Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Us - Chúng ta': Tiếng nói chính trị của đạo diễn da màu Jordan Peele

Không chỉ là một bộ phim "dọa người" đơn thuần, "Us - Chúng ta" được cho là tiếng nói chính trị của đạo diễn Jordan Peele mang tính chất châm biếm về một nước Mỹ chia rẽ dưới thời Trump.

Giống như trường hợp của không ít phim kinh dị lắt léo như Get Out, Hereditary tác phẩm kinh dị mới nhất của đạo diễn Jordan Peele Us cũng chia rẽ giới phê bình và khán giả đại chúng. Ở trang đánh giá phim IMDb, Us đạt điểm 7,5/10 từ hơn 4000 lượt chấm điểm của khán giả, trong khi số điểm bộ phim nhận được từ 134 chuyên gia trên trang Rotten Tomatoes là 98%.

Tại thị trường Việt Nam, tác phẩm của đạo diễn da màu Jordan Peele cũng nhận được vô số ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng phim quá lắt léo, những câu hỏi ngày càng dày đặc và trở nên rối rắm bậc nhất ở kết phim, buộc khán giả đại chúng phải có sự tập trung từ đầu đến cuối và những kiến thức nhất định để giải mã hết các tầng nghĩa. Đặc biệt, không chỉ là một bộ phim “dọa người” đơn thuần, Us được cho là tiếng nói chính trị của đạo diễn Jordan Peele mang tính chất châm biếm về một nước Mỹ chia rẽ dưới thời Trump.

Tựa đề “Us”

Bộ phim của đạo diễn Jordan Peele gây tranh cãi ngay từ khi chưa công chiếu vì tựa đề phim, “Us” có nghĩa là “chúng ta”, “chúng tôi” hay “Hoa Kỳ”, “nước Mỹ”. Thế nhưng sau khi xem xong Us, khán giả có thể khẳng định rằng tên phim bao hàm cả hai ý nghĩa này. Lời thoại quan trọng của cậu con trai Jason: “They are us” (“Họ là chúng ta”) cũng được hiểu là “Họ là nước Mỹ”, trong đó, những “người bị xích” đại diện cho hình ảnh nước Mỹ chia rẽ trong xã hội hiện đại và dần đánh mất sự tự do bởi các chính sách của ông chủ Nhà Trắng đương thời. Điều này không quá ngạc nhiên đối với tác phẩm của Jordan Peele - đạo diễn da màu từng thắng giải Oscar nhờ bộ phim kinh dị lên án vấn nạn phân biệt chủng tộc.

Tầng hầm 

Tồn tại song song với những con người phiên bản người thật, có một thế giới khác được tạo nên bằng hình thức nhân bản vô tính. Tạo ra các phiên bản vô tính “chia đôi 1 linh hồn cho 2 cơ thể”, thế giới thứ hai được mô phỏng không khác gì thế giới thật phía trên đến từng hành động, với mục đích sử dụng những người này để thao túng “người phía trên”. Song, kế hoạch thất bại, các phiên bản nhân bản vô tính bị lãng quên, nhốt lại mãi mãi phía dưới tầng hầm rộng lớn. Những “tầng hầm bỏ trống, không được sử dụng với mục đích cụ thể” tại Mỹ cũng được nhắc đến ngay từ đầu phim.

Những tầng hầm trong bộ phim kinh dị của đạo diễn Peele tượng trưng cho mặt tối ở xã hội đương thời, nơi những phiên bản dị dạng, khổ sở của các bản thể sinh sống và tồn tại qua nhiều thế hệ. “Người bị xích” có thể là tầng lớp người nghèo, công nhân, người nhập cư tại “miền đất hứa” hoa lệ - mà hoa cho người giàu còn lệ cho kẻ nghèo. Mặt khác, nhiều khán giả cho rằng hình ảnh tầng hầm còn nhằm ngụ ý các đường hầm ngầm ở Mexico đưa người nhập cư trái phép sang Mỹ, lập luận này cũng có lý hơn với những con thỏ đủ màu sắc tràn ngập tầng hầm.

Hình ảnh những con thỏ đủ màu sắc trong Us vừa đại diện cho các thí nghiệm nhân bản vô tính, vừa tái hiện một nước Mỹ đủ màu da, nhiều chủng tộc. Chính vì thế, hành động cắt đứt đầu con thỏ nhồi bông của bản gốc Adelaide có thể tượng trưng cho những chính sách ngăn cấm người nhập cư đến Mỹ của ông Trump, qua đó thể hiện rõ chất châm biếm chính trị sâu sắc nhưng tinh tế của Jordan Peele.

Tấm biển Jeremiah 11:11

11:11 là con số trở đi trở lại xuyên suốt bộ phim. Về mặt hình thức, con số 11:11 hiển thị trên đồng hồ chỉ là 4 nét gạch thẳng đứng, đối xứng nhau qua dấu “:” nên dù lật ngược hay nhìn qua gương cũng không biến đổi hình dạng. Không những thế, hình ảnh bốn bản sao của gia đình Wilson khi đứng cạnh nhau trong trang phục màu đỏ cũng không khác gì hình dáng của 4 con số này.

Ngoài ra, dòng chữ Jeremiah 11:11 còn chỉ đoạn 11, câu 11 ở cuốn Jeremiah trong Kinh Thánh viết về Jeremiah: “Vậy nên, Ðức Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ khiến tai nạn đổ lên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, nhưng ta chẳng thèm nghe”, như một lời tiên đoán về thảm họa do “người bị xích” gây ra, đồng thời gợi liên tưởng đến lời nói của Red khi cầm đầu những bản sao nổi dậy: “I want to make a statement”. Câu thoại này cũng tương tự như tham vọng “Make America Great Again” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau này, chính người đàn ông cầm biển ghi dòng chữ Jeremiah 11:11 là nạn nhân đầu tiên của “người bị xích”, được gia đình Wilson nhìn thấy khi vừa đến vùng biển Santa Cruz. Còn người đàn ông đứng trong tư thế dang rộng tay với bàn tay nhỏ máu mà cậu con trai Jason gặp trên bờ biển chính là bản sao của nạn nhân, ông đứng vào vị trí sẵn sàng để xếp thành hàng rào người sau khi giết xong bản thể của mình.

Hàng rào người với kéo và quần áo đỏ

“Những người kì lạ trong trang phục màu đỏ, tay cầm chiếc kéo” là cụm từ dùng để miêu tả hàng triệu “người bị xích”. Bộ quần áo đỏ gợi liên tưởng đến trang phục tù nhân nước Mỹ, trong khi đó, vũ khí chiếc kéo là vật dụng có hai phần đối xứng giống hệt nhau, tượng trưng cho sự kết nối giữa bản sao và bản gốc của họ. Bên cạnh đặc điểm đối xứng lặp lại, cây kéo còn được sử dụng để cắt, mà cụ thể ở Us là cắt đứt sợi dây liên kết giữa những bản sao và bản gốc bằng cách giết chết những “người thật”. Hình ảnh “cắt đứt” trở đi trở lại trong tác phẩm thông qua chi tiết Red đi vào nhà của Adelaide, cắt đứt đầu con thỏ bông; cắt giấy thành hình hàng người nắm tay nhau, rồi cắt đứt sự liên kết giữa hai hình nhân giấy.

Song, dưới góc nhìn chính trị, màu đỏ còn là màu sắc đại diện cho Đảng Cộng hòa của ông Trump, những “người bị xích” cũng đeo găng tay bên phải, ngầm ám chỉ phe cánh hữu trong chiến dịch tranh cử của ông này. Trong khi đó, cây kéo là biểu trưng của sự chia rẽ về xã hội và chính trị trong nội bộ nước Mỹ dưới thời tổng thống đương thời, cũng là những chính sách “cắt đứt”, ngăn chặn khác dưới thời Trump.

Cuối cùng, những người này tạo thành hàng rào người nối liền biên giới nước Mỹ, đây là tình tiết dựa trên một phong trào có thật mang tên Hands Across America nhằm quyên góp cho người nghèo, người vô gia cư diễn ra năm 1986 tại Mỹ. Mang theo những kí ức còn sót lại khi ở trên mặt đất, bản gốc thật của Adelaide đã sử dụng hình ảnh trong phong trào này để dẫn đầu “người bị xích” nổi dậy. Mặt khác, hàng rào triệu người nắm tay nhau cũng tượng trưng cho bức tường đỏ được tổng thống Trump hứa hẹn xây dựng ngăn cách Mỹ và Mexico, ngăn chặn nạn di dân và buôn lậu ma túy.

Đưa tính thời sự và châm biến chính trị vào tác phẩm điện ảnh đã trở thành phong cách làm phim của đạo diễn da màu Jordan Peele, và với Us, ông cho thấy tham vọng muốn nâng tầm thông điệp, đưa một cộng đồng người nhỏ từ Get Out trở thành toàn nước Mỹ (Us). Vì vậy, từ tựa đề phim đến những hình ảnh trong Us đều không có ít hơn một tầng nghĩa, tạo thành một ý tưởng chính trị xuyên suốt về câu chuyện nữ chính Red đứng đầu một nhóm người “đỏ” nổi dậy, kêu gọi sự bình đẳng và phát triển tốt đẹp hơn cho xã hội.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho thủ môn Đặng Văn Lâm