đến LHP Venice chỉ dừng lại ở Bằng khen. Nó dừng bước trước bộ phim nghiêm túc là hiện tượng phòng vé Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), một tác phẩm chỉ chất lượng khá và mang tính đại chúng hơn.

Đạo diễn Phan Đăng Di, nhà làm phim độc lập tiêu biểu nhất của Việt Nam không hề gửi những bộ phim đi rất xa ra thế giới của mình tới Bông sen hay Cánh diều. Nếu dự giải, với sự gai góc và táo bạo về tình dục cùng ngôn ngữ điện ảnh không dễ thẩm thấu, những bộ phim xuất sắc của anh đảm bảo rất nhiều khả năng thua cuộc trước những tác phẩm bình bình nào đó.

Vì thế, không oan khi nói, Bông sen và Cánh diều, những giải thưởng mang tính chuyên môn nhất của điện ảnh Việt vẫn quanh quẩn ao làng. Không lạ gì khi chúng bị giới làm nghề ghẻ lạnh và công chúng thờ ơ.

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng Lê

Tin mới nhất