Phim Ảnh

Siêu phẩm 'The Lion King' 2019: Cuộc cách mạng kỹ xảo, liệu có thể sánh ngang 'Avatar'?

Grassie
Chia sẻ

The Lion King không tiên phong cho công nghệ làm phim mới, nhưng đủ sức trở thành nhà dẫn đầu trong cuộc đua kỹ xảo, mang đến những trải nghiệm không tưởng cho khán giả về thế giới hoang dã và hoàn thiện nốt một siêu phẩm vốn đã là tượng đài của tuổi thơ khán giả thế hệ 9x.

The Lion King (1994) (tựa tiếng Việt: Vua sư tử) là phim hoạt hình thứ 32 của hãng hoạt hình Walt Disney. Tác phẩm nhận được cơn mưa lời khen về cốt truyện, nội dung giàu tính triết lý cũng như âm nhạc vào thời điểm đó. Phim The Lion King thành công trên cả phương diện thương mại lẫn nghệ thuật, nhận được 92% đánh giá tích cực ở trang web phê bình điện ảnh Rotten Tomatoes và đạt doanh thu 952 triệu USD, trở thành phim hoạt hình vẽ tay truyền thống có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Sau tròn 15 năm, hãng Disney làm lại The Lion King, ứng dụng công nghệ hoạt hình máy tính tả thực ở trình độ cao, tái hiện hành trình giành lại ngai vàng của sư tử Simba một cách sống động và chân thực hơn. Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Jon Favreau được đánh giá là cuộc cách mạng vĩ đại của kỹ xảo làm phim, sánh ngang với Avatar - siêu phẩm ăn khách nhất mọi thời đại suốt 10 năm qua.

“Avatar”: Cuộc cách mạng vĩ đại của công nghệ làm phim 3D

Bắt tay làm siêu phẩm Avatar, đạo diễn James Cameron mất đến 15 năm chỉ để xây dựng một nền văn hóa độc lập và thế giới tráng lệ không tưởng trên hành tinh Pandora. 80 trang bản thảo của bộ phim đã được hoàn thành từ năm 1994, nhưng đến mùa hè năm 1997, Cameron vẫn cho rằng công nghệ hiện tại chưa đủ để bắt kịp câu chuyện và lột tả đầy đủ thế giới mà ông tưởng tượng.

10 năm sau đó, đạo diễn Avatar tìm đến 2 họa sĩ siêu tưởng nổi tiếng Wayne Barlowe và Jordu Schell để thiết kế hình ảnh người Na’vi sau khi cảm thấy hình ảnh quét 3D vẫn chưa bắt trọn tầm nhìn tác phẩm. Năm 2009, thời điểm đứa con tinh thần của James Cameron chính thức ra rạp, công chúng như thực sự bùng nổ, truyền thông nhắc đi nhắc lại Avatar phiên bản 3D sẽ thay đổi lịch sử điện ảnh và nhấn mạnh: “Bạn nhất định phải ra rạp để trải nghiệm cảm giác 3D với bộ phim này”.

Nhà phê bình phim Owen Gleiberman từng mô tả siêu phẩm của James Cameron là “giấc mơ rực rỡ và đắm đuối làm mê hồn mọi giác quan”, là “những tưởng tượng chưa từng có trước đây về kỹ thuật làm phim”, trong khi tác giả Roger Ebert cho rằng James Cameron là người đàn ông duy nhất ở Hollywood biết làm gì với kinh phí 250 triệu USD.

Tác phẩm Avatar không có kịch bản quá lôi cuốn và giàu tính triết lý, nhưng chỉ xét riêng về cuộc cách mạng của hiệu ứng làm phim đối với nền điện ảnh thế giới, siêu phẩm của đạo diễn James Cameron đã xứng đáng là ông hoàng phòng vé giữ vị trí doanh thu cao nhất suốt 1 thập kỷ qua.

“The Lion King” liệu có sánh ngang tầm “Avatar”?

Công nghệ CGI hiện không còn xa lạ đối với điện ảnh thế giới, được các nhà làm phim khai thác mạnh mẽ ở mỗi đứa con tinh thần. Nhưng ở The Lion King phiên bản live-action, công nghệ hoạt hình máy tính tả thực được đưa lên tầm cao mới. Adam B. Vary, cây bút chuyên viết cho BuzzFeed News nhận xét: “The Lion King là một trải nghiệm tuyệt vời về kỹ xảo. Tôi chưa bao giờ xem tác phẩm nào như vậy trước đây và nó sẽ thay đổi cách nhìn của chúng ta về siêu phẩm này mãi mãi”. Mike Ryan của tờ Uproxx còn gọi đây là bộ phim có kỹ xảo đẹp mắt nhất từ trước tới nay: “Bộ phim giống như một cuộc cách mạng trong ngành hiệu ứng điện ảnh vậy”.

Những mỹ từ “cuộc cách mạng về hiệu ứng”, “thay đổi cách xem phim mãi mãi”, “bữa tiệc hoàn hảo về thị giác” không quá khi nói đến The Lion King của Jon Favreau, người từng rất thành công với bản live-action của The Jungle Book năm 2016. Tác phẩm dụng công và tỉ mỉ đến nỗi từng sợi lông, từng con côn trùng, tia sáng đom đóm đều được tái hiện chân thực. Khán giả như thực sự được sống trong thế giới hoang dã ở thảo nguyên, cảm nhận những cơn gió thổi ngược bờm sư tử và đem sợi lông của Simba từ rừng rậm đến khỉ tiên tri Rafiki.

Hình ảnh bầy sư tử và muông thú được tái hiện sinh động đến nỗi Simba, Mufasa, Scar, Nala và Pumbaa, Timon như thực sự đang sống và tranh đấu ngoài kia. Người xem như được xem Thế giới động vật với câu chuyện tranh quyền đoạt vị lôi cuốn mà chân thực không tưởng.

Tác phẩm hoạt hình The Lion King ra đời năm 1994 vốn đã có sức lôi cuốn kì diệu. Ngay cả khi câu chuyện chỉ được tái hiện thông qua những nét vẽ tay truyền thống, tính triết lý sâu sắc và câu chuyện bi tráng của sư tử Simba cũng đủ sức đưa bộ phim của hãng Disney trở thành siêu phẩm. Giờ đây, The Lion King phiên bản live-action bù đắp nốt điểm thiếu sót của bản cũ bằng kỹ xảo làm phim tiên tiến.

The Lion King rõ ràng chưa thể tạo hiệu ứng khủng khiếp như Avatar. Tác phẩm không tiên phong cho công nghệ làm phim mới, nhưng đủ sức trở thành nhà dẫn đầu trong cuộc đua kỹ xảo, mang đến những trải nghiệm không tưởng cho khán giả về thế giới hoang dã và hoàn thiện nốt một siêu phẩm vốn đã là tượng đài của tuổi thơ khán giả thế hệ 9x.

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin mới nhất